B.1.1.7 từng là ác mộng của Anh, bắt đầu lây lan mạnh tại châu Âu thời điểm đó và có thể làm điều tương tự ở Mỹ. Thời gian ngắn, các biến thể khác như B.1.351 (Nam Phi) và P.1 (Brazil) xuất hiện trên khắp đất nước. Chúng lây lan nhanh và trốn tránh được hệ miễn dịch.
Tổ hợp biến thể kéo đến vào thời điểm tồi tệ nhất. Mỹ đang trong đợt bùng phát mới sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Việc phân phối vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech bị đình trệ, hỗn loạn và chìm trong thông tin sai lệch. Các nhà khoa học cảnh báo các biến thể, đặc biệt là B.1.1.7, có nguy cơ tạo ra làn sóng Covid-19 thứ tư, ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn căng thẳng.
Song viễn cảnh này không xảy ra.
B.1.1.7 chiếm ưu thế ở Mỹ, hiện chiếm gần ba phần tư tổng số ca nhiễm ghi nhận. Song đợt bùng phát mà giới chuyên gia lo ngại cuối cùng chỉ là các cụm dịch yếu ớt. Số ca mắc mới hàng ngày toàn quốc bắt đầu giảm vào tháng 4, hiện giảm hơn 85% so với mức kỷ lục hồi tháng 1.
Tiến sĩ Kristian Andersen, chuyên gia virus tại Viện nghiên cứu Scripps Research ở California, nhận định: "Chúng ta hoá ra có thể làm tốt hơn nhiều so với mong đợi".
Andersen và các đồng nghiệp vẫn coi biến thể là mối nguy tiềm ẩn trong những tháng tới, nhất là P.1 đang phát triển nhanh chóng ở 17 bang. Song họ cũng xem xét tình hình trong những tháng qua để hiểu về cách Mỹ đã tránh được thảm hoạ từ các biến thể.
Chuyên gia chỉ ra chìa khóa đến từ nghiên cứu cấp tốc, quy định khẩu trang và giãn cách xã hội. Đặc tính phát triển theo mùa của mầm bệnh cũng tạo "khoảng lặng" cho hàng chục triệu người Mỹ đi tiêm chủng. Khác với các biến thể còn lại, B.1.1.7 đầu hàng vaccine.
Nathan Grubaugh, chuyên gia dịch tễ Đại học Yale, cho biết: "Thành thật mà nói, tôi nghĩ chúng ta đã gặp may. Chúng ta được vaccine cứu sống".
Sau khi B.1.1.7 xuất hiện vào tháng 12, các nhà khoa học đưa ra nghiên cứu về những đột biến đáng lo ngại. Họ tìm hiểu cách chúng cạnh tranh để tồn tại và lây nhiễm. Tháng 1, các nhà nghiên cứu California phát hiện biến thể mới với 10 đột biến lan sang những vùng lân cận. Thí nghiệm cho thấy nó dễ lây lan và né tránh được phương pháp điều trị kháng thể.
Những tháng sau đó, Mỹ quyết liệt giám sát cách thức đột biến của nCoV. Tuần trước, hơn 28.000 bộ gene virus, gần 10% trong số mẫu bệnh phẩm dương tính, được gửi lên cơ sở dữ liệu quốc tế GISAID.
Bức tranh rõ ràng cho phép các nhà khoa học nắm được tình hình. Họ hiểu ra rằng biến thể California khá yếu ớt, số lượng giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3. Nó vẫn phổ biến ở vùng Bắc California, song đã biến mất khỏi khu vực phía nam, chưa bao giờ lan sang những vùng khác. Đến ngày 24/4, nó chỉ chiếm 3,2% tổng số mẫu xét nghiệm cả nước, trong khi B.1.1.7 đã tăng lên 66%.
"Như thể B.1.1.7 bước vào và nói ‘Tạm biệt biến thể California nhé'", tiến sĩ Andersen nhận định.
Phía bên kia đất nước, các nhà nghiên cứu vào tháng 2 báo cáo biến thể mang tên B.1.526 lan truyền nhanh chóng ở New York, trở thành đối thủ đáng gờm của B.1.1.7. Trong tháng, cả hai biến thể tăng lên 35%, song B.1.1.7 vẫn lây lan mạnh nhất.
Thực tế, biến thể Anh gần như có lợi thế hơn mọi loại biến thể được xác định đến nay. Tại phiên điều trần Quốc hội ngày 11/5, tiến sĩ Rochelle P. Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết B.1.1.7 chiếm 72% số ca nhiễm ở Mỹ.
