Thứ năm, 2/5/2024
Thứ sáu, 1/5/2020, 00:00 (GMT+7)

Ảnh thời sự tháng 4

Niềm vui dỡ phong tỏa ở Bệnh viện Bạch Mai, công nhân TP HCM chen chân trong Covid-19, hồ nước ngọt miền Tây trơ đáy... là những ảnh nổi bật trong tháng.

Cảnh người và xe đưa rước công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) tại quốc lộ 1 nhìn từ trên cao, chiều 8/4.

Theo đề nghị của UBND TP HCM, trong hai ngày 14 và 15/4 Công ty Pouyuen Việt Nam phải dừng sản xuất để bảo đảm phòng tránh lây lan Covid-19 cho gần 70.000 công nhân làm việc tại đây. Ảnh: Hữu Khoa.

Quán phở của ông Lê Hoài Nhân (quận Tân Phú, TP HCM) dùng hệ thống ròng rọc dài 3,5 m để bán cho khách mang về.

Tại TP HCM và Hà Nội, nhiều người như ông Nhân tìm những cách như làm cần câu, thả dây, chắn tấm nhựa trước quán... để thích nghi việc mua bán trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bên góc hành lang toà nhà A3 Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, du học sinh Trương Minh Khôi ngồi nghe nhân viên y tế Cao Ngọc (trái) tâm sự về nghề y.

Là dãy nhà được cách ly lâu nhất (từ ngày 23/3 đến 14/4) do phát hiện ca bệnh dương tính nCoV, hai nhân viên y tế và gần 150 người được cách ly tại đây khá thân thiết. Thỉnh thoảng, các bạn trẻ nán lại để nghe tâm sự của các y bác sĩ về chuyện đời và nghề. Ảnh: Phương Phương.

Điều dưỡng Hương mang thai 38 tuần, cách ly tại khoa C4, Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai gọi điện thông báo cho chồng và gia đình vào thời khắc bệnh viện dỡ phong toả lúc 0h ngày 12/4.

Bệnh viện Bạch Mai phải cách ly từ ngày 28/3, sau khi phát hiện 8 ca dương tính nCoV gồm nhân viên bệnh viện, nhân viên dịch vụ thức ăn, bệnh nhân và người nhà. Vào lúc bắt đầu cách ly, trong bệnh viện còn hơn 700 bệnh nhân và nhân viên y tế. Ảnh: Giang Huy

Ông Trương Quang Tạ (56 tuổi, quê Hưng Yên) bên chiếc xe kéo ở chợ đầu mối Long Biên, đêm 21/4. Ông là một trong số hàng trăm lao động ở chợ đêm Hà Nội bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

"Tôi có tuổi rồi, lưng đau, không kéo hàng nặng như trước được. Dịch bệnh khó khăn chung, chuyện kéo xe đi rồi kéo xe về không còn lạ nữa. Giờ tôi phải để dành từng chút mỗi ngày thì mới có thể xoay xở nuôi thân được", người đàn ông làm việc ở chợ đầu mối suốt 10 năm chia sẻ. Ảnh: Thanh Huế.

Bên trong tiệm nail phố Bùi Viện (quận 1, TP HCM), nữ nhân viên tất bật quét dọn trước một ngày thành phố hết giãn cách xã hội. Theo chị, nhiều ngày qua "rất nóng lòng" chờ tiệm được mở cửa để có thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống.

Từ 0h ngày 23/4, TP HCM cho phép nới lỏng các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, kinh doanh đường phố, dịch vụ không thiết yếu... nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề vẫn chưa được phép kinh doanh: cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, massage, xông hơi; các khu vui chơi, giải trí, sân khấu, trung tâm tiệc cưới, pub, beer club, bar, karaoke, vũ trường, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh Internet, hát với nhau. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Dưa hấu bị ngập úng được người dân xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) dùng xốp kê lên cao, sáng 26/4. Theo thống kê, khoảng 6 ha với gần 30 tấn dưa hấu chuẩn bị thu hoạch ở xã này bị ngập úng sau ba ngày mưa liên tục. Ảnh: Võ Thạnh.

Chiếc xuồng người dân dùng giăng câu lưới nằm chỏng chơ giữa lòng hồ Kênh Lấp (huyện Ba Tri, Bến Tre). Với sức chứa gần một triệu m3 nước, Kênh Lấp là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Hồ được khởi công năm 2017 với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương. Sau khi đưa vào sử dụng được ba tháng, hồ bị nhiễm mặn. 

Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn. Ảnh: Hoàng Nam.

Tầng B1 của ga ngầm Nhà hát thành phố TP HCM dài 190 m, rộng 26 m với diện tích gần 5.000 m2, đã thi công xong, chuẩn bị cho người dân tham quan. Điểm nhấn tại đây là một phần trần có lắp đặt các hoa văn bằng sắt màu đen, mô phỏng lại phong cách kiến trúc của Nhà hát thành phố.

Sau 6 năm thi công, ga ngầm Nhà hát thành phố, một trong ba ga ngầm của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đã cơ bản hoàn thiện.

Tuyến Metro Số 1 dài gần 20 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 85% khối lượng dự án Metro Số 1 trong năm nay để khai thác cuối năm 2021. Hiện, dự án đã hoàn thành 72%. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội) ở đối diện nhà của "bệnh nhân 243" trao đổi với nhân viên y tế về điều tra dịch tễ, ngày 9/4.

Hai ngày trước, toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.870 nhân khẩu bị cách ly để phòng dịch bởi liên quan đến "bệnh nhân 243" và hai ca đã dương tính lần 1 với nCoV. Cơ quan chức năng đã lập 9 chốt liên ngành tại các ngả đường vào thôn để hạn chế người ra vào, phục vụ khoanh vùng chống dịch. Ảnh: Ngọc Thành.

Hai kỹ thuật viên của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An tiến hành tách chiết mẫu ARN tại phòng áp lực âm để xét nghiệm Covid-19. Trong căn phòng chừng 30 m2, họ phải làm việc liên tục khoảng 5 giờ để sàng lọc một mẻ mẫu phẩm với những trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc Covid-19. Ảnh: Nguyễn Hải.

Hàng trăm người dân thôn Chí Trung (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đổ ra đường ăn mừng ngày hết cách ly, sáng 30/4.

Trước đó, tỉnh Hưng Yên phong tỏa thôn Chí Trung với 1.800 dân sau khi xác định được "bệnh nhân 219" dương tính. Trong 28 ngày cách ly, lực lượng y tế đã khám bệnh cho 285 ca, điều trị nội trú 10 ca và chuyển viện 9 ca. Ảnh: Gia Chính.

VnExpress