"Đọc bài viết 'U50 đánh đổi 19 năm để thoát nghèo', tôi rất đồng cảm với chia sẻ của tác giả Tâm Thanh. Nói về nghèo, chắc không ai nghèo bằng gia đình tôi cách đây 35-40 năm. Nhà tôi nghèo xác xơ, đến nỗi gọi là căn nhà cho oai chứ thực ra nó là túp lều tạm bợ để cả gia đình có chỗ chui ra chui vào, che mưa che nắng. Thời bấy giờ, trong nhà không có gì đáng giá một đồng. Chúng tôi phải chạy ăn từng bữa. Thời ấy, cũng không ít những gia đình như gia đình tôi. Nói chung là tận cùng của nghèo khổ.
Nhưng rồi, chẳng hiểu bằng cách nào, gia đình tôi từng bước nỗ lực lao động, đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt. Rồi chúng tôi cũng thoát nghèo, cùng đi lên với sự phát triển chung của quê hương, xã hội. Chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ, cố gắng tích góp từng đồng, ăn dè hà tiện, chi tiêu hợp lý... Anh em tôi đoàn kết, nương tựa vào nhau, lấy kim chỉ nam là lao động sáng tạo, làm ăn chân chính, lương thiện, kiếm tiền chính đáng.
Và rồi, sau tất cả, chúng tôi cũng mua được đất, cất được nhà, sắm được xe. Tất nhiên, lao động chân tay thuần túy như gia đình tôi thì lấy đâu ra nhà đẹp, xe sang. Tất cả chỉ ở mức độ bình dân, đủ dùng. Nếu viết ra đây hành trình thoát nghèo của chúng tôi thì có lẽ kể cả ngày không hết vì nó là cả một chặng đường rất dài và gian nan, nhưng tôi có thể kết luận lại vài ý sau:
- Phải nỗ lực hành động, quyết tâm, quyết liệt làm đến cùng.
- Phải có tư duy đổi mới tìm hiểu sáng tạo học hỏi; phải chịu khó, chịu thương, kiên trì, bền bỉ vì mục tiêu lâu dài.
- Bại không nản, coi thất bại là tiền đề cho thành công sau này.
- Phải chi tiêu hợp lý, chắt chiu tiền bạc, không dính vào các tệ nạn: cờ bạc, rượu chè...
- Phải có khát vọng lớn lao, vươn xa nhất có thể".
Đó là chia sẻ của độc giả Daoanhtuan về câu chuyện nỗ lực thoát nghèo của bản thân. Xóa đói, giảm nghèo từ lâu đã là bài toán khó. Giảm nghèo bền vững còn khó khăn gấp nhiều lần, bởi không ít hộ thoát nghèo sau một thời gian lại tái nghèo. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ai đó loay hoay mãi trong cảnh nghèo khó: trình độ thấp, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, đông con, các yếu tố thiên tai, dịch bệnh... Song, cái khó nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan, do "căn bệnh ỷ lại" vẫn ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của rất nhiều hộ nghèo.
>> Bằng lòng với công việc lương thấp
Nói về công thức thoát nghèo bền vững, bạn đọc Anh Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy ỷ lại, thụ động: "Với những người có xuất phát điểm thấp, tự nỗ lực vươn lên là con đường duy nhất để thoát nghèo. Bản thân tôi và những người đồng hương ở quê đều như thế. Nhưng thực tế, rất buồn cười là có nhiều người cứ ngồi chờ một chính sách vĩ mô nào đó, trong khi bản thân không hề cố gắng tự vươn lên.
Hãy nhìn vào ngay cả các nước phát triển, nơi có chính sách an sinh xã hội hàng đầu thế giới như Anh, Pháp, Đức Mỹ, Nhật... Ở đó, người lao động chân tay, giản đơn cũng ở tầng đáy của xã hội, họ cũng chỉ có một cuộc sống chật vật qua ngày. Thế nên, giờ chúng ta có nâng lương tối thiểu lên 50 triệu đồng một tháng, thì công nhân giản đơn cũng vẫn không thoát được cái nghèo.
Trong chính gia đình các bạn, anh chị em ruột có cho tiền nhau để đi học nghề, để phát triển kinh tế hay không? Nếu không thì cớ gì lại mong mỏi xã hội phải có trách nhiệm đầu tư cho các bạn?
Bài học thoát nghèo chắc chắn không ai giống ai. Không có công thức nào là duy nhất, nhưng mẫu số chung cho tất cả là bạn phải nỗ lực, phải cố gắng mới có thể đổi đời. Còn cứ ngồi im trông chờ, ỷ lại vào các chính sách vĩ mô thì bạn sẽ mãi mãi vẫn nghèo. Thật ra, chẳng xã hội nào bắt bạn phải phấn đấu, phải thế này hay thế kia. Nhưng chính gia đình bạn, vợ con bạn cần bạn phải phấn đấu. Nói cách khác, sinh ra trong nghèo đói không phải cái tội, nhưng không nỗ lực thoát nghèo thì là cái tội rất lớn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.