Ngày 29/5, giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định: "Điều đáng sợ là tốc độ lan truyền của biến thể này trong cộng đồng thường vượt qua khả năng truy vết, theo dõi và cách ly. Nó có thể gây ra đợt dịch lớn hơn những gì thế giới từng chứng kiến".
Các chuyên gia cho biết B.1.617 đã đột biến để lây từ người sang người dễ dàng hơn, có thể làm giảm nhẹ khả năng bảo vệ do vaccine hoặc lây nhiễm tự nhiên mang lại. Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết, B.1.617 có khả năng lây truyền cao gấp 1,5-2 lần so với chủng đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán cách đây 18 tháng. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy, B.1.617.2 (chủng phụ của B.1.617) dường như dễ lây lan hơn, thậm chí tốc độ lây hơn 50% so với chủng B.1.17.
B.1.617.2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, hiện đã lan ra hơn 50 quốc gia và vượt qua các chủng từng chiếm ưu thế như B.1.1.7. Các nhà khoa học Ấn Độ cho rằng B.1.617.2 là một trong những yếu tố chính khiến dịch bệnh leo thang. Kết quả giải trình tự gene cho thấy khi độ phổ biến của B.1.617.2 đi lên, số ca nhiễm cũng gia tăng tại một số khu vực ở Ấn Độ. Tại New Delhi, B.1.617.2 trong 84% mẫu virus vào ngày 28/4, so với mức 25% hôm 3/3. Số ca Covid-19 trong thành phố cũng tăng vọt vào tháng 4.
Ngay tại Anh, nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, số ca nhiễm nCoV đột ngột tăng nhanh vài tuần qua, ba phần tư là biến thể từ Ấn Độ.
"B.1.617.2 dường như đang lấn át các biến thể khác ở mọi nơi nó xuất hiện", Saumitra Das, giám đốc Viện Gene Sinh học Quốc gia Ấn Độ, nhận định.
Hiện, giới khoa học vẫn chưa rõ B.1.617 có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong hay không. Trong một hội thảo của Đại học Y Yong Loo Lin ở Singapore, tiến sĩ Soumya phát biểu: "Mức độ nghiêm trọng lâm sàng không rõ vì chưa có nghiên cứu theo dõi, so sánh các bệnh nhân và xem xét tác động của biến thể dựa trên hồ sơ bệnh án". Bà Soumya cho biết thông tin chưa được kiểm chứng chỉ ra ngày càng có nhiều người trẻ ở Ấn Độ nhiễm virus và mắc bệnh nặng.
Tại tâm dịch Ấn Độ, các bác sĩ chứng kiến nhiều bệnh nhân nhiễm nCoV nghiêm trọng đến mức họ tin rằng độc lực của virus đang trở nên mạnh hơn. Theo một số chuyên gia, hầu hết bệnh nhân, đặc biệt người trẻ cần nhiều oxy hơn người mắc Covid-19 trong đợt dịch trước. Ở thanh niên, tổn thương phổi cũng lan rộng nhanh hơn, nồng độ oxy giảm nhanh và thời gian hồi phục lâu hơn, khiến các bác sĩ ngạc nhiên về tình trạng này.
Giridhara R. Babu, giáo sư dịch tễ học tại Viện Y tế Công cộng Ấn Độ ở Bangalore, cho biết các nghiên cứu tại một số quốc gia đang tìm hiểu liệu biến thể nCoV có độc lực mạnh hơn hay chỉ dễ lây lan hơn. Theo ông, lời kể của các bác sĩ như trên cần được đưa vào nghiên cứu. "Ta không thể bỏ qua những phát hiện này. Chúng đều rất quan trọng", ông Giridhara nói.
Giáo sư Teo cho rằng vũ khí tốt nhất hiện nay là tiêm chủng rộng rãi. Theo ông, tiêm phòng giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nặng. Nghiên cứu sơ bộ của Mỹ cho thấy vaccine Pfizer và Moderna vẫn hiệu quả chống lại B.1.617. Báo cáo của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cũng chỉ ra vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca có tác dụng đối với biến thể B.1.617.2 với hiệu quả lần lượt là 88% và 60%.
Tuy nhiên, với quy mô dịch hiện nay, các biến thể mới vẫn có thể xuất hiện, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tiêm chủng, hướng đến miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu. Đáng tiếc, chương trình vaccine tại hầu hết các quốc gia vẫn còn chậm.
Ngày 28/5, ông Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết, Covid-19 sẽ không chấm dứt cho đến khi ít nhất 70% dân số toàn cầu được tiêm phòng. Song, ông bày tỏ thất vọng về việc triển khai vaccine ở châu Âu. Theo ông, quá trình tiêm chủng đã cải thiện nhưng vẫn quá chậm chạp.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết khoảng 43% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine tính đến ngày 29/5. "Thời gian đang chống lại chúng ta", ông Kluge cảnh báo, nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy nhanh tiêm chủng.
Ở các nước khác, tình hình cũng không mấy khả quan. Theo dữ liệu của New York Times, đến ngày 28/5, hơn 1,81 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu. Song, chênh lệch về tiến độ triển khai vaccine giữa các quốc gia vẫn tồn tại. Một số nước thậm chí vẫn ở vạch xuất phát.
Giáo sư Teo nhận xét sự bất bình đẳng về nguồn cung và phân phối vaccine đang tiếp diễn. Tiêm chủng trên diện rộng vẫn là đặc quyền của những nước phát triển. Giáo sư Dale Fisher, chủ tịch Mạng lưới ứng phó và Cảnh báo dịch bệnh toàn cầu của WHO, cho biết, điều này tạo điều kiện cho B.1.617 xâm nhập vào các quốc gia từng ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngay cả ở Việt Nam, nơi có khả năng chống dịch tốt, số ca Covid-19 đã tăng đột biến trong tháng 5. Các cơ quan chức năng phát hiện một biến thể mới là chủng lai giữa biến thể B.1.617.2 và B.1.1.7, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long, hôm 29/5.
"Những nước như Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam dễ tổn thương hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp", theo ông Fisher. Ông kêu gọi các nước giàu hỗ trợ nhiều hơn cho Covax - chương trình với sứ mệnh bảo đảm và phân phối vaccine cho nước nghèo.
Mai Dung (The Straits Times, WSJ)