"Chúng ta phải giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay thông qua ngoại giao và cả biện pháp răn đe đáng tin cậy", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm nay nói trong cuộc họp báo tại căn cứ Rukla ở Litva, đề cập đến quan hệ giữa NATO và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine.
"Chúng ta phải thảo luận về các đề xuất Nga đưa ra. Đó là điều đúng đắn và quan trọng", Lambrecht cho biết. "Nhưng nó không có nghĩa là Nga có thể ra lệnh cho các thành viên NATO về lập trường của họ".
Lambrecht đua ra tuyên bố trong bối cảnh Litva cùng hai quốc gia láng giềng thuộc vùng Baltic là Latvia và Estonia lo ngại về an ninh khi Nga triển khai hàng chục nghìn quân ở biên giới phía tây.
Khoảng 550 lính Đức đang đóng quân tại căn cứ Rukla của Litva, dẫn đầu tiểu đoàn đa quốc gia đồn trú tại nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas nói với Lambrecht rằng "lực lượng Nga được điều tới Kaliningrad lớn gấp 10 lần quân số tiểu đoàn đa quốc gia đóng tại căn cứ Rukla".
"Trong tình huống này, những yêu cầu của Nga nhằm làm suy yếu an ninh đất nước của chúng ta là bất khả thi. Tôi nghĩ cần từ chối chúng", Anusauskas nói.
NATO điều các đơn vị đa quốc gia tới các nước vùng Baltic và Ba Lan năm 2017 nhằm răn đe Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở miền đông Ukraine ba năm trước đó.
Ukraine gần đây cũng cáo buộc Nga triển khai khoảng 90.000 quân dọc theo biên giới và lên kế hoạch tiến đánh nước này. Nga bác cáo buộc, khẳng định họ có quyền điều động lực lượng quân đội trên lãnh thổ của mình để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ. Trong khi đó, phương Tây đe dọa siết trừng phạt nhằm vào Nga nếu tiến đánh Ukraine.
Nga ngày 17/12 gửi Mỹ dự thảo hiệp ước an ninh 8 điểm để giảm căng thẳng tại châu Âu, trong đó có yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và liên minh phải rút toàn bộ binh sĩ cùng khí tài trên lãnh thổ các nước thành viên gia nhập sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các quốc gia vùng Balkan.
Nga còn yêu cầu NATO không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu họ chưa đồng ý. Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.
Mỹ và các thành viên trong NATO đang thảo luận về 8 yêu cầu này của Nga. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bác bỏ yêu cầu không kết nạp Ukraine làm thành viên, trong khi các quan chức Mỹ cho rằng một số điểm trong dự thảo hiệp ước của Nga là "không thể chấp nhận được".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)