Trung Quốc gần đây xây dựng loạt giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới trong vùng sa mạc nội địa. Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của người dân, bao gồm đề ra các biện pháp giúp giảm gánh nặng nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
"Những động thái này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách giải quyết lo ngại liên quan đến sĩ khí của binh sĩ và khả năng chiến đấu của quân đội trong một cuộc chiến kéo dài", Tetsuro Kosaka, biên tập viên của Nikkei, nhận định trong bài viết ngày 19/9.
Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động trái phép ở Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo và triển khai radar cùng tên lửa ra đây để ngăn máy bay và chiến hạm nước ngoài tiếp cận khu vực. Trung Quốc sau đó triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo tới khu vực này.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là loại vũ khí tối tân, cho phép quốc gia sở hữu chúng không bị đặt vào thế bất lợi do tàu ngầm có thể ẩn nấp ở vùng nước sâu và có khả năng răn đe đối phương rất cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại gấp rút xây dựng thêm hàng trăm giếng phóng ICBM mới ở vùng sa mạc nội địa. Kosaka nhận định dù Trung Quốc quân sự hóa một số thực thể ở Biển Đông, nước này không còn tự tin về khả năng bảo vệ các vị trí họ chiếm đóng trái phép nếu xảy ra xung đột vũ trang.
Một tàu ngầm Trung Quốc hồi tháng 1/2018 thể hiện năng lực yếu kém khi di chuyển ở đáy biển tại khu vực tiếp giáp nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện.
Theo luật quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản khi đó có thể nhận định đây là một tàu ngầm không xác định "xâm nhập lãnh hải" trong trạng thái lặn và có quyền tiến hành các biện pháp đối phó. Tàu ngầm này nhanh chóng nổi lên và treo quốc kỳ Trung Quốc, dường như lo ngại bị tấn công bằng bom chìm.
Nhiều quan chức Nhật Bản và Mỹ coi việc thủy thủ đoàn tàu ngầm Trung Quốc nhanh chóng cho tàu ngầm nổi lên "thể hiện tinh thần yếu kém" của binh sĩ nước này, Kosaka cho biết.
Trung Quốc gần đây tăng chi tiêu quân sự và không ngừng đầu tư cho các khí tài hiện đại. Tuy nhiên, Kosaka cho rằng tên lửa, xe tăng chỉ đóng một phần trong sức mạnh quân sự quốc gia, những yếu tố vô hình còn lại bao gồm sĩ khí quân nhân.
Hải quân Trung Quốc đang đẩy nhanh chương trình chế tạo tàu sân bay, nhưng một cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản dự đoán tàu sân bay Trung Quốc sẽ không rời quân cảng trong trường hợp nổ ra xung đột do lo bị tấn công và đánh chìm.
Một số chuyên gia cho rằng tinh thần của binh sĩ Trung Quốc ở mức thấp do chính sách một con lâu năm của nước này, khiến quân đội Trung Quốc trở thành "đạo quân con một" lớn nhất thế giới.
"Hơn 70% binh sĩ Trung Quốc là con một", Kinichi Nishimura, một cựu sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, cho biết. Các bậc phụ huynh Trung Quốc luôn muốn con cháu sum vầy khi về già, đặc biệt những gia đình chỉ sinh một con.
Chính phủ Trung Quốc ngày 1/8 ban hành luật bảo vệ địa vị, quyền và lợi ích của quân nhân, động thái cho thấy quân đội nước này có thể không giải quyết được những khó khăn về nguồn tuyển quân trong bối cảnh tỷ lệ sinh suy giảm.
"Quân đội Trung Quốc tăng cường triển khai chiến hạm và tiêm kích từ vài năm trước", Nishimura nói. "Tuy nhiên, tần suất hoạt động của chúng không cao, có thể do Trung Quốc chưa thể đào tạo đủ binh sĩ để vận hành và bảo dưỡng đúng cách các loại khí tài công nghệ cao".
Các chuyên gia nhận định đây là một phần lý do Trung Quốc những năm qua phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo. Trung Quốc được cho đã triển khai thêm vài nghìn tên lửa đạn đạo các cỡ, các tầm.
Một trong các học thuyết của quân đội Trung Quốc cho rằng cần phóng số lượng lớn tên lửa ngay trong giai đoạn đầu của trận đánh và lập tức rút khỏi chiến tuyến sau đó.
Quân đội Trung Quốc trong vài năm qua gấp rút bổ sung thêm nhiều tiêm kích, UAV, chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, động thái cho thấy ý định tăng số lượng tên lửa phóng ra khi trận chiến bắt đầu. Học thuyết này sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt khi Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đảm bảo số lượng binh sĩ.
Để phòng thủ trước mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác cần nghĩ đến tăng cường các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, Kosaka viết.
"Các biện pháp này bao gồm phát triển và triển khai vũ khí thế hệ tiếp theo gồm vũ khí laser năng lượng cao và pháo điện từ", Kosaka cho biết. "Nhật Bản đã sở hữu nền tảng công nghệ để phát triển các loại vũ khí này, dù chưa được biết rộng rãi trong nước".
Nguyễn Tiến (Theo Nikkei)