"Khoa học đã chứng minh, tuổi đẹp, nhất để kết hôn và sinh con là dưới 35 tuổi. Hãy làm những gì mình thích, đi những nơi mình muốn, gặp những những người cần gặp khi còn trẻ và chốt lại bằng việc kết hôn, sinh con.
Thế hệ 6X, 7X, 8X chỉ có nhà cấp bốn, xe đạp... nhưng giờ họ vẫn làm được gần như tất cả những gì tốt nhất cho con cái họ, vậy mà thế hệ trẻ vẫn kêu áp lực để từ chối kết hôn, sinh con thì thật khó hiểu. Hạnh phúc đơn giản là xuất phát từ những việc rất nhỏ, nhưng tạo ra giá trị lớn, vô giá.
Nghèo hay không là do sự cố gắng của bản thân mỗi người. Chính bạn đang nắm vận mệnh của mình, trách nhiệm hiện tại và tương lai chứ không phải ai khác. Khó khăn thời nào cũng có, vạch xuất phát giới trẻ hiện tại với tôi là quá tốt sau gần 40 năm đổi mới. Trách nhiệm và quyền lợi luôn phải đi kèm với nghĩa vụ của một công dân, một người con. Hãy học tập và làm việc, lấy kinh nghiệm, va chạm xã hội, nâng cao nghề nghiệp, bản lĩnh, ý chí, cơ hội... của bản thân thay vì chỉ than.
Người trẻ đừng sợ quá lo sợ khi đã có hậu phương là gia đình, đất nước yên bình. Chúng ta luôn phải sẵn sàng đón nhận những khó khăn tiếp theo trong tương lai. Đừng chỉ vì sợ khổ mà không làm tròn trách nhiệm sinh đẻ của mình với gia đình và xã hội".
Đó là quan điểm của độc giả Quê tôi xung quanh thực trạng tỷ suất sinh của TP HCM thấp nhất nước trong gần hai thập kỷ qua. Việt Nam đứng thứ 23 trên thế giới trong xếp hạng tỷ lệ sinh suy giảm với mức giảm 61%, kéo theo nguy cơ già hóa dân số. Quyết định 588 ban hành năm 2020 đã đề ra những giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện "lười đẻ con" vẫn là bài toán đau đầu với những nhà chính sách.
>> 'Ngại đẻ vì a dua theo xã hội'
Nhấn mạnh trách nhiệm sinh con của mỗi người dân mang ý nghĩa sống còn với nền kinh tế đất nước, bạn đọc Nhoc Ham choi phân tích: "Trong xã hội, các biến động đột ngột thường dẫn đến hậu quả không tốt, ít nhất là trong ngắn hạn. Cứ cho là dân số Việt Nam cần giảm xuống cỡ 50 triệu người, nhưng bằng cách nào, trong bao lâu mới là vấn đề đáng nói. Để giảm dân số, con đường giảm dân số tự nhiên thông qua tỷ lệ sinh và chết là phổ biến nhất. Giảm dân số cơ học chủ yếu liên quan đến di cư kinh tế, tị nạn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Với bất kỳ đất nước nào, việc giảm dân số cỡ trên dưới 0.1% mỗi năm còn có thể chấp nhận được, nhưng giảm dân số tới 1% là không tốt. Do tuổi thọ người dân ngày càng có xu hướng tăng, nếu tỷ lệ sinh giảm mạnh thì tỷ lệ người già ngày càng cao. Không có lớp lao động kế cận thì xã hội đó không thể duy trì được. Tài nguyên không bao giờ là đủ ở bất kỳ thời đại nào vì nếu nó không khan hiếm thì không còn gọi là tài nguyên nữa. Con người phải tìm cách để khắc phục sự khan hiếm đó trong suốt lịch sử của mình bằng cách tiêu dùng tiết kiệm và áp dụng công nghệ mới, chứ không phải ngừng đẻ con".
Ủng hộ quan điểm sinh con để đảm bảo ổn định cho nền kinh tế, độc giả Van Khanh Nguyen bình luận: "Chỉ có thiên tai hay bệnh dịch đồng loạt, không có chọn lọc thì mọi người mới chấp nhận việc dân số giảm đi một cách tự nhiên mà thôi. Già hóa dân số, người trẻ ngại sinh, thì nền kinh tế này sẽ đi về đâu khi thiếu hụt lao động?
Nhiều bạn so sánh Việt Nam với các nước Bắc Âu nhưng điều đó vô cùng khập khiễng, đơn giản vì điều kiện tự nhiên của họ quá khắc nghiệt, gia tăng dân số hàng năm bị âm, di cư ra nước ngoài rất nhiều. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, hàm lượng chất xám chưa cao, đâu phải như Nhật Bản, Hàn Quốc mà có thể nhập khẩu lao động để làm việc để bù lại tỷ lệ sinh thấp".