Thời gian qua, nhiều người tranh luận về việc "có nên cấm nuôi chó dữ ở Việt Nam hay không?". Đặc biệt là sau hàng loạt vụ việc liên quan dến chó cắn người trên đường mà gần nhất là vụ hai con chó Pitbull cắn chết người ở Long An. Có người đồng tình tuy nhiễn cũng có người cho rằng cấm nuôi chó dữ có phần cực đoan bởi cái chính vẫn là ý thức chủ nuôi. Bản thân tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta quản lý hoạt động nuôi chó thế nào chứ không phải cứ khó là cấm.
Để có một cái nhìn toàn diện nhất về câu chuyện này, hãy cùng xem các nước trong khu vực và trên thế giới quản lý người nuôi chó làm thú cưng thế nào:
Tại Singapore, Đạo luật Thú và Chim quy định người dân muốn nuôi chó từ hơn ba tháng tuổi bắt buộc phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng, ai vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 đôla Singapore (khoảng hơn 87 triệu đồng). Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cũng chỉ được nuôi tối đa ba con chó trong nhà.
Đặc biệt, những giống chó nguy hiểm như Pitbull, Akita, Tosa... cũng bị hạn chế nuôi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi và cộng đồng. Theo đó, mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó thuộc danh mục này song phải cho cấy chip, trải qua khóa huấn luyện hành vi, và được triệt sản. Chủ chó cũng phải mua bảo hiểm có tổng giá trị ít nhất 100.000 đôla Singapore (hơn 1,7 tỷ đồng) để bồi thường trong trường hợp con vật tấn công làm người khác bị thương. Ngoài ra, người nuôi cần đặt cọc 5.000 đôla Singapore với cơ quan chức năng, coi như phí đóng phạt trong trường hợp vi phạm các quy định trên.
Nếu để chó cắn người, chủ nuôi cũng sẽ bị phạt và bồi thường. Con chó gây nguy hiểm cho người khác có thể bị tịch thu, đem tiêu hủy. Ngay cả khi chó nuôi không cắn người mà chỉ cần đe dọa tấn công, nhảy xổ vào người khác hoặc lao ra đường gây ảnh hưởng giao thông, phá hoại của công... chủ chó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Còn tại Nhật Bản, dù chó là loại thú cưng được nuôi nhiều nhất, nhưng để được nhận nuôi một con chó, người Nhật cũng phải đăng ký trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua chó; đến cơ quan chức năng để gắn chip dưới da cho chó nhằm kiểm soát; chứng minh điều kiện sống đầy đủ cho chó phát triển, nhà phải cách âm tốt; tiêm chủng định kỳ cho chó... Đối với giống chó dữ, chủ nuôi phải làm giấy tờ đảm bảo chúng không cắn người và được trông giữ cẩn thận. Mọi hành vi vi phạm, chủ chó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đó là tại châu Á, còn với các nước châu Âu thì sao? Ở Anh, người ta thậm chí còn có hẳn một đạo luật về kiểm soát chó, trong đó yêu cầu tất cả các chủ nuôi phải mang chó đến gắn chip nhằm lưu giữ thông tin (nguồn gốc, lịch sử dịch tễ, tiêm chủng...) và theo dõi hoạt động của chó. Hành vi thả rông chó dữ, dù ở trong nhà hoặc sân vườn của hàng xóm cũng bị coi là trái luật. Chủ chó đôi khi còn phải đối mặt với án tù từ sáu tháng đến 5 năm, phạt tiền, bị cấm cuôi chó vĩnh viễn... nếu vi phạm. Chó cắn người cũng lập tức bị đem thiêu hủy ngay.
Trong khi đó, Mỹ thậm chí còn cấp hẳn căn cước cho chó và quản lý bằng chip điện tử. Còn tại Thụy Sỹ, người nuôi chó cũng phải tham gia một khóa đào tạo chuyên nghiệp (cả lý thuyết lẫn thực hành) về cách chăm sóc, dạy dỗ chó, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trước khi đủ tư cách nhận nuôi chó. Giấy chứng nhận có hiểu biết chuyên môn cũng là điều kiện bắt buộc nếu muốn nhận nuôi chó ở Đức...
>> 'Nuôi chó văn minh trước khi bàn chuyện ngừng ăn thịt chó'
Nhìn cách quản lý hoạt động nuôi chó ở các nước trên thế giới, ta mới thấy, người Việt vẫn quá dễ dãi trong việc nuôi thú cưng tại nhà. Ở ta, gần như chẳng có mấy quy định nghiệm ngặt liên quan đến nuôi chó ngoại trừ "ra đường phải đeo rõ mõm". Thực tế, quy định là vậy chứ chẳng có cơ quan, lực lượng nào chuyên trách vấn đề này, nên chó thả rông, không đeo rọ mõm vẫn thản nhiên chạy trên đường phố. Lâu lâu mới lại có đợt ra quân bắt chó thả rông, nhưng cũng chỉ "sớm nở tối tàn".
Thậm chí, ngay cả việc tiêm phòng dại cho chó cũng rất ít người chịu tuân thủ. Phần lớn vẫn tùy thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người nuôi. Mà phàm thứ gì chờ đợi tự giác thì không thể hy vọng có được kết quả cao. Hàng xóm nhà tôi vẫn nuôi hết lượt chó này đến lượt chó khác, cao điểm có lúc họ nuôi tới sáu con chó một lúc với đủ giống loài, cả chó cảnh lẫn chó dữ. Chiều chiều, họ vẫn dắt chó ra ngoài đi dạo, chỉ rọ mõm cho con to nhất, dữ nhất, còn mấy con chó nhỏ hơn thì gần như để không, dù khu dân cư nhiều trẻ con, người già.
Nói vậy để thấy, việc quản lý hoạt động nuôi chó ở Việt Nam gần như bằng "0", nếu không muốn nói là ai muốn nuôi kiểu gì cũng được. Đó là lý do khiến chó cắn người vẫn luôn là hiểm họa thường trực bấy lâu nay mà không có cách nào ngăn chặn triệt để được. Tôi cho rằng, chúng ta cần sớm ban hành những quy định nghiêm ngặt trong việc cấp phép và quản lý nuôi chó trên phạm vi cả nước, giống như những nước xung quanh đang thực hiện.
Một đất nước văn minh thì không thể để người dân nuôi cho theo kiểu tùy tiện. Văn minh cũng thể bắt đầu từ việc kêu gọi ý thức tự giác, mà phải được đặt dưới sự quản lý của các chế tài pháp luật. Nuôi chó văn minh không nhất thiết phải cấm tiệt loại này, loại kia, bởi tôi tin, nếu chúng ta có quy định nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ, thì dù có nuôi Pitbill hay Ngao Tây Tạng, cộng đồng cũng sẽ được đảm bảo an toàn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.