Có lẽ hiếm có cầu thủ bóng đá nào trong lịch sử bóng đá thế giới tạo được một tầm ảnh hưởng lớn như Lionel Messi. Ở ngôi sao bóng đá người Argentina không chỉ có tài năng mà còn cả một thứ quyền lực ngầm ít ai sánh được. Những ngày gần đây, người ta nhắc nhiều đến Messi trong cuộc biến loạn chưa từng có tại Camp Nou. Một quyết định ra đi của một cầu thủ 33 tuổi đang khiến mọi quy luật tự nhiên trong thế giới bóng đá đảo chiều chỉ trong nháy mắt. 20 năm trước, có lẽ khó ai tin rằng đứa bé gày gò, yếu ớt, nhút nhát và ít nói trong phòng thay đồ của Infantil B (U12 Barca), sẽ trở thành một nhân vật giàu ảnh hưởng đến vậy.
Cái bóng trên sân cỏ
Ở Barcelona, Messi luôn thể hiện quyền lực tuyệt đối của mình trên sân cỏ. Diego Milito từng kể lại rằng Messi liên tục la hét đòi bóng từ các đồng đội và "cảm thấy ghê tởm những kẻ không chuyền bóng cho mình". Thậm chí, Alexis Sanchez cũng từng bị sỉ vả không thương tiếc: "Tôi không hiểu tại sao cậu lại có giá trị đến nhường ấy? Cậu không biết ghi bàn thì hãy chuyền cho tôi".
Điều tương tự cũng từng xảy đến với Yaya Toure, từng bị Messi yêu cầu phải "đứng trong vòng tròn giữa sân và nếu có bóng thì chuyền ngay cho tôi". Trong khi theo nhiều nguồn tin nội bộ tại Camp Nou, Philippe Coutinho và Neymar cũng phải sớm rời Barcelona theo các cách khác nhau vì có mưu đồ hợp lực chống lại sự thống trị của M10.
Có lẽ tất cả đều hiểu, ở Barcelona, Messi là số một và không ai được phép làm trái ý cầu thủ này. Cái bóng của ngôi sao người Argentina lớn tới nỗi người đã vẫn nói vui với nhau rằng đám cầu thủ trẻ của Barca luôn sợ hãi không dám lại gần người đàn anh, còn những người đồng đội khác cũng ngầm hiểu với nhau rằng chớ làm phiền đến Messi.
Tuyên chiến với truyền thông
Có lẽ không cần nói nhiều đến tầm ảnh hưởng của Messi trên sân và trong phòng thay đồ của cả Barcelona lẫn đội tuyển Argentina. Hẳn nhiều người chưa quên sự kiện đội trưởng Argentina dẫn toàn đội vào phòng họp báo sau trận thắng 3-0 trước Colombia 3-0. Người ta thấy Messi lạnh lùng cầm micro, thẳng thừng tuyên bố tuyệt giao với báo chí nước nhà, khởi đầu cho một thời kỳ leo thang quyền lực của ngôi sao lớn nhất mà bóng đá hiện đại đang sở hữu.
Nhìn sang đối thủ lớn nhất của Messi là Ronaldo, phản ứng quyết liệt nhất của ngôi sao người Bồ Đào Nha với giới truyền thông là gì? Giật micro của phóng viên rồi ném xuống hồ trong lúc đang ức chế như cách giận dỗi của một đứa trẻ? Messi không cần vùng vằng như vậy, chỉ một câu nói, tiền đạo số một của bóng đá Argentina đã khiến tất cả câm lặng.
Người ta còn nói rằng, Messi đứng sau tất cả những quyết định triệu tập đội tuyển quốc gia Argentina khi mọi cầu thủ lên tuyển đều phải được cái gật đầu của M10. Dẫu rằng chưa ai dám đứng lên khẳng định chuyện đó, ngay cả người trong cuộc, nhưng chắc chắn một điều ai cũng thấy, tại Argentina, Messi là số một, tất cả các cầu thủ khác dù muốn hay không cũng phải phục tùng anh vô điều kiện nếu không muốn bị vào danh sách đen, như trường hợp của Mauro Icardi.
