Xung quanh câu chuyện "Lời hứa thương hiệu Việt", nhiều độc giả VnExpress cho rằng, lòng yêu nước không phải là thứ quyết định để khiến người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt:
Lòng yêu nước sẽ giúp doanh nghiệp Việt cất cánh, điều đó là rất tốt cho người Việt. Nhưng trước khi yêu cầu khách hàng dùng "lòng yêu nước" để chọn sản phẩm của bạn, thì hãy làm gì đó cuốn hút họ. Có vô số doanh nghiêp khá thành công mà không cần cầu cạnh lòng yêu nước. Nhưng trái lại nhiều doanh nghiệp đề cao việc mình là đơn vị đầu tiên sản xuất được mặt hàng A, B trong nước và đề cao lòng yêu nước của người tiêu dùng. Nhưng trái ngang thay họ treo giá quá cao, nói rằng mục đích là để định danh thương hiệu ở phân khúc cao cấp. Chỉ vì cái định danh đó, họ quay lưng với đa phần người Việt chỉ có thể chi tiêu ở mức nào đó. Vậy thì sự quay lưng của người tiêu dùng là phải thôi. Khi họ ra đợt đầu mà không lấy được sóng mua sắm của người tiêu dùng, thì những đợt sau sẽ chẳng còn khẩu hiệu nào để người tiêu dùng chú ý nữa. Lòng yêu nước là thứ thứ yếu để khiến người tiêu dùng ủng hộ. Thứ cốt yếu đó là chất lượng tương xứng với giá thành.
Nếu lòng yêu nước là một yếu tố cấu thành chi phí của sản phẩm, dịch vụ thì người tiêu dùng có quyền đòi hỏi lại doanh nghiệp trong nước chất lượng cũng như dịch vụ hậu mãi. Đó là cách mà thị trường vận hành (theo đúng nghĩa đen của từ "thị trường"). Chứ nếu không thì cán cân nghiêng về bên doanh nghiệp quá, còn người tiêu dùng thì bị thiệt đủ đường, do bị lòng yêu nước ghìm lại. Đây là cách một số nhãn hàng, thương hiệu Việt đang làm. Họ đánh chủ yếu vào lòng yêu nước chứ không phải chất lượng sản phẩm.
Nếu muốn người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm thì cứ làm cho tốt, cho chất lượng với giá cả hợp lý tự nhiên họ sẽ sử dụng sản phẩm thôi. Còn làm sản phẩm mà chỉ dựa trên lòng yêu nước để bán thì tốt nhất đừng làm, kinh tế thị trường không vận hành trên những yếu tố đó đâu.
Tôi nghĩ đại đa số người Việt Nam sẽ chọn hàng Việt nếu như đạt được chất lượng tương đương hoăc kém hơn một chút so với hàng ngoại. Nhưng tiếc là những sản phẩm như vậy không nhiều, trong khi hàng kém chất lượng, giả mạo, Trung Quốc đội lốt lại rất nhiều.
Chừng nào doanh nghiệp Việt không còn tư tưởng ham cái lợi trước mắt thì khi đó mới phát triển được. Khi doanh nghiệp Việt tạo ra sản phẩm trên nền tảng của đạo đức chứ không phải là lợi nhuận trước mắt thì khi đó mới có sản phẩm thương hiệu quốc gia.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.