Tôi tốt nghiệp tiến sĩ khoa học máy tính ở Nhật Bản. Luận án của tôi chỉ dài 100 trang, thậm chí còn không có bìa cứng (tôi chỉ bọc giấy bóng kính bên ngoài). Hội đồng chấm luận án cũng rất đơn giản, họ chỉ mời thêm một giáo sư của phòng nghiên cứu bên cạnh, còn lại là giáo sư cùng phòng nghiên cứu với tôi.
Chuyện bảo vệ luận án cũng không rình rang, khẩu hiệu như ở ta. Các thầy trong hội đồng nếu có nhu cầu uống nước thì tự ra ngoài mua hoặc mang từ nhà đến, người ta không bày vẽ, chuẩn bị sẵn. Đi bảo vệ, tôi chỉ mang theo có độc một chiếc laptop, vì giảng đường đã có sẵn máy chiếu.
Đến giờ bắt đầu, các thầy tập trung nghe tôi trình bày, chỗ nào chưa hiểu, các giáo sư sẽ hỏi lại ngay hoặc định hướng để tôi phát triển tiếp sau này. Hết 40 phút theo quy định, tôi phải dừng ngay để trả phòng cho lớp khác vào học.
Ở đây, hoàn toàn không có câu hỏi nào khó theo kiểu đánh đố, vặn vẹo, vì các giáo sư đều tin tưởng và chất lượng của tạp chí quốc tế mà luận án của tôi đã được đăng trước đó. Họ coi đó như là một thước đo của nghiên cứu sinh vì các phản biện tạp chí cực kỳ khó tính. Tại đây cũng không có chuyện phản biện kín vì đã là khoa học thì mọi thứ đều cần phải minh bạch.
>> 'Nhiều luận án tiến sĩ không bằng luận văn đại học'
Tôi không hiểu sao Việt Nam đến giờ vẫn giữ quy trình phản biện kín? Tôi không hiểu sao năm ngoái người ta lại hạ chuẩn công bố quốc tế thay vì nâng chuẩn (như các công bố phải trong danh mục Hội đồng giáo sư nhà nước quy định). Nếu làm được việc này tôi tin chất lượng tiến sĩ trong nước và nước ngoài sẽ tương đương với nhau.
Tôi thấy mấy năm trước quy định chuẩn công bố quốc tế, các nghiên cứu sinh trong nước đã tiệm cận về số đông, thậm chí rất nhiều công trình uy tín vượt chuẩn nghiên cứu sinh so với các nước phát triển. Nhà nước không cần tốn ngân sách cho cán bộ đi học nước ngoài mà để ai tự có khả năng xin được học bổng hay được cấp kinh phí từ giáo sư thì hẵng đi học. Vì đó cũng như chuẩn đầu vào. Tiếc rằng điều đó đã không được duy trì bao lâu.
Cũng xin nói thêm, tiến sĩ chỉ là danh hiệu mang ý nghĩa về mặt khoa học, khả năng tìm tòi nghiên cứu, nên ai thích đều có thể làm được, có thể người nhanh, người lâu. Tôi nghĩ mình làm được thì 56 đứa bạn học cấp ba cùng trường phổ thông năm xưa của tôi cũng vậy.
Cái này giống như đam mê chứ không có ý nghĩa gì nhiều về trình độ hay khả năng trong công việc. Có thể tư duy hoặc kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn tốt lên một chút so với chính bạn ở thời điểm trước đó, chứ chưa chắc đã giỏi bằng một sinh viên tốt nghiệp đại học nếu so sánh trong hệ quy chiếu khác.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.