Tôi từng là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Cristiano Ronaldo. Khi ngôi sao người Bồ Đào Nha rời Man Utd để chuyển đến Real Madrid, tôi cũng chuyển sang xem La Liga. Khi anh chia tay đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha để thử sức ở Juventus, tôi cũng làm quen với các trận cầu ở SerieA. Rồi đến khi siêu sao 37 tuổi quay trở lại sân Old Trafford, tôi cũng dõi theo từng trận đấu của Man Utd, dù thú thật tôi là fan của Arsenal.
Nói vậy để thấy tình cảm mà tôi dành cho CR7 lớn đến mức nào. Tôi hâm mộ anh vì khát khao trở thành người giỏi nhất lúc nào cũng cháy bỏng. Ronaldo luôn là người chăm chỉ nhất, siêng năng nhất ở mỗi nơi anh tới. Mỗi khi bị chỉ trích, anh luôn đáp trả bằng những màn trình diễn thượng thừa trên sân cỏ. Nhưng chỉ vài tháng qua, hàng loạt hành động cả trong và ngoài sân cỏ đã khiến chủ nhân của năm Quả bóng vàng châu Âu tự tay đạp đổ hình tượng đẹp đẽ mà mình xây dựng suốt 20 năm sự nghiệp.
Đỉnh điểm của những bê bối mà Ronaldo gây ra trong màu áo Man Utd là cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút trên truyền hình mới đây, khi anh công khai chỉ trích HLV Erik Ten Hag đã đối xử bội bạc với mình, tố cáo CLB đã phản bội anh. Nhưng thật sự, đánh giá một cách khách quan, Man Utd đã làm gì với một trong những số 7 vĩ đại nhất của mình?
Đội bóng nửa đỏ thành Manchester đã trả cho Ronaldo số tiền nửa triệu bảng mỗi tuần. Các cầu thủ trẻ ở Man Utd - những người luôn coi anh là hình mẫu để noi theo - tìm mọi cách để anh có thể ghi bàn mỗi khi ra sân, dù chính họ ở vào tư thế thuận lợi hơn để điền tên lên bảng tỷ số. Không ít lần người ta thấy các cầu thủ áo đỏ ăn mừng bằng các động tác nổi tiếng của Ronaldo như một cách tri ân người anh cả của đội bóng.
Vậy họ đã "phản bội" Ronaldo ư? Không, chính CR7 đã phản bội tình yêu và lòng tin của họ. Ronaldo có thể là tấm gương cho các cầu thủ trẻ trên sân tập khi anh là người đến sớm nhất và về trễ nhất. Còn trong trận đấu chính thức, trước hàng vạn khán giả thì không. Anh vùng vằng khi bị HLV thay ra, tự ý bỏ về khi trận đấu chưa kết thúc, từ chối vào sân khi trận đấu gần kết thúc, thậm chí chẳng buồn ở lại chúc mừng các đàn em khi đội thắng trận... Sẽ thật là tai họa nếu các tài năng trẻ bắt chước anh.
Còn với những người đã kề vai, hỗ trợ Ronaldo trên con đường chinh phục đỉnh cao một thời như Rooney, Gary Neville thì sao? Anh cũng không tiếc lời hạ thấp họ, chỉ vì không đánh giá cao anh. Trong khi thực tế, những gì họ nói về anh không phải là không đúng. Ngay cả một người đàn anh lúc nào cũng bảo vệ Ronaldo như Rio Ferdinand cũng bày tỏ sự thất vọng trước những phát biểu mới đây về đội bóng và đồng đội cũ. Rõ ràng, Ronaldo đã phản bội lại tất cả mọi người.
Liệu Ten Hag có sai với Ronaldo không? Có thể, nhưng ông không sai với CLB này. Rõ ràng, khi vừa đến với Man Utd, Ten Hag vẫn phát biểu đầy tôn trọng với ngôi sao người Bồ Đào Nha, vẫn nhiều lần bảo vệ anh trước truyền thông, đặt niềm tin ở cầu thủ đã chuẩn bị bước sang tuổi 38, cho tới khi anh thể hiện sự vô kỷ luật của mình.
Với những "con cừu đen", những kẻ dám đặt cái tôi cá nhân cao hơn lợi ích tập thể, thì thật khó để bắt người HLV trưởng phải biệt đãi. Khi xưa, Sir Alex Ferguson từng thẳng tay trừng trị Van Nisteroy, Roy Kean, David Beckham khi những ngôi sao này có thái độ tiêu cực. Một HLV nổi tiếng khác là Pep Guardiola cũng quyết đoán loại bỏ Ronaldinho, Eto’o, Ibrahimovic.
Hay gần đây nhất là HLV Arteta của Arsenal cũng không tiếc tay loại bỏ ngôi sao lớn nhất của đội bóng là Aubameyang ra khỏi đội hình vì đặt cái tôi cá nhân cao hơn đội bóng. Tôi tin, những HLV dám mạnh tay loại bỏ những cá nhân làm loạn phòng thay đồ thường là những người có khả năng tạo nên đế chế của riêng mình.
Xét về tài năng, có lẽ Ronaldo chính là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử của bóng đá thế giới. Nhưng để gọi anh với hai từ "vĩ đại" thì hẳn nhiên là không. Wayne Rooney từng vào sân ở phút 89 trong trận chung kết Europa League 2017 trước khi từ biệt Man Utd ở mùa sau đó vì tự nhận thấy mình không còn đóng góp được nhiều cho đội bóng. Steven Gerrard sau 17 năm gắn bó cùng Liverpool cũng quyết định chuyển sang MLS vì cho rằng bản thân là gánh nặng của đội bóng.
Đến cả một cá tính siêu mạnh như Ibrahimovic cũng sẵn lòng chịu kép dự bị, giáo huấn tinh thần của các cầu thủ trẻ ở AC Milan mùa 2021-2022 dù chỉ vài tháng trước đó thôi, chính anh mới là ngôi sao sáng nhất trên hàng công của đội bóng này. Tất cả bọn họ đều có sự nghiệp lừng lẫy, nhưng sẵn sàng chấp nhận thực tại, hy sinh cái tôi cá nhân vì tương lai của đội bóng.
Còn Ronaldo thì sao? Có lẽ cầu thủ này sẽ không bao giờ làm được điều tương tự. Tôi từng là fan của CR7 suốt 13 năm, không ít lần bảo vệ anh trước những lời lẽ cay độc, nhưng lần này tôi không cong lời nào để bào chữa cho một trong những thần tượng lớn nhất đời mình. Cách đây 16 năm, tôi cứ tưởng cú húc đầu của Zidane là cách tệ nhất để chia tay sự nghiệp sân cỏ của một huyền thoại bóng đá. Nhưng những gì Ronaldo làm ngày hôm nay đã cho tôi thấy một hành động còn khủng khiếp hơn: phản bội lại tình yêu của người hâm mộ.
Dù hâm mộ anh là thế nhưng thứ gì cầm lên được thì tôi cũng bỏ xuống được. Có lẽ từ nay, tôi sẽ không tiếp tục coi anh là một thần tượng nữa. Và cùng với chút tôn trọng ít ỏi cuối cùng cho Ronaldo, tôi hy vọng anh có thể học cách buông bỏ và chấp nhận một sự thật rằng chuyến tàu sự nghiệp đỉnh cao của anh đã đi đến nhà ga cuối cùng. Hãy học cách giã từ sân cỏ theo cái cách mà một huyền thoại nên làm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.