"Nga là cường quốc suy tàn, tầm quan trọng về mặt kinh tế và GDP của Nga không theo kịp nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, một nền kinh tế đang suy thoái hoặc suy giảm quyền lực kinh tế vẫn có thể là mối đe dọa và thách thức", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh CNBC ngày 16/12.
"Nga không chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân, họ còn đầu tư vào các năng lực quân sự hiện đại, triển khai tên lửa siêu vượt âm và tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mới ở khu vực châu Âu. Chúng tôi phải xem xét điều đó một cách rất nghiêm túc", Stoltenberg nói.
Stoltenberg đưa ra nhận định trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga leo thang liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có Ukraine. Kiev cáo buộc Moskva triển khai khoảng 90.000 quân dọc theo biên giới và lên kế hoạch tiến đánh Ukraine. Nga bác cáo buộc, khẳng định họ có quyền điều động lực lượng quân đội trên lãnh thổ để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ.
"Những gì chúng tôi đang thấy rất đáng lo ngại khi quân đội Nga tăng dần lực lượng bên trong và xung quanh Ukraine với các đơn vị thiết giáp, tăng chủ lực, pháo binh và hàng chục nghìn quân nhân", Stoltenberg nói. "Chúng tôi biết rõ động thái của Nga, họ từng dùng vũ lực chống lại Ukraine".
Nga chưa bình luận về nhận xét của Tổng thư ký NATO.
Nga ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. Giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine khiến ít nhất 14.000 người thiệt mạng. Moskva bác cáo buộc kích động bạo lực và tuyên bố họ đang bảo vệ những người dân tộc Nga khỏi bị đàn áp.
Các quan chức phương Tây cảnh báo Nga hứng "hậu quả nghiêm trọng" nếu phát động chiến dịch quân sự mới, song không nói ra các biện pháp cụ thể. Một số chuyên gia nhận định điều này cho thấy sự thiếu dứt khoát hoặc chưa có cách tiếp cận thống nhất giữa lãnh đạo phương Tây về đối phó với Nga.
NATO cam kết hỗ trợ cho Ukraine với tư cách là một đối tác. Tuy nhiên, Ukraine không phải thành viên NATO và không nằm trong hiệp ước phòng thủ chung, điều đảm bảo các thành viên sẽ được NATO bảo vệ nếu bị tấn công.
Stoltenberg cho biết các đồng minh NATO cung cấp hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực tác chiến, tổ chức các cuộc diễn tập chung với Ukraine và chuyển các thiết bị khác nhau để củng cố quân đội nước này. "Ukraine có quyền tự vệ và các đồng minh NATO đang giúp họ tăng cường năng lực đó để ngăn một cuộc tấn công quân sự từ Nga".
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh cần đối thoại với Nga để giảm căng thẳng, điều được Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi trước đó. Tuy nhiên, NATO và Nga vẫn chưa tổ chức được cuộc đối thoại này.
Nguyễn Tiến (Theo CNBC)