Với người phụ nữ 45 tuổi ở Hà Nội, từ chối học đại học là điều không thể chấp nhận bởi gia đình có truyền thống khoa cử, toàn những người có bằng cấp cao. Chị cho rằng người không có bằng cấp sẽ bị coi thường, "cả đời không ngẩng mặt lên được".
Nhưng từ nhỏ Thùy Linh, con gái chị, đã thích vẽ, thích trở thành một thợ xăm hình chuyên nghiệp. Nữ sinh 17 tuổi nghĩ nghề này tại Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, thu nhập tốt. Cô bé không ngờ bị bố mẹ phản đối gay gắt.
Để tránh xung đột, Linh nói sẽ tập trung thi tốt nghiệp THPT. Nếu thuyết phục được gia đình trước khi xét tuyển, cô có thể học nghề xăm hình hoặc học đại học và tìm kiếm cơ hội theo đuổi đam mê.
12 năm trước, Lan Huệ ở Thái Bình cũng muốn làm và kinh doanh đồ thủ công thay vì học đại học. Nhưng với gia đình thuần nông, cả họ chưa ai đỗ đại học nên bố mẹ cô đặt kỳ vọng. Dù không muốn Huệ vẫn ôn thi và trúng tuyển khoa Tài chính - Ngân hàng của Đại học Thương mại Hà Nội.
Ra trường không xin được việc đúng chuyên ngành, Huệ xin vào một công ty chuyên tạo hình đất sét cho trẻ em. Vốn khéo tay cùng khả năng sáng tạo đa dạng giúp Huệ mỗi tháng thu nhập 25-30 triệu đồng. Tấm bằng cử nhân của cô vẫn cất ở quê.
"Nếu được chọn lại có lẽ tôi sẽ không học đại học", cô gái 30 tuổi nói.
Linh và Huệ không phải người duy nhất muốn "vào đời bằng đường khác" thay vì học đại học nhưng bị gia đình ngăn cản. Chủ đề "nên hay không học đại học" gần đây nhận nhiều quan tâm trên mạng xã hội.
Mới đây một nam rapper đã gây tranh cãi với phát ngôn "Những người học đại học phần lớn chỉ học đại, không bằng một người học xong lớp 12 rồi ra đời bươn chải", thu hút hàng nghìn ý kiến cả đồng tình và phản đối. Bên ủng hộ cho rằng đào tạo trong trường không quan trọng bằng trải nghiệm thực tế. Nhưng có người cho rằng không có nền tảng kiến thức khó có thể thực hành.
"Có rất nhiều công việc phải học đại học, cao học và trên cao học, nhất là các nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như bác sĩ, nghiên cứu khoa học, vũ khí quân sự, vũ trụ... Nếu chỉ học hết cấp 3 bạn có chắc sẽ làm được?", người dùng mạng tên Vũ Huy viết.
Khảo sát của VnExpress với gần 1.000 độc giả với câu hỏi "Theo bạn việc học đại học ngày nay có cần thiết không?", 50% nói phải tùy vào ngành nghề có yêu cầu bằng cấp hay không, 36% nói rất cần thiết và chỉ 14% nói không.
Giải thích về lý do nhiều người vẫn coi trọng bằng cấp, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (TP HCM) nói 20 năm trước đỗ đại học rất khó, nhiều phụ huynh không thực hiện được điều này nên đem ước mơ gửi gắm cho con. Ngày nay, việc sở hữu một tấm bằng đại học không quá khó khăn càng thúc đẩy cha mẹ muốn con thực hiện, ngay cả khi các em không có đam mê hay năng lực phù hợp.
Bổ sung thêm, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết tâm lý "phải học đại học" đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người bởi quan niệm đây là con đường duy nhất để thành công. Hai là xã hội vẫn coi trọng bằng cấp, một số phụ huynh sợ người xung quanh chê cười, con cái bị đem ra so sánh.
"Cũng chính bởi việc cố gắng có bằng đại học nhưng không biết lý do tại sao và mơ hồ trong lúc chọn ngành đào tạo mới sinh ra quan niệm 'học đại học cũng chỉ là học đại'", bà Hương nói.
Nữ chuyên gia cũng cho biết việc chạy theo số đông khiến nhiều người chọn sai trường, ngành học. Hệ quả là nảy sinh tư tưởng chán nản, bỏ học giữa chừng; số khác rơi vào tâm lý "bỏ thì thương, vương thì tội", khi ra trường lại làm trái ngành, trái nghề; hoặc có trường hợp mẫu thuẫn với gia đình do cố tình theo đuổi đam mê.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019 ghi nhận khoảng 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% thiếu hiểu biết về ngành nghề đã chọn. Nghiên cứu về người trẻ ở Việt Nam của Hội đồng Anh thực hiện tháng 8/2020 cho thấy có đến 18% người được hỏi nói chọn ngành học vì gia đình, bạn bè thích hoặc giáo viên tư vấn.
Từng chia sẻ trên VnExpress hồi tháng 9/2023, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Đại học Công thương TP HCM, cho biết ở đa số trường hàng năm đều có khoảng 5-15% sinh viên trúng tuyển nhưng không nhập học. Về việc chỉ hơn 60% học sinh chọn vào đại học, ông Sơn nhìn nhận là điều "bình thường, không cần lo lắng" bởi nhiều em chọn học cao đẳng, học nghề ở doanh nghiệp, xuất khẩu lao động, du học, đi làm.
"Thậm chí điều này có phần tích cực vì thí sinh xác định được năng lực và nhu cầu của mình, tránh trường hợp học giữa chừng rồi bỏ, lãng phí thời gian, nguồn lực", ông Sơn nói.
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho biết nhiều công việc không tìm thấy ở giảng đường mà chỉ cần học trung cấp, học nghề. Việc chuyên về thao tác kỹ thuật, đào tạo nghề sẽ tiết kiệm thời gian, tăng khối lượng thực hành, giúp lao động dễ dàng thạo việc. Con đường đi lên từ tay nghề, tích lũy kinh nghiệm sau bổ sung thêm bằng cấp nếu có cũng là hướng đi được ưa chuộng.
"Do vậy việc học đại học không còn là tiêu chuẩn tiên quyết, đặc biệt là với những ngành nghề vốn không cần bằng cấp hoặc không được đào tạo", ông An nói.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyên trong một số trường hợp các em có thể dành một năm gap year (tạm dừng học) để suy nghĩ và trải nghiệm mọi ngành nghề bản thân cho là phù hợp.
Như với gia đình chị Kim Lý ở Hải Phòng. Thay vì hối thúc con trai xét tuyển vào đại học, người phụ nữ 50 tuổi khuyên nên gap year một năm dù quyết định này bị gia đình phản đối bởi sợ gián đoạn việc học, tạo tiền đề xấu cho các em. Nhưng được trải nghiệm tất cả công việc bản thân tò mò, phát hiện thế mạnh của bản thân, chàng trai 19 tuổi đã chọn một trường đại học thiên về truyền thông đại chúng thay vì kinh tế như ban đầu.
"Học đại học hay không chưa chắc quan trọng bằng việc bạn làm được gì, cống hiến gì cho xã hội. Các con có thể học chậm một năm, hai năm hoặc bất cứ khi nào đều không quá muộn, chỉ cần chúng xác định được hướng đi", chị Lý nói.
Quỳnh Nguyễn