Chúng ta biết uống thuốc kháng sinh nhiều có thể gây kháng thuốc rất nguy hiểm. Thế nhưng bạn cũng không thể chê bai thuốc kháng sinh được, vì nó vẫn cần thiết cho rất nhiều người.
Giả sử bạn là một người có sức đề kháng cao nên bạn hạn chế và thậm chí không sử dụng nó, giống như việc bạn nhận thức tốt thì có thể không quan tâm sách self - help (sách hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được viết trong sách). Nếu bạn là người có sức đề kháng trung bình hoặc thấp thì phải tìm đến thuốc để khỏe hơn, giống như việc nhiều người tư duy còn hạn chế hoặc gặp vấn đề về tâm lý thì self - help là một phương thuốc tạm thời phù hợp với họ dù có tác hại tiềm ẩn.
Đôi khi chỉ cần hơi có dấu hiệu của cảm cúm đổ bệnh thôi nhưng đã lạm dụng uống kháng sinh vào, dần chúng ta bị phụ thuộc vào nó, càng nguy hiểm khi xuất hiện các vi khuẩn kháng thuốc (người ta hay gọi là nhờn thuốc, uống thuốc lâu mà không thấy khỏi). Điều đó khá giống với một người lạm dụng đọc sách self –help dẫn đến ngộ độc nó.
>> 'Đọc nhiều sách, không làm việc và không chịu sống, sẽ rất nghèo'
Theo thống kê thì tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam thuộc nhóm thấp trên thế giới, vậy nên khi mọi người đọc sách, dù là sách self - help thì cũng là dấu hiệu đáng mừng, đến một lúc nào đấy thuốc kháng sinh kia vô hiệu hoá với một số người thì họ sẽ cần đến những loại nâng cấp hơn để trị tận gốc.
Một người bạn ngồi chung giảng đường thấy tôi đặt mua sách self- help, thì có nói rằng: "Tớ thấy mấy cuốn self - help thật vô bổ, nó chẳng có một cái phương pháp luận nào mang tính khoa học cả, tất cả chỉ là những thứ "tưởng như có thật", chỉ dành cho những người nóng vội luôn muốn có kết quả nhanh.
Nó chỉ đưa ra dăm ba cái giải pháp tạm thời và thói quen mà không có chủ đích, hiệu quả không biết có hóa hậu quả không?". Phải thừa nhận self - help không được viết một cách quá khoa học như những cuốn sách giáo trình. Hầu hết các cuốn self - help đều đến từ kinh nghiệm bản thân, những người đã thành công. Con đường thành công như: kỹ năng giao tiếp, tài chính, nghệ thuật của mọi người.
Nhưng nó không giống nhau bởi mỗi người là một cá thể khác biệt, sẽ luôn có những kiến thức chung mà mọi người có thể học được ở nhau. Đồng ý, sách chỉ có tác dụng mang tính "thời vụ", dành cho những người có vấn đề về tâm lý, cảm thấy mất phương hướng cả trong học tập lẫn cuộc sống.
Do vậy, nhiều người đọc sách self help cho rằng nó như một thứ thuốc độc vậy. Nó không chữa lành vết thương cho bạn, nó chỉ giúp bạn khoác lên mình một bộ mặt giả dối để tương tác với xã hội xung quanh.
>> Áp lực cơm áo gạo tiền không đùa với người thích đọc sách
Và họ muốn "bài trừ self help". Vậy thì cho tôi đặt một câu hỏi nếu bài trừ self help đi : "Làm sao những người muốn thay đổi bản thân biết được rằng sách self help có tác động như thế nào đến bản thân để phòng tránh khi chưa từng thử qua?". Vì sao sách self help không có hiệu quả?
Liệu mọi người có đọc và học sách self help một cách nghiêm túc? Có tự tổng họp kiến thức, có áp dụng ngày này qua ngày khác? Hay đơn giản chỉ coi nó cũng là một cuốn sách, đọc, tưởng tượng rồi gây ra ảo tưởng. Cuối cùng là quay lại đổ lỗi cho sách.
Tiềm thức bắt đầu từ những hành động lặp đi lặp lại. Có hai loại phản xạ, phản xạ có điều kiện và không có điều kiện. Không có điều kiện như chạm tay vào lửa thì rụt tay về, có điều kiện như đúng 6h sáng mỗi ngày bạn đều tự bật dậy. Bạn nghĩ là những phản xạ có điều kiện không bền vững, mình lại nghĩ bạn có tạo điều kiện để nó bền vững hay không.
"Đường xa nghìn dặm bắt nguồn từ một bước chân", thay đổi bản thân đến từ những sự thay đổi nhỏ nhặt hàng ngày. Không có gì là đúng hoàn toàn và là sai hoàn toàn. Chỉ là đối với những đối tượng khác nhau, những tính cách khác nhau, thì việc sử dụng thông tin từ sách sẽ khác nhau.
Đừng vội phán xét về nội dung hay đòi hỏi quá nhiều thứ ở một quyển sách. Nó chỉ đơn thuần là một thứ để đọc và nghiền ngẫm mà thôi. Thời gian và trải nghiệm sẽ cho bạn biết thế nào mới là đúng - sai, hữu ích - vô dụng.
>> Thói quen đọc sách mất dần do đâu?
Kể cả người viết hay người đọc đều có trách nhiệm riêng của mình. Không nên đổ lỗi cho sách chỉ vì một trào lưu nào đó. Muốn chỉ trích thì nhằm thẳng vào con người ấy - những kẻ đã tận dụng kiếm chác cho lợi nhuận hơn là tinh thần, những kẻ cố tình tung hô quá đà, những kẻ đã đè nặng lên sách những mong đợi vượt quá sức tải của nó.
Và những kẻ chỉ biết chê bai mà không đưa ra được phản hồi có tính đóng góp cho người viết. Việc quá chạy theo một cái xu thế như vậy làm cho những quyển sách kinh điển lại bị đánh đồng với hàng loạt những quyển sách thị trường, làm giá trị của những quyển sách như thế giảm đi.
Vũ Mai Phương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.