Câu chuyện cha mẹ chắt chiu dành dụm tài sản rồi cho con trong bài viết 'Tiền bạc là quyền lực duy nhất của cha mẹ Việt khi về già' theo tôi đây là truyền thống văn hóa người Việt ứng với câu: "Trẻ cậy cha, già cậy con".
Khi xã hội nông nghiệp không lương hưu, không dịch vụ xã hội con cái chính là "của để dành", là người nuôi cha mẹ khi không còn sức lao động, là người chăm cha mẹ khi ốm đau, trước lúc lâm chung và ở bên đến khi cuối cuộc đời.
Làm gì có trại dưỡng lão hay dịch vụ chăm sóc người già tại nhà như hiện nay, nên người ta phải để của cải cho con đặc biệt là con trai con trưởng. Mặt khác bản thân xã hội cũng có rất nhiều tục lệ mà những người con không thể trốn tránh.
Nhưng ngày nay sống tự do và lấy luật pháp là thước đo quan hệ, người già có nhiều lựa chọn để không phụ thuộc con cái, và con cái cũng không phụ thuộc vào bố mẹ, có thể ly hương làm ăn ở các nơi khác, không sống cùng cha mẹ.
Thực tế hiện nay nhiều gia đình khi bố mẹ đau yếu nằm bệnh viện hoặc tại gia đều có thể thuê những người phục vụ chuyên nghiệp chăm sóc thuận tiện và tốt hơn con cái, vì người ta có nghiệp vụ và kinh nghiệm hơn, do vậy nếu về già có tiền bạn sẽ không phụ thuộc con cái.
Nhưng với người già 70-80 tuổi, thuộc thế hệ trước thì chưa thể thay đổi được suy nghĩ, họ luôn tin là hy sinh cho con con sẽ lo cho mình. Thế cho nên bây giờ, ở tuổi sắp về hưu tôi thấy nên sửa câu trên lại thành "Trẻ thì cậy mẹ cậy cha, về già cậy con ... thiên hạ". Con thiên hạ ở đây chính là điều dưỡng, người được thuê để chăm sóc mình.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.