Nhạc vàng (Bolero) là một trong những thể loại âm nhạc được ưa thích của người Việt, từ người già, bậc trung niên, người trưởng thành cho đến người trẻ và thậm chí là nhiều học sinh, sinh viên cũng đều có thể nghe. Chúng ta nghe nhạc vàng, không hẳn chỉ là thấy nó hay, mà đôi khi là từ sự thấu cảm, từ con tim rung động của mình. Nghe nhạc vàng, không hẳn chỉ để thư giãn, xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng, mà đôi khi con người cũng có thể phần nào tìm thấy hình ảnh của mình trong những bản nhạc ấy. Đôi khi, những bản nhạc vàng lại trở thành một chiếc cầu gắn kết giữa người với người. Và chỉ chừng ấy thôi, nhạc vàng đã đi vào đời sống của biết bao nhiêu người Việt.
Ấy thế nhưng hiện nay, những giá trị cốt lõi ấy của nhạc vàng, lại đang bị làm sai lệch, méo mó. Cũng là những bản nhạc vàng ấy, nhưng với sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ, những chiếc loa kẹo kéo ra đời với giá thành rất rẻ, và chỉ cần một cái smartphone cùng những beat có sẵn trên mạng là họ bật và cầm mic hát mọi lúc, mọi nơi. Một buổi tối, không thể đếm nổi hàng xóm của tôi hát bao nhiêu bài? Họ hát xuyên đêm, thậm chí gần như là 24/24 giờ trong ngày. Họ hát ở bất kỳ đâu, có thể từ trong nhà, hay thậm chí ra ngồi vỉa hè, ở các quán nhậu, quán trà đá... Thậm chí, có người họ vừa kéo loa đi khắp các đường phố ngõ ngách, vừa hát nhạc vàng, nhằm kiếm sống.
Điều đáng bàn ở đây, là họ hát nhạc vàng, cốt không hẳn chỉ để giải trí, xả stress mà còn là giải cơn say từ rượu, bia. Cứ được dịp xôm tụ là họ bắt đầu mở loa, bật mic và hát từ sáng đến đêm, có lúc không ngơi nghỉ dù chỉ một phút. Đã hát karaoke thôi đã đành, có người còn hát như hét, như gào, nốt cao không ra nốt cao, nốt thấp không ra nốt thấp, có lời rồi nhưng họ vẫn "hồn nhiên" hát sai cả nhạc và lời.
Bên cạnh chầu hát có thể là chai rượu cốc bia, anh em bạn bè ở đó liên tục "một, hai, ba... dô" chờ đến lượt và "gào" tiếp cả ngày. Thế là những câu hát đầy xúc cảm và lãng mạn như "Vùng lá me bay nhớ kỷ niệm hai chúng mình..." lại trở thành thứ để cho những người này "gào" lên, trên nền những nhạc beat tự làm mà độ hòa âm, phối khí gần như là dở tệ, nặng bass, khác hẳn với sự trầm buồn thường thấy của nhạc vàng chính gốc.
>> Tôi ngạc nhiên vì người Việt bất lực trước karaoke 'tra tấn'
Những yếu tố trên cộng hưởng vào khiến cho việc hát nhạc vàng nói riêng (của một bộ phận người dân) và hát karaoke nói chung, trở thành "sự tra tấn" và "nỗi ám ảnh" của rất nhiều những người dân lao động khác, gây ra vấn nạn "ô nhiễm tiếng ồn". Đầu phố hát karaoke, cuối phố vẫn nghe thấy là chuyện bình thường, có khu không chỉ một nhà hát mà hai, ba nhà cùng mở và hát. Vậy là nhiều nhà hàng xóm khác, cả ngày đi làm đi học mệt mỏi, tối về cần được nghỉ ngơi, thì lại bị karaoke tra tấn khiến cho ngủ không đuợc, mà nghỉ ngơi cũng không xong, con cái không thể tập trung học hành.
Lúc góp ý thì họ ngừng, nhưng được một thời gian, đâu lại vào đấy. Nhiều khi, họ còn dùng vũ lực để đe nẹt những người góp ý, khiến cho những người ấy trở nên bất bình. Cán bộ phường xuống kiểm tra nhắc nhở, cũng rơi vào tình trạng trên. Nhiều khi tôi nghĩ bụng: "Phận là con gái hoài", "đắp mộ cuộc tình gì mà đắp mãi không xong"...
Những bản nhạc vàng vô thưởng vô phạt, giàu cảm xúc, nay lại trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều người khó chịu, họ bê ngay tiêu đề hay một ý tứ nào đó trong ca từ ra để châm biếm, mỉa mai. Beat nhạc dở tệ cộng với tiếng ca như hét đã làm khổ nhiều người từ ngày này qua tháng khác. Nhiều người cứ nghĩ mình "hát hay" nên rất "hay hát", hát suốt ngày. Nhưng kỳ thực không phải như thế!
Những bài hát nhạc vàng vốn giàu cảm xúc và giàu chất văn như thế, nhưng vào cái beat dở tệ cùng một giọng hát "tra tấn" như vậy, ai mà chịu được? Nhạc vàng đã mất đi cái giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn cốt lõi của nó cũng chỉ vì mấy người hát "kẹo kéo" hay "thánh hát" trên mạng. Thử hỏi, các nhạc sĩ sáng tác ra những bản tình ca bất hủ ấy sẽ nghĩ gì khi nghe được những giọng ca đường phố hát như gào, thậm chí còn sai lời và làm mất giá trị nghệ thuật mà bài hát đó đem đến? Họ có buồn lòng không, họ có tức không khi đứa con tinh thần của mình bị bóp méo và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến người khác như thế?
Gần đây, nhiều địa phương đã ra quân và có chế tài xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke đường phố, và đã có nhiều tín hiệu tích cực, nạn karaoke kẹo kéo giảm ở nhiều nơi. Nhưng vẫn còn nhiều nơi khác đâu đây trên dải đất hình chữ S này, vấn nạn vẫn còn nhức nhối. Mong rằng chính quyền sẽ vào cuộc mạnh tay hơn nữa để giảm đến tối thiểu thực trạng này. Dẫu biết hát karaoke là nhu cầu giải trí chính đáng của người dân, không thể ngăn cấm, song hãy hát đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm.
Bản nhạc dù hay nhưng vào những giọng hát dở thì rồi cũng sẽ gây sự ức chế đối với người nghe. Hãy trả lại những giá trị nguyên vẹn, xưa cũ từ nghệ thuật đến nhân văn mà nhạc vàng đem lại. Mà trước nhất, đó chính là từ việc hát karaoke đường phố.
Văn Bình
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.