Bảo hiểm được xem là "mỏ vàng" cho các ngân hàng những năm gần đây. Bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng giúp bên bảo hiểm khai thác tệp khách hàng lớn từ ngân hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng; trong khi các nhà băng gia tăng nguồn thu, tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, đi kèm với đó, thực trạng người dân vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm ngày càng nở rộ. Thậm chí, một số khách hàng đáo hạn khoản vay cũng bị yêu cầu mua kèm bảo hiểm mới được giải ngân.
Cho rằng hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, độc giả Vinhdinh nhận định: "Cả nhân viên ngân hàng và khách hàng đi vay đều cảm thấy rất bức xúc với sự liên kết giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng suốt thời gian qua. Cụ thể, nhân viên ngân hàng bị ép chạy chỉ tiêu, phải bán bảo hiểu dù không thuộc chuyên môn nghiệp vụ ban đầu, dẫn tới tư vấn không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua.
Trong khi đó, khách hàng đi vay cũng bị yêu cầu phải mua bảo hiểm mới được duyệt hồ sơ và giải ngân. Mặc dù ngân hàng nói không ép phải mua bảo hiểm, nhưng nếu không chịu bỏ tiền thì hồ sơ sẽ bị treo, rất lâu được duyệt. Rõ ràng, việc nhận biết được giữa sự bắt ép mua bảo hiểm và chào bán bảo hiểm khi khách hàng đi vay vốn tại ngân hàng là rất khó. Vì vậy, giải pháp duy nhất là cấm luôn sự liên kết giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng".
>> 'Khó xử phạt nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm'
Trong khi đó, không đồng tình với quan điểm cấm ngân hàng bán bảo hiểm, bạn đọc AlibaD phân tích: "Cấm ngân hàng bán bảo hiểm là điều bất khả thi. Tôi dám chắc trong vòng 5-10 năm nữa, chúng ta vẫn không thể cấm được. Vấn đề là phải kiểm soát như thế nào để hoạt động này không bị biến tướng, vì không phải ngân hàng nào, nhân viên nào cũng o ép khách hàng mua bảo hiểm. Bản thân khách hàng của các ngân hàng cũng nên tự trang bị kiến thức cho mình để khỏi phải mất tiền, lại rước thêm cục tức vào mình.
Theo tôi, người bị ép mua Bảo hiểm nhân thọ ở ngân hàng thường rơi vào hai trường hợp:
1. Đối với người vay tiền: đây là đối tượng dễ bị o ép nhất. Họ đang cần tiền gấp, và hồ sơ không được đẹp lắm, nên đứng ở vị trí cửa dưới, dẫn đến phải chịu thỏa thuận mua bảo hiểm của ngân hàng. Nếu không giải ngân kịp thì có lẽ hậu quả với họ còn bi đát hơn, nhân viên ngân hàng hiểu điều đó nên mới ép được. Ngược lại, nếu hồ sơ đẹp và có kế hoạch dự phòng thì nhà băng này làm khó vẫn có thể qua nhà băng khác.
2. Đối với người gửi: nhóm này khó bị ép mua bảo hiểm hơn, và thường nhân viên ngân hàng sẽ chỉ mời mấy người ít am hiểu, lấy tỷ lệ lãi suất cao làm 'mồi nhử' là sẽ 'cắn câu' ngay. Trường hợp này, khách hàng cần nhớ hai điều: gửi tiết kiệm thì cần phải có sổ tiết kiệm (các hình thức thay thế khác nhiều khả năng khiến bạn nhận trái đắng) và lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao (các sản phẩm có lãi suất cao hơn lãi tiết kiệm đều không an toàn bằng sổ tiết kiệm)".
Đồng quan điểm, độc giả Thanh Phu Dang đề xuất giải pháp quản lý hoạt động bán bảo hiểm thông qua ngân hàng: "Để giải quyết vấn đề Bancassurance khi ngân hàng ép người dân mua bảo hiểm, nên ban hành luật mới nhằm hạn chế việc ngân hàng bán bảo hiểm và đưa ra các quy định cụ thể để tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư và người mua bảo hiểm. Ngoài ra, chúng ta nên đảm bảo rằng các ngân hàng không khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm, chẳng hạn như ràng buộc việc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, cũng cần yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác cho khách hàng về các sản phẩm bảo hiểm mà họ đang cung cấp. Hơn nữa, cần có các điều khoản để đảm bảo rằng khách hàng nhận thức được các quyền của họ để có thể đưa ra quyết định sáng suốt về sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Cuối cùng, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến việc bán các sản phẩm bảo hiểm".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.