Tôi được biết, một số thương hiệu bánh trung thu bán giá 70.000 đồng có chi phí sản xuất, tức là tính đến lúc hoàn thiện đóng gói sản phẩm sẵn sàng xuất xưởng, không được phép vượt quá 35% giá bán khi chưa áp dụng khuyến mãi. Một khi chi phí vượt qua lằn ranh này, bánh xuất xưởng sẽ lỗ.
Chi phí dành cho nhà phân phối lên đến 50% chưa bao gồm vận chuyển. Chi phí cho hệ thống cung ứng bao gồm vận chuyển, dịch vụ thanh toán, marketing và hàng tá dịch vụ phụ trợ nữa chiếm 15-20% tùy vào quy mô doanh nghiệp. Chi phí sản xuất không được vượt quá 35%, đó là vấn đề sống còn của sản xuất công nghiệp.
Các tiệm bánh gia truyền có thể bán giá rẻ 40.000 - 50.000 đồng nhờ tận dụng ưu thế không phải thuê mặt bằng và không phải chiết khấu cho nhà phân phối. Điều này tương tự với việc các tiệm tạp hóa nước ta hoạt động hiệu quả dựa trên tích hợp nhà ở với mặt bằng buôn bán. Còn sản xuất công nghiệp quy mô nhiều triệu sản phẩm thì phương thức này không thể áp dụng.
Hàng vào tay nhà phân phối phải trích chiết khấu. Siêu thị, cửa hàng vật lý phải chiết khấu. Bán trên mạng phải giảm giá mạnh nếu không khách hàng không mua, so với chiết khấu cũng không khác gì. Chú trọng quá nhiều vào kênh phân phối trực tuyến hoặc dùng giá sốc để thu hút khách hàng qua kênh này có thể gây sứt mẻ quan hệ với nhà phân phối truyền thống.
Một công ty dược phẩm trong nước đã từng gặp phải tình trạng bị các hiệu thuốc đồng loạt tẩy chay sau một chiến dịch khuyến mãi thông qua hình thức livestream. Những doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu không muốn điều này vì đa phần họ còn kinh doanh cả những mặt hàng tiêu dùng nhanh, rất khó tiêu thụ và phân phối hiệu quả bằng hình thức bán hàng trực tuyến.
>> Bánh trung thu hiện đại 'tiền triệu nhưng tôi không nuốt nổi'
Chiết khấu cho nhà phân phối, đặc biệt là cho các sản phẩm có tính thời vụ, gần như không thể thương lượng. Đừng ai nói là các quầy hàng dựng ở vỉa hè hay là quầy hàng rong thì không cần chiết khấu cao vì chi phí mặt bằng không tồn tại.
Bánh pía - món bánh được gợi ý thay thế bánh trung thu - cũng không nằm ngoài quy tắc này. Trên con đường hướng ra sân bay Nội Bài, đoạn phía trước cầu Nhật Tân có một khu các cửa hàng ăn uống. Một số hoạt động như một đại lý giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản Việt Nam như: cu đơ, mè xửng, và cả bánh pía.
Một gói bánh pía bốn chiếc có giá hơn 72.000 đồng, chiết khấu cho chủ quán từ 15-20%. Quán là mắt xích phân phối cuối cùng, bên trên họ còn nhà phân phối khu vực, bên trên nữa là nhà phân phối theo miền. Giá của gói bánh pía lúc xuất xưởng so với lúc đến tay người mua cũng chênh nhau nhiều.
Nếu bánh pía và các mặt hàng khác đều như vậy, rau củ gạo đều như vậy, cớ sao phải chỉ trích giá bánh trung thu? Cửa hàng ở ngay mặt tiền con đường dẫn ra sân bay có giá thuê rất cao, giá bất động sản nhảy từng ngày, vậy lấy tiền đề gì mà mong giá hàng hóa phải đi xuống đây?
Chi phí chuỗi cung ứng không chỉ là chi phí vận chuyển. Tôi tính sơ qua những khoản phát sinh thế này: Số lượng hàng sản xuất rất lớn lên đến hàng chục triệu đơn vị, hiển nhiên sẽ phải sản xuất từng đợt, nếu không sẽ không có đủ chỗ để lưu trữ hàng. Sản xuất từng đợt nên phải tiêu thụ từng đợt, mỗi đợt sẽ là một lần vận chuyển. Làm càng nhiều càng rẻ chỉ áp dụng nếu năng lực xử lý của các mắt xích trong chuỗi cung ứng lớn một cách đồng đều, mà trình độ đó thì Việt Nam chưa đáp ứng được.
Vận chuyển đến kho xong là đến bước vận chuyển đến các đơn vị phân phối cuối cùng. Các đơn vị phân phối cuối cùng lại có tốc độ tiêu thụ hàng không giống nhau. Có những nơi họ bán một tháng hết một lô hàng, có nơi yếu hơn một tháng chỉ hết nửa lô hàng, có nơi nhanh thì 20 ngày đã "cháy hàng". Sẽ phải có một người hoặc một công ty thực hiện việc điều phối, và đương nhiên phải trả thù lao. Vận chuyển thôi cũng rất nhiêu khê và phát sinh nhiều vấn đề để cân nhắc, chứ không phải chỉ nhận đơn - giao hàng - nhận tiền như shipper.
Thương mại điện tử không đỡ đần được nhiều. Chi phí vận chuyển của các sàn thương mại điện tử vẫn tương đối dễ chịu, đấy là do hệ thống phân phối truyền thống xử lý những mặt hàng có tần suất và số lượng tiêu thụ lớn. Thử đẩy số lượng bánh trung thu tương đương sức mua ở các kênh phân phối truyền thống lên kênh thương mại điện tử, không chỉ phí vận chuyển nhân lên vài lần mà có khi còn có thể được ăn bánh trung thu vào tết Trùng dương.
Thị trường bánh kẹo là thị trường cạnh tranh cao, áp lực không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước mà còn hàng nhập khẩu. Các công ty sản xuất bánh trung thu chẳng có lý do gì để bán đắt cả. Bánh trung thu không phải thực phẩm thiết yếu, bán đắt ai mua? Nếu cái bánh trung thu nó có thể tự mọc cánh bay đến chỗ người mua thì các công ty sẽ bán cái giá mà ai cũng mua được.
Các doanh nghiệp cũng có thể chọn tập trung vào một vùng địa lý để giảm thiểu chi phí dẫn đến giảm thiểu giá bán, nhưng đổi lại là dư địa và động lực phát triển kém. Khi đó, chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ với những mặt hàng giá cả vừa túi tiền hầu hết người tiêu dùng, nhưng sẽ không có những doanh nghiệp lớn với kinh nghiệm và nguồn lực đa dạng, có thể làm trụ cột cho kinh tế địa phương và quốc gia. Giá bánh thì rẻ nhưng cái giá cho tương lai thì hơi đắt.
- Chê bánh trung thu đắt - sao nhiều người vẫn mua?
- Trung thu không 'mất chất' vì những hộp bánh tiền triệu
- Nỗi oan của bánh trung thu Việt khi bị chê đắt
- Bánh trung thu 'làm một mùa ăn cả năm'
- Bánh trung thu thành món hàng xa xỉ
- 'Bánh trung thu Việt quá đắt'