Đầu năm 2002, một bệnh nhân nhập viện trong trạng thái đau bụng dữ dội và tử vong trong kíp trực của chúng tôi, dù cả ê-kip đã nỗ lực hết sức. Người nhà bệnh nhân kéo đến, họ cầm dao đòi chém bất cứ ai mặc áo trắng. Y bác sĩ trong viện phải cởi áo blouse, chạy thoát thân.
Nếu chống trả, nhân viên y tế ngay lập tức bị tạm đình chỉ công việc, viết bản tường trình và liên tục phải tham gia các cuộc họp để giải trình. Họ thường sẽ buộc phải thừa nhận đó là sai sót của mình, trong phần lớn tình huống.
Không chỉ chạy, y bác sĩ còn phải trốn. Nhiều năm trước, một đồng nghiệp của tôi bị dọa đánh. Những thành phần bất hảo liên tục lượn lờ ngoài cửa khoa cấp cứu nhiều ngày. Nhân viên y tế chẳng ai dám ho he. Không có cách gì để bảo vệ bản thân, anh lặng lẽ đến bệnh viện và đi về qua bãi rác lối cửa sau.
Trong vụ hành hung mới đây nhất, tối 27/7, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ đã không kịp chạy. Bệnh nhi bị hóc xương cá, nhập viện trong trạng thái sinh hiệu bình thường, không khóc lóc hay khó thở. Bé được dặn ngồi chờ nhân viên y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng đến nội soi gắp xương ra.
Nhưng khoảng 5 phút sau, một bác sĩ khoa cấp cứu đang ngồi xem kết quả chụp phim CT, X-quang của bệnh nhân khác thì bố của bé gái xông đến, bóp cổ, đẩy anh vào tường.
Trả lời VnExpress hai ngày sau đó, bác sĩ bị hành hung cho biết, anh cảm thấy chán nản và kinh hoàng. Tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với cảm giác này của anh. Bạo hành nhân viên y tế không giống như một cuộc đôi co hay đánh nhau ngoài phố. Thương tích để lại không chỉ nằm trên cơ thể, mà tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, thậm chí gây run tay trong những lần chữa trị sau đó.
Là bác sĩ, chúng tôi không chỉ đối diện với căn bệnh và người bệnh, với số phận con người, mà còn phải đối phó với côn đồ bệnh viện.
Trong một bệnh viện, phức tạp nhất là khoa Cấp cứu.
Khoa Cấp cứu ngay cạnh Phòng mổ, sát ngay khoa Hồi sức tích cực ICU, đây là bộ ba được trang bị hiện đại và sạch sẽ nhất. Đây cũng là nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời nhiều con người.
Ở đó nhân viên y tế rất chuyên nghiệp. Thời gian với người bệnh là vàng. Nguyên tắc hoạt động chuyên môn ở đây là ưu tiên. Cách bố trí thứ tự cấp cứu dựa vào phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng nhẹ, không ưu tiên theo thời gian vào viện. Nếu phá vỡ nguyên tắc này, nguồn lực y tế sẽ không được tập trung, đặc biệt là khi người nhà bệnh nhân đe dọa ép bác sĩ phá vỡ quy trình ưu tiên để cấp cứu cho thân nhân của họ trước. Lúc đó, mọi bệnh nhân đều gặp nguy hiểm.
Ngày càng nhiều người lên án những kẻ tấn công nhân viên y tế. Nhưng trong bất cứ vụ hành hung nào, luôn có những lời than trách rằng nếu chúng tôi phục vụ tốt hơn, chúng tôi đã không bị đánh. Tôi thừa nhận, còn nhiều bất cập trong hệ thống y tế công, trong thái độ của một số nhân viên y tế. Ngành y vì thế cần cải thiện hình ảnh của mình trong mắt công chúng.
Nhưng nạn bạo hành y bác sĩ không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở cả những nền y tế phát triển, hiện đại nhất thế giới. Tại Mỹ, một khảo sát năm 2019 của AMN Healthcare, cho thấy 41% nhân viên y tế nước này từng bị sỉ nhục, 27% từng chứng kiến nạn bạo hành trong khi làm việc và 63% không được giải quyết ổn thỏa khi bị tấn công.
Khảo sát cùng năm của trang web y tế Dingxiang Yuan cho thấy 85% bác sĩ Trung Quốc từng trải nghiệm sự cố bị tấn công ở nơi làm việc.
Y bác sĩ làm gì khi bị đánh?
Sự phổ biến của tình trạng tấn công nhân viên ngành y khiến các bác sĩ trên thế giới tự đúc kết ra ba nguyên tắc bảo vệ bản thân, gồm: Nguyên tắc cánh tay (đứng xa người nhà và bệnh nhân ít nhất một cánh tay nhằm giảm thiểu thương tích nếu bị bạo hành); Nguyên tắc người thứ ba (tiếp xúc từ hai người trở lên với bệnh nhân để hạn chế sự manh động) và Nguyên tắc đi lùi, thay vì quay lưng chạy (nhằm tránh khả năng kẻ tấn công dùng hung khí, vật nhọn đâm sau lưng).
Nhưng trong nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân ở Việt Nam manh động và hung hãn đến mức y bác sĩ chỉ còn biết chạy là thượng sách, chạy càng nhanh càng tốt.
Trong bối cảnh chạy đua với thời gian và đấu trí với tử thần ở những bệnh viện chật chội của Việt Nam, nhân viên y tế cũng khó có tâm trí hoặc điều kiện tuân thủ ba nguyên tắc kia. Vì vậy, cần một cơ chế đủ mạnh để bảo vệ đội ngũ y bác sĩ. Phần lớn các vụ tấn công nhân viên y tế chỉ được xử phạt hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với các tội: Gây mất trật tự công cộng; khiêu khích, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và tội Cố ý gây thương tích nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự.
Tôi cho rằng, cần mở rộng, xem xét đưa hành vi này vào tội Chống người thi hành công vụ, không chỉ phạt tiền mà có thể phạt tù.
Ngoài ra, trong khi chờ những quy định pháp luật đủ mạnh, các bệnh viện cũng cần tăng cường hệ thống an ninh bảo vệ y bác sĩ. Lực lượng bảo vệ đứng cổng của các viện hiện nay chủ yếu đảm nhận công việc kiểm soát giấy tờ, hạn chế lưu lượng người ra vào, hoàn toàn không đủ sức chống trả hoặc thậm chí là báo động trước các cuộc tấn công.
Hơn 10.000 nhân viên y tế đã tháo chạy khỏi hệ thống bệnh viện công. Nhiều người ở lại đang thường xuyên đối diện nguy cơ phải trốn chạy trước những kẻ hung hãn.
Trần Văn Phúc