Dự thảo hiệp ước gồm 8 điểm được Bộ Ngoại giao Nga chuyển cho Mỹ trong tuần này, cảnh báo rằng hành động phớt lờ những lợi ích của Moskva có thể dẫn tới "phản ứng quân sự" như những gì từng diễn ra trong khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Trong dự thảo, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moskva muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.
Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.
Quan chức cấp cao Mỹ hôm qua cho biết Điện Kremlin thừa hiểu nhiều điểm trong đề xuất này là "không thể chấp nhận được". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bác bỏ mọi thỏa thuận có điều khoản ngăn Ukraine gia nhập liên minh, cho rằng điều này phụ thuộc vào Kiev và 30 quốc gia thành viên NATO.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington đã nhận các đề xuất đối thoại của Moskva và đang thảo luận với đồng minh, đối tác tại châu Âu. "Sẽ không có cuộc đàm phán nào về an ninh châu Âu nếu thiếu các đồng minh và đối tác của chúng tôi", bà cho hay.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 17/12 cho biết nước này không đặt hạn chót về đối thoại, nhưng khẳng định Moskva muốn sớm bắt đầu đàm phán và không đình trệ. "Chúng tôi có thể đến bất kỳ nơi nào vào thời điểm nào để đàm phán, thậm chí ngay ngày mai. Nga không ra tối hậu thư, vấn đề là không nên coi nhẹ những cảnh báo của chúng tôi", ông nói.
Dự thảo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quanh khu vực Ukraine gần đây leo thang, biến điểm nóng này thành một "ngòi nổ" xung đột ở châu Âu. Giới chức phương Tây cho biết Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.
Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi cáo buộc Nga âm mưu tấn công Ukraine là "cơn cuồng loạn được khuấy động trên truyền thông phương Tây và Ukraine", đồng thời tuyên bố điều này "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov ngày 9/12 bác quan ngại của phương Tây về hoạt động điều quân của Moskva, khẳng định nước này có quyền triển khai lực lượng tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ của mình nếu muốn.
Ukraine chưa thể gia nhập NATO. Tuy nhiên, Mỹ giúp huấn luyện quân đội Ukraine và cam kết hỗ trợ hơn 2,5 tỷ USD để nước này khôi phục lực lượng, vốn chịu nhiều thiệt hại trong 7 năm giao tranh với phe ly khai ở khu vực Donbass.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/12 nói không xem xét phương án triển khai lính Mỹ tới Ukraine để ngăn nguy cơ Nga tấn công qua biên giới. Giới chức Mỹ trước đó dọa trút đòn trừng phạt kinh tế vào Nga và cho biết có thể tăng lực lượng NATO tới sườn phía đông, đồng thời đề nghị hỗ trợ tăng năng lực phòng thủ cho Ukraine.
Vũ Anh (Theo Guardian)