Mấy năm trước tôi có đọc được một câu chuyện rất đau lòng. Ở Mỹ, một người con trai đã sát hại mẹ. Anh ta khai cãi nhau với mẹ về chuyện vì sao anh ta không tiếp tục học y. Trong lúc nóng giận, người con đã bóp cổ mẹ mình.
Câu chuyện học y của người con đó dài hơn những gì anh ta kể với cảnh sát. Sau khi được nhận vào một trường y ở Mỹ, anh học không nổi nên bỏ dở. Mẹ tiếp tục khuyến khích nên anh tìm cách thi vào chương trình học y của các nước vùng biển Caribe. Nhưng học được một thời gian thì cũng bỏ vì không hứng thú.
>> Cha mẹ Việt nên sòng phẳng tiền bạc với con cái
Anh về nhà ở với mẹ và tìm cách học ngành khác. Nhưng người mẹ cứ nhất quyết muốn con trở thành bác sĩ. Hôm án mạng xảy ra, người mẹ kêu gào rằng tại sao anh ta không chịu học y, không chịu trở thành bác sĩ cho mẹ anh nở mày nở mặt.
Có một lần tôi xem một chương trình hài của Seth Meyer, một cây hài trên truyền hình Mỹ. Anh ấy phải nhờ một chị nhân viên người Á châu ra kể câu chuyện hài sau đây để mọi người đừng trách. "Naomi Osaka trở thành tay vợt châu Á đầu tiên đứng số một trên bảng xếp hạng ATP. Mẹ của cô ấy nói rằng, đây sẽ là một thành tích đáng kể để con điền vào đơn xin vào trường y đó."
Sự ám ảnh của cha mẹ Á châu về việc trở thành bác sĩ là một điều kỳ lạ. Trên đời này không phải chỉ có làm bác sĩ mới cao quý, và chắc chắn là có nhiều cách khác để có thu nhập cao. Còn thực sự muốn giàu thì không nên làm bác sĩ mà nên kinh doanh, bởi như ông bà ta nói, phi thương bất phú.
Tôi từng gặp nhiều trường hợp cha mẹ kỳ vọng con quá mức ở nước ta. Mong muốn "con hơn cha là nhà có phúc" dường như đè nặng lên tâm trí của nhiều bậc cha mẹ Việt. Tư tưởng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" ấy thực ra là một cách để cha mẹ che giấu thất bại của mình. Thành công với họ khó quá nên họ đành quay ra đòi hỏi đứa con mình phải thành công, mà phải thành công theo kiểu họ muốn mới được.
Kiểu làm cha mẹ yếm thế như vậy rất nhiều. Có lẽ đời sống khó khăn nhưng mong ước viển vông là gốc rễ của vấn đề này. Mặt khác đó là tư tưởng phải bằng chị bằng em, mà phải bằng theo cách của cha mẹ mong muốn thì mới được.
Thành công của một đứa trẻ khi bước vào cuộc đời là một sự kết hợp của nhiều thứ: tài năng bẩm sinh, nền tảng giáo dục, điều kiện sinh sống, định hướng nghề nghiệp và cả sự may mắn nữa. Naomi Osaka thành công trong tennis nhưng khả năng là cô ấy sẽ không thành công rực rỡ trên học đường và chắc cũng khó thành bác sĩ. Nguyên nhân là vì ít có ai cái gì cũng giỏi cả. Nếu đem chuyện trở thành bác sĩ ra để đo thành công của Osaka thì cô ấy cũng là một thất bại.
>> Cha mẹ Việt nên dành tiền để 'cậy con thiên hạ' lúc về già
Để bớt khổ đau thì các bậc cha mẹ nên chấp nhận đứa con mình sinh ra chứ không nên hy vọng hão huyền về một đứa con mà mình tưởng tượng ra. Hơn hết, nhìn nhận những thành công mà con mình đạt được là cách tốt nhất để mối quan hệ của cha mẹ và con cái được đầm ấm.
Khi được hỏi vì sao lại sinh con, người ta thường hay đưa ra những nguyên nhân như: có người nhờ cậy lúc về già, có con cháu cho quây quần vui vẻ, có con nối dõi, có người thờ cúng.
Cho dù là nguyên nhân đó có hiện đại hay cổ hủ đi chăng nữa thì nó cũng không liên quan gì tới chuyện con cái thành công bao nhiêu. Chỉ cần con mình lớn lên trở thành con người bình thường làm việc lương thiện là đã quá đủ để các bậc cha mẹ đạt được những điều mong muốn như trên.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.