(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hôn nhân là vấn đề tình cảm, nghe có vẻ cảm tính nhưng thật ra nó chứa đầy tư duy logic trong đó. Hôn nhân cũng có quy trình, trình tự các bước tiến hành, bạn tin được không? Ta cùng xem quy trình của hôn nhân là như nào:
1. Tìm đối tượng
Bước này là bước đầu tiên và rất dễ, hầu như ai cũng làm được, nếu muốn. Nếu bạn là người năng động, linh hoạt, biết quan tâm người xung quanh, biết kiềm chế khi xảy ra mâu thuẫn, biết ứng xử với đa dạng người... luôn luôn và bao giờ cũng có ít nhất một người đang quan sát bạn. Người quan sát ấy chính là đối tượng. Quan sát đủ lâu thì họ sẽ chủ động tiếp xúc bạn. Nếu là nam giới họ sẽ nói chuyện lòng vòng để xin một cuộc hẹn riêng ở nơi nào đó mà hai bên cùng chấp nhận. Nếu là nữ giới, họ cũng sẽ nói chuyện lòng vòng với cái ý "tôi cho anh cơ hội để cưa tôi đấy".
Trong lúc nói chuyện, nên để ý quan sát cặp mắt. Nếu cặp mắt ấy luôn nhìn thẳng vào mình đầy vẻ chờ mong thì bạn đã có thể xác định, nếu không, ta chỉ nên nói chuyện xã giao thôi vì động cơ của người đó có thể không tốt. Nơi hẹn gặp đầu tiên phải là nơi công cộng nhiều người đi lại, nếu hẹn gặp ở nơi quá mức thưa người thì nên từ chối. Dĩ nhiên, phải qua nhiều lần nói chuyện mới có cuộc hẹn đầu tiên đó chứ mới nói chuyện lần đầu đã xin một cái hẹn là chuyện không tưởng.
Với các bạn sống nội tâm, ít tiếp xúc quan hệ nhiều người thì đối tượng của bạn sẽ do người thân, bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu. Không nên bỏ lỡ bất kỳ sự giới thiệu nào, chỉ cần tiếp xúc nói chuyện vài lần, ta cơ bản đã xác định người đó có hợp với ta hay không (ít nhất là về mặt giao tiếp và dáng vẻ bề ngoài). Với các bạn chủ động làm quen đối tượng, nếu đối tượng có thái độ lạnh nhạt thì, hoặc là họ không thích bạn, hoặc là họ đã có bồ (bạn trai/ bạn gái), bạn nên rút lui đừng làm phiền họ. Nếu đối tượng có thái độ lửng lơ thì họ hoặc là đã có bồ nhưng chưa hợp ý lắm hoặc có nhiều người cũng chủ động làm quen như bạn. Trường hợp này thì tùy bạn. Nếu bạn cảm thấy mình có dư dả thời gian thì cứ việc chen vào, chấp nhận cạnh tranh. Nếu bạn cảm thấy mình không còn thời gian (vì đã lớn tuổi) thì nên rút lui. Nếu đối tượng nhiệt tình "phối hợp" với bạn thì đây là trường hợp lý tưởng nhất.
2. Tìm hiểu nhau
Đây là bước quan trọng quyết định cuộc sống gia đình sau này có bền vững hay không. Đi ăn, bạn nên để ý đối tượng chọn món gì, có nhiều ớt hay không, ăn nhạt (ít nêm nếm) hay ăn mặn (nêm nếm nhiều). Đây là tôi chỉ ví dụ với chuyện ăn uống chứ cuộc sống rất đa dạng, mọi thứ bạn luôn phải để ý quan sát, suy luận và đúc kết. Tiếp xúc càng nhiều người thì kinh nghiệm giao tế càng nhiều. Với các bạn thích sống thử, bạn đã đốt cháy giai đoạn này. May thì thành công nhưng xui đổ vỡ sẽ làm cho bạn có thành kiến với hôn nhân rất nặng, khó có khả năng đi đến hôn nhân thật sự.
Sống thử là thử chủ yếu về mặt tình dục, mà tình dục chỉ là một mặt của hôn nhân. Người ta sẽ tìm mọi cách thỏa mãn mọi yêu cầu của đối tượng chỉ để làm việc này. Khi họ đã chán bạn, lúc đó bản chất của họ mới lộ ra, bạn biết được thì đã muộn. Trong lúc tìm hiểu nhau, đừng quên thăm dò chuyện gia đình lớn của họ. Gia đình, họ hàng là người lương thiện, không ai có tiền án tiền sự, không thay vợ đổi chồng xoành xoạch, các anh chị em ruột và họ hàng nội ngoại không ai bỏ học phổ thông, có nghề nghiệp việc làm ổn định... Gia đình như vậy là một gia đình lý tưởng, bạn có thể yên tâm đối tượng cũng là người bình thường lương thiện. Còn nếu không, quyết định thế nào là tùy bạn.
Bạn nên nhớ, đối tượng sinh trưởng trong gia đình thế nào thì mọi hành vi, thái độ, tư duy của họ sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng bởi gia đình đó. Tiêu chuẩn chung để tiến tới hôn nhân rất đơn giản, không ham mê "tứ đổ tường" và có nghề nghiệp công việc ổn định. Rất nhiều người đạt được tiêu chuẩn này. Vì vậy, ta mới phải để ý quan sát các mặt khác, chủ yếu để tìm kiếm thói quen xấu của đối tượng xem ta có thể sống chung được với nó hay không hay phải làm thế nào để đối tượng bỏ thói quen xấu ấy đi.
>> 'Người sống thử khác gì đã qua một đời vợ chồng'
3. Hôn nhân
Tôi bỏ qua giai đoạn cưới hỏi, đăng ký kết hôn vì những việc này chỉ có tính chất thủ tục, ai cũng phải trải qua. Bước này trải qua ba giai đoạn.
Giai đoạn 1: "vợ chồng son" (chưa có con cái). Ở giai đoạn này, thói quen xấu của từng người sẽ dần bộc lộ ra. Khác với bước hai, ta chỉ để ý quan sát, thì giai đoạn này chẳng những quan sát mà còn phải góp ý xây dựng lẫn nhau. Vấn đề chủ yếu ở giai đoạn này là cách tiêu tiền của mỗi người. Nếu bạn đời là người biết tính toán chi ly, sổ sách thu chi minh bạch, ta có thể yên tâm giao hết lương cho người đó giữ. Nếu không thì lương ai nấy giữ, tiền ai nấy xài, mua đồ chung thì góp tiền của mình vào.
Giai đoạn 2: nuôi dạy con cái. Trong lúc một người đang dạy con, người kia hoặc là phối hợp, hoặc là im lặng (không đồng ý cách dạy như vậy). Đợi người kia dạy xong thì vợ chồng bàn bạc với nhau biện pháp chung. Nếu bạn can thiệp ngay vào lúc người kia đang dạy con nhất định sẽ dẫn đến cãi vã vì bạn đã làm mất mặt họ trước mặt con cái. Đây là điều tối kỵ. Đứa trẻ, hoặc là sẽ ỷ lại vào người bênh nó, hoặc là cảm thấy lo lắng khi cha mẹ xảy ra cãi vã. Điều này sẽ dẫn đến sự mất tập trung trong học hành của nó và kết quả học tập thường là đi xuống.
Giai đoạn 3: vợ chồng già (con cái đã trưởng thành). Giai đoạn này tôi chưa trải qua nhưng quan sát nhiều gia đình thì thấy giai đoạn này khá dễ chịu. Sống ngần ấy năm với nhau mà chưa hiểu nhau thì cũng đành thua.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.