Xung quanh việc Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc phân biệt đối xử hàng Việt ở Big C, nhiều độc giả VnExpress đã có những quan điểm trái chiều.
Có ý kiến cho rằng việc Big C dừng bán hàng may mặc Việt Nam không chỉ làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước mà còn gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho đến nên kinh tế nước ta:
Big C là một chuỗi siêu thị lớn trên đất nước ta nên hệ thống nhà cung cấp cũng không nhỏ. Việc dừng cung cấp hàng Việt sẽ gây nên tình trạng nghiêm trọng là ít đơn hàng và thất nghiệp sẽ tăng trong nước. Thất nghiệp cao thì lao động nhiều lương cơ sở sẽ giảm. Ngược lại, người Thái họ sẽ được hưởng lợi trên đất nước ta. Vì vậy, thể hiện tinh thần yêu nước cách đơn giản nhất là "người Việt dùng hàng Việt". Giúp nhân dân mình cũng chính là cách đơn giản nhất để tăng lương của chính bạn.
Bảo vệ hàng Việt chính hiệu, chất lượng là bảo vệ công ăn việc làm của người Việt. Nếu chúng ta không quan tâm thì đến một lúc kinh tế trong nước khó khăn, mình thất nghiệp là do mình thờ ơ chứ không phải do ai khác.
Bạn là người tiêu dùng nhưng hãy tiêu dùng một cách thông thái. 200 doanh nghiệp đồng loạt bị ngừng hợp tác chẳng nhẽ không có doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng? Việc BigC bị người Thái mua lại, giờ họ ưu tiên nhập hàng Thái, sau đó họ tiếp tục nhập các mặt hàng khác từ Thái thì hàng Việt Nam sẽ đi về đâu? Một đất nước làm ra của cải vật chất nhưng không ai tiêu thụ, chỉ có biết nhập và nhập, vậy tiền đâu để tái thiết xây dựng đất nước?
Riêng hàng may mặc của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu. Chẳng hà cớ gì nếu hàng không chất lượng thì làm sao mà xuất khẩu được. Có chăng do phân biệt đối xử hàng hóa giữa các nước với nhau không chỉ ở Big C mà các siêu thị lớn khác cũng đang xảy ra tình trạng này.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, nguyên nhân nằm ở chính chất lượng sản phẩm của hàng Việt chưa đáp ứng được yêu cầu của người Việt:
Vấn đề nằm ở các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, lúc nào cũng hô to khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt" nhưng chính họ lại không thèm "yêu thương" khách hàng của mình. Sản phẩm thì không chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, giá thì cao ngút trời, những thứ mà chính doanh nghiệp nước ngoài phải qua bao nhiêu cửa ải xuất nhập khẩu, logicstic.. mà họ lại đem đến được sự hài lòng cho khách hàng Việt. Rồi đến khi khách hàng không chịu mua hàng Việt, các doanh nghiệp bán lẻ không thèm nhập vì nhập chỉ khiến họ thua lỗ thì lại đổ cho họ phân biệt đối xử, người Việt sính ngoại. Cái gì cũng có nguyên do của nó cả!
Người ta bỏ tiền ra kinh doanh, xây dựng hệ thống phân phối thì người ta có quyền lựa chọn nhà cung ứng. Hàng nào rẻ, chất lượng, chiết khấu thương mại cao, thương hiệu mạnh, có chính sách chăm sóc nhà phân phối tốt...thì họ bán. Nếu sản phẩm của họ cung ứng không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì tự khắc người ta sẽ bị đào thải, quy luật thị trường là vậy rồi. Nếu vì sức ép nào đó buộc người ta phải nhập hàng thì xác định là hàng đó sẽ bị cho vào những chỗ xấu nhất, ít người qua lại nhất và chuyện tồn hàng trong thời gian dài là tất yếu.
Trong siêu thị bán rất nhiều quần áo nội địa, chất lượng rất tệ, chỉ còn cắt chưa hết, size thì thiếu hụt. Từng mua nhiều nên tôi hiểu siêu thị muốn chọn lọc các nhà cung cấp tốt. Các nhà cung cấp nội địa nên xem lại mình, cải cách chất lượng thì không ai cắt giảm thu mua cả.
Tôi thấy nhiều người nói hay lắm. Nào là ủng hộ hàng Việt Nam, yêu nước mua hàng Việt. Thực tế thì bao nhiêu người sẽ làm vậy? Bỏ tiền ra chúng ta có quyền chọn sản phẩm nào tốt hơn chứ? Các doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh thì phải thay đổi, đó là thách thức của hội nhập.
Vấn đề là người Việt có ủng hộ hàng Việt hay không? Nếu người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì chấp mấy ông Big C từ chối hàng may mặc Việt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.