Với câu hỏi Bao giờ gỡ vốn học phí đại học khi lương 10 triệu đồng?, tác giả Thanh Nguyên đưa ra nhận định: tùy theo điều kiện tài chính và năng lực học tập của con cái mà các phụ huynh có thể hướng con mình học nghề, học cao đẳng để ổn định cuộc sống trước, không nhất thiết phải cố vào đại học.
Bài viết nhận được nhiều quan tâm bình luận của độc giả VnExpress. Độc giả có nickname vobadung01 chia sẻ câu chuyện người bố quyết bán đất để nuôi con ăn học:
"20 năm trước, nhà nghèo, công việc khó khăn, nuôi bốn con nhỏ, nhà thiếu trước hụt sau, ba tôi quyết định bán vật có giá trị nhất lúc bấy giờ mà ông gây dựng từ những năm 80 khi tôi còn bé xíu đó là mảnh đất mặt tiền 15m x 70m lấy tiền cho tôi học đại học.
Bây giờ sau khi đã ra trường nhiều năm, tuy lương của tôi không cao, kinh tế cũng hơi eo hẹp, nhưng được làm một công việc cũng nhẹ nhàng.
Mảnh đất đó bây giờ nằm ở mặt đường sầm uất có giá hàng chục tỷ đồng, nhưng ba tôi vẫn hài lòng với quyết định đó. Ông nói nếu được làm lại một lần nữa, ông vẫn bán mảnh đất đó để lo cho con cái ăn học.
Ông quan niệm cả đời chịu khổ rồi, tuổi già rồi ôm cục tiền chục tỷ để làm gì? Ông chỉ mong con cái có cái nghề để đỡ vất vả là ông đã mãn nguyện lắm rồi. Tôi thấy tùy quan niệm mỗi người, có những giá trị từ những suy nghĩ giản đơn mà không thể đong đếm bằng tiền".
Độc giả có nickname cuongtk.acc kể mình thăng tiến nhờ học đại học:
"Ngày xưa tôi học đại học chuyên ngành kế toán. Lúc học cũng bị nhiều người nói ngành này ra trường "đi làm lương vài triệu, học làm gì". Tôi vẫn tin tưởng rằng học tốt, sau này sẽ làm được việc tốt.
Mới ra trường tôi làm nhân viên hành chính, lương mỗi tháng chỉ mấy triệu đồng. Nhưng cái khác của người học đại học bài bản là có chuyên môn sâu, sau này giải quyết được nhiều vấn đề khó.
Sau hai năm ở công ty, kết hợp học thêm, tôi đã làm được kế toán tổng hợp và kế toán thuế, lập được báo cáo hợp nhất, tham gia thanh quyết toán thuế, phân tích tài chính doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ.
Sau 10 năm tôi đã làm kế toán trưởng một vài công ty, tư vấn thuế một vài công ty, giảng dạy thêm thu nhập cũng tốt. Còn một số bạn học chơi chơi, không chuyên sâu thì vẫn mãi là nhân viên văn phòng thôi".
Độc giả Toanle kể lại câu chuyện của bản thân, đồng thời cho rằng đừng lăn tăn việc "gỡ vốn" khi học đại học":
Tôi xin nói về bản thân để các bạn có thể đánh giá việc học đại học. Tôi lớn lên ở miền quê nghèo khó, bố mất sớm năm tôi 4 tuổi vì bạo bệnh, một mình mẹ nuôi 3 con trai.
Anh lớn được học hết 12 còn tôi chỉ hết lớp 9 phải nghỉ vì còn em đang học lớp 6 và gia đình quá khó khăn. Một mình vào Sài Gòn ở nhờ nhà người quen rồi vừa đi làm vừa học bổ túc, xong cấp 3 thi đại học tại chức, xong đại học thi cao học kinh tế và bây giờ tôi đã có bằng Thạc sĩ.
Đi làm suốt từ lúc 16-17 tuổi, đến bây giờ tuy không còn làm việc chân tay và đã có nhà, xe đầy đủ nhưng tôi rất trân trọng quãng thời gian khó khăn, việc học đã giúp tôi có công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn.
Vì vậy các bạn đừng bao giờ đắn đo hoặc suy nghĩ học bao giờ gỡ lại vốn, kiến thức học được là vô giá và kiến thức sẽ giúp bạn trong suốt chặng đường dài trong công việc và cuộc sống.
Học đại học ngoài việc giúp có nền tảng chuyên môn và kiến thức sâu, độc giả có nickname Gấu nhỏ cho rằng có thêm những giá trị vô hình không thể đo đếm bằng tiền:
"Đối với một người đã từng ngồi giảng đường đại học, tôi nghĩ rằng có nhiều giá trị vô hình không thể đo đếm bằng tiền mà giảng đường mang lại như: được tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa ở mức độ cao, có những kỷ niệm mà tiền không thể nào mang lại được.
Theo tôi, nếu có điều kiện thì nên học đại học nhưng nên có định hướng, mục tiêu rõ ràng để đỡ cảm thấy lãng phí. Tuổi xuân chỉ đến có một lần thôi, nên hãy ráng tận hưởng cũng như tận dụng'..
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.