Hiện chưa rõ yếu tố nào mang lại lợi thế vượt trội đó. Để nghiên cứu, các nhà khoa học California tổ chức một "sàn đấu biến thể" trong phòng thí nghiệm. Họ tiêm tổ hợp 6 loại biến thể khác nhau cho chuột bạch, trong đó có B.1.1.7. Tiến sĩ Charles Chiu, nhà virus học tại Đại học California, cho biết: "Ý tưởng là xem loại nào sẽ chiến thắng". Nghiên cứu đang diễn ra, dự kiến có kết quả trong năm nay.
Tại Michiagan, B.1.1.7 lây lan mạnh ở người trẻ tuổi, học sinh đang trở lại trường và chơi các môn thể thao đối kháng. Emily Martin, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Michigan, cho biết: "Vì dễ lây lan, virus lợi dụng kẽ hở trong các hoạt động mà thông thường không gây nhiều rủi ro".
Song tại phần còn lại của đất nước, người dân trở nên thận trọng hơn nhiều khi số ca nhiễm tăng kinh hoàng sau kỳ nghỉ lễ. Hầu hết các bang hạn chế ăn uống trong nhà hàng, siết quy định đeo khẩu trang. Dù lan nhanh hơn khoảng 60%, cách thức lây nhiễm của biến thể Anh vẫn như cũ. Nó không chiến thắng được các biện pháp dập dịch cơ bản.
"B.1.1.7 dễ lây truyền, song virus không xuyên qua khẩu trang. Vì vậy, chúng tôi vẫn thành công ngăn chặn", tiến sĩ Emma Hodcroft, nhà dịch tễ Đại học Bern, nói.
Song nhiều chuyên gia cho rằng B.1.1.7 vẫn nằm ngoài khả năng dự đoán của giới khoa học. Sarah Cobey, nhà sinh vật học tiến hoá tại Đại học Chicago, cho biết: "Tôi không nghĩ (số ca nhiễm tăng) chỉ vì hành vi người dân".
Bà chỉ ra rằng virus hô hấp đôi khi trải qua chu kỳ theo mùa. Song chưa rõ vì sao dịch bệnh suy yếu vào mùa đông. "Điều nó khiến tôi thấy khó hiểu hơn cả", bà nói.
Khúc mắc khác là vì sao biến thể nguy hiểm như B.1.351 không phát triển mạnh ở Mỹ. Biến thể nhanh chóng thống trị Nam Phi và nhiều nước trong khu vực vào cuối năm ngoái. Nó xuất hiện lần đầu ở Mỹ ngày 28/1, nhưng chỉ chiếm 1% số ca nhiễm. Giả thuyết đưa ra là virus không vượt qua B.1.1.7 đang lan truyền quá mạnh.
Biến thể Brazil P.1 lây lan chậm ở Mỹ, hiện chiếm hơn 10% số trường hợp dương tính. Song tiến sĩ André Ricardo Ribas Freitas, chuyên gia dịch tễ tại bệnh viện Faculdade São Leopoldo Mandic, cảnh báo: "Tôi tin rằng sớm muộn biến thể P.1 sẽ trở nên phổ biến".
Qua 4 tháng dịch bệnh, Nels Elde, nhà sinh vật học tiến hoá tại Đại học Utah, đặt dấu hỏi về việc Mỹ nên lo ngại về các biến thể, hay chỉ tập trung kiểm soát hoạt động của người dân.
Thực tế, Mỹ có nguồn vaccine dồi dào. Biến thể trở thành mối quan tâm về học thuật hơn là nỗi lo đối với cộng đồng. Vaccine có thể giảm hiệu quả đối với biến thể Nam Phi và Brazil, song chúng đủ khả năng ngừa bệnh chuyển nặng với tất cả đột biến đã biết.
Chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ được đánh giá là một thành công. CDC dỡ yêu cầu đeo khẩu trang với những người tiêm đủ liều vaccine Covid-19, động thái được Tổng thống Joe Biden xem là cột mốc vĩ đại. Trong bài phát biểu ở Nhà Trắng, ông tuyên bố thắng lớn trong cuộc chiến chống loại virus đã giết chết gần 600.000 người Mỹ.
Tuy nhiên, tình hình vẫn có nguy cơ chuyển hướng xấu. Đến nay, chỉ khoảng 35% người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ. Nghiên cứu cho thấy tác dụng vaccine có thể giảm vào mùa đông năm nay. Hiện chưa rõ biến thể mới nổi ở khu vực khác, như Ấn Độ, sẽ hoạt động ra sao nếu lan sang Mỹ. Tiến sĩ Cobey cảnh báo ở những nơi virus đang lây lan mạnh, virus chắc chắn còn đột biến thêm.
Thục Linh (Theo NY Times)