Công việc mà tôi đang làm ít nhiều có tiếp xúc với trẻ con. Tôi từng chứng kiến rất nhiều lần cảnh những đứa bé ngồi chơi với nhau, thi thoảng vẫn có những đứa trẻ chỉ muốn gom hết đồ chơi về phía mình và tỏ thái độ rất hằn học với những trẻ khác khi chúng có ý định chạm vào những món đồ chúng đang chơi.
Cha mẹ thấy vậy vẫn ngồi hờ hững như không có chuyện gì xảy ra, rồi khi thấy thái độ quá chướng của bé nơi công cộng liền lập tức quát lên, ép buộc chúng phải chia sẻ món đồ chúng thích thì nhận lại là những tràng la khóc.
Nhìn những sự việc như vậy tôi mới tự hỏi, làm cha mẹ như vậy có phải là vô tâm quá rồi hay không? Khi mà nhân cách của một đứa trẻ hình thành từ chính những gì mà ta dạy bảo chúng hôm nay? Những lời chê trách về sự lười biếng hay ích kỷ của con cái ngày mai đôi khi bắt nguồn từ chính thái độ của những người làm cha làm mẹ ngày hôm nay đó.
Một buổi sáng tôi đi thang máy cùng với hai gia đình. Một gia đình gồm ba mẹ và một bé trai, gia đình còn lại gồm mẹ và con gái, hai đứa trẻ thì trạc tuổi nhau.
Ban đầu tôi thoáng thấy một món đồ chơi gì đó trông như lục lạc được bé trai cầm theo vào thang máy, đương nhiên là thích thú vẫy tung đến rung cả sàn lên ấy chứ. Thế nhưng ba bé thì liên tục "dụ dỗ" rằng bé không nên mang nó đi học bằng hàng loạt lý do như: "Nó sẽ bị hư", "Mang theo con không giữ được đâu, bạn bè sẽ lấy mất của con cho coi", "Mất đó, để ở nhà bạn mới không giành với con"...
Tôi cũng ậm ừ trong lòng, thôi thì ba mẹ dụ con nít ấy mà, nhưng chuyện tiếp theo mới chính là nguyên nhân khiến tôi trố mắt nhìn. Chẳng là bé trai đó bóc ra một cái bánh gạo (mẹ tôi vẫn hay kêu là bánh liếm môi) và đang rất sẵn sàng cắn miếng rõ to. Thế nhưng có lẽ xuất phát từ sự áy náy khi nhìn thấy ánh mắt của bé gái đang dõi theo con mình bóc bánh, cũng có thể là mối quan hệ hàng xóm với người mẹ còn lại khiến anh ấy phải lịch sự hơn bằng cách bảo cậu con trai: "Chia cho bạn một nửa đi con". Tự nhiên ánh mắt không cam tâm và sự chần chừ của bé trai khiến tôi ngộ ra vài điều.
Mới câu trước anh còn bảo con anh rằng không nên mang đồ chơi theo vì bạn bè sẽ giành mất của con, phá hư nó... Chúng ta gieo vào đầu con trẻ sự ích kỷ, dạy chúng không nên sẻ chia món đồ chơi của mình, rằng bạn bè chúng luôn là những "tên trộm cướp" chực chờ lấy mất những món đồ mà chúng yêu thích.
Và đùng một cái, anh bảo con anh chia đôi bánh cho bạn đi mà không giải thích gì thêm.Tôi không quá ngạc nhiên khi thằng bé chần chừ không muốn chia như vậy, đặt mình vào hoàn cảnh của nó chắc mình tức điên lên mất, tại sao phải chia? Bánh của mình, mình thích ăn nhất thì tại sao phải chia cho người khác?
Mới phút trước chúng ta còn bảo con trẻ phải ích kỷ mà đề phòng bạn bè thì phút sau lại bảo chúng hào phóng với bạn bè đi con? Đến mà tẩu hỏa nhập ma mất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.