Cha mẹ không lo cho con thì lo cho ai? Đúng. Nhưng cuộc sống đang thay đổi, con cái đang muốn tự do, bố mẹ không tự lo cho mình thì chờ ai lo? Ở nước ngoài, thanh niên học đại học được ngân hàng cho vay tiền, khi đi làm sẽ trả nợ dần. Ở Việt Nam, chi phí học đại học đa số là bố mẹ lo và nhiều khi chiếm hết phần lớn tích cóp của bố mẹ.
Con học thành tài, có cuộc sống tốt đẹp thì bố mẹ vui nhưng có nên sòng phẳng với con cái trong chuyện đầu tư du học giống như nước ngoài? Đầu tư cho con du học tốn 3-5 tỷ đồng tùy từng nước. Con học xong, kiếm được công việc tốt, thu nhập khá bố mẹ cũng mừng cho con. Nhưng nếu 3-5 tỷ đó là của để dành của bố mẹ thì lúc này đây con chính là của để dành của bố mẹ.
Bố mẹ có lương hưu, 5-7 triệu đồng mỗi người một tháng cũng tạm đủ sống rồi. Con lấy vợ rồi ra ở riêng (đa phần đều thế). Bố mẹ còn dư đồng nào lại đưa nốt cho con mua căn hộ cho nó tiện nghi thoải mái. Đó là "nước chảy xuôi".
Thế nhưng "của để dành" đối xử với bố mẹ thế nào? Con đi cà phê sân vườn, bar, nhà hàng... Con mặc đồ hiệu, đi du lịch nước ngoài cho biết đó biết đây. Chi phí gia đình nhỏ của con trung bình cỡ 50 triệu mỗi tháng trở lên (đã tính cả đi du lịch...) và vẫn còn dư để đầu tư tiết kiệm. Nhưng con (và vợ con) đối ngược lại với gia đình lớn của mình thế nào?
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Bố mẹ có lương hưu, mỗi tháng biếu thêm 3-5 triệu đồng là đủ rồi. Anh em thì mỗi đứa một số phận, tự lo đi... Đó chính là suy nghĩ của phần đông nhiều người khi bình luận các bài viết liên quan đến biếu tiền nội ngoại.
Làm một bài toán nhé. Bốn tỷ đồng của bố mẹ đầu tư cho con du học, gửi ngân hàng mỗi tháng cũng được hơn 25 triệu đồng. Lo cho bản thân, thỉnh thoảng cho thêm con cháu dịp nào đó thì nó cám ơn rối rít. Tiền trong tay, muốn cho ai thì cho, cho nhiều cho ít là quyền của mình.
Nếu con phải chịu trách nhiệm với tiền du học của mình, phải trả lãi, gốc như khi vay ngân hàng thì những năm đầu mới đi làm sẽ chẳng còn bao nhiêu. Sau 10 năm thì coi như ổn. Sau 15 năm mới có thể sinh hoạt giống như đã nói ở trên.
Như vậy, 15 năm đó luôn là bố mẹ trợ cấp cho con, hoãn nợ khi thu nhập còn thấp, cho thêm một phần khi cần mua nhà mua xe, sinh con... chứ không phải ngồi chờ nó biếu vài triệu để vợ chồng nó cãi nhau xem biếu bao nhiêu là đủ.
Đầu tư cho con du học chiếm hơn 70% tài sản lưu động của bố mẹ (chưa tính căn nhà bố mẹ đang ở) có lẽ không hiếm ở Việt Nam. Nhưng khi con cái "thích" ra ở riêng, thích "công bằng nội ngoại"... thì bố mẹ có nên "sòng phẳng" về tài chính với con?
>> 'Dạy con tiêu tiền tốt hơn cấm đoán'
Đừng nói rằng bố mẹ "sòng phẳng" thì con không cần trách nhiệm chăm sóc khi bố mẹ ốm đau lúc già cả. Bố mẹ cần con chăm sóc chắc chỉ 5 năm cuối đời. Bố mẹ chăm sóc con 5 năm mầm non và 12 năm phổ thông thì công sức, tình cảm và tiền bạc cũng là "thiên văn sổ tự".
Bố mẹ còn có tiền trong tay thì thuê người giúp chăm bệnh vẫn "ok", con cháu không phải thức đêm lo lắng thì khi nó ghé thăm nó còn tươi cười vui vẻ. Nó phải thức trông một tháng thì chắc mặt nhăn mày nhó rồi. Con cái thích sống như Tây, vậy bố mẹ có nên cũng sống như Tây? Làm việc đến 55-60 tuổi rồi nghỉ hưu, ông bà dắt nhau đi nước ngoài chơi, tiền luôn rủng rỉnh trong túi có sướng hơn không? Con muốn du học ư? Ngân hàng không cho vay thì bố mẹ bảo lãnh cho vay, lúc đi học, lúc mới ra trường lương chưa cao, bố mẹ trả lãi hộ luôn.
Thu nhập tăng lên thì bố mẹ giảm trợ cấp trả lãi... Với con trai, con gái cũng thế thôi. Lấy ông chồng (vợ) trẻ đẹp, lương cao, tiền đồ tươi sáng thì cũng phải biết anh (chị) ấy đang nợ tiền du học. Sau tất cả những cái đó, "ở riêng", "công bằng nội ngoại" mới thực sự có tính công bằng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.