>> 'Van Dijk là hậu vệ nên khó vượt Messi để giành Quả Bóng Vàng'
Rung chuyển giới thượng tầng
Tài năng phi phàm của Messi khiến tất cả phải tôn sùng, khuất phục và sợ hãi anh. Ngay cả những người đứng đầu Barcelona cũng phải cố gắng "đọc" ngôn ngữ cơ thể của anh, tìm hiểu anh muốn gì để làm hài lòng anh hết mức có thể, giữ cho anh luôn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái nhất. Từ chuyên lương thưởng, tìm đối tác đá cặp, sử dụng anh thế nào cho hợp lý, thậm chí chọn HLV ra sao... tất cả đều nhằm một mục đích duy nhất - theo ý Messi.
Người ta đồn đoán rằng, Messi chi phối mọi hoạt động chuyển nhượng, sa thải hay bổ nhiệm HLV, sắp xếp đội hình chiến thuật, định hình lối chơi... của Barcelona. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là tiền đạo này oang oang ra lệnh cho Chủ tịch CLB làm cái này, Giám đốc CLB làm cái kia... mà ở đây, mọi quyết định lớn nhỏ của đội bóng đều được tham vấn qua ý kiến của Messi. Quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đội bóng, nhưng chẳng ai dại gì là phật lòng ngôi sao sáng nhất Camp Nou.
Quyền lực tối thượng
Sự phục tùng thái quá từ lãnh đạo cấp cao đến những người đồng đội vô tình khiến quyền lực của "đứa trẻ đến từ Rosario" ngày một lớn mạnh. Vì tài năng, ảnh hưởng cùng sự lôi cuốn tự nhiên, quyền lực tối thượng của Messi ngày càng được củng cố, đủ khiến tất cả phải khuất phục. Có lẽ bản thân tiền đạo này cũng không ngờ và không quá quan tâm tới sức mạnh đó của bản thân. Chỉ có điều, người ta vỗn dĩ đã trao cho anh tầm ảnh hưởng đó, giống như sứ mệnh của một thiên tài, không thể chối bỏ.
Sau một bản fax của Messi đề nghị được chia tay đội bóng mà anh từng gắn bó suốt cả sự nghiệp, chúng ta thấy người hâm mộ Barca quỳ xuống, gào khóc, van xin anh đừng rời bỏ họ. Điều tương tự cũng diễn ra với các CĐV đội bóng khác, nhưng là để xin anh tới đội bóng của họ. Chưa bao giờ, người hâm mộ khắp nơi trên thế giới hoảng loạn đến thế chỉ vì ý định ra đi của một cầu thủ. Có lẽ chỉ Messi làm được điều đó.
Thậm chí, chỉ bản fax ngắn ngủi mà Messi gửi tới ban lãnh đạo để yêu cầu ra đi, cũng khiến tất cả quay sang đổ lỗi cho Chủ tịch Bartomeu không cần lý do. Các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức nổ ra khắp nơi trên thế giới - điều chưa bao giờ xảy ra trong thế giới bóng đá. Bởi với họ, đơn giản, Messi không bao giờ sai, và những ai chống lại ai đều không thể đúng. Một cầu thủ có thể lật nhào cả chiếc ghế của Chủ tịch CLB mà không cần ra lệnh, trên thế giới này chắc chỉ có mình Messi làm được.
Câu chuyện lùm xùm về quyết định ra đi của Messi có lẽ sẽ còn tốn nhiều giấy mực của truyền thông, và sự tranh cãi từ nhiều phía. Kết quả cuối cùng chưa ai dám đoán định, Messi có thể ở lại hoặc ra đi theo cách nào, là chuyện của tương lai. Chỉ có một thứ chắc chắn không bao giờ thay đổi, đó là quyền lực tuyệt đối của anh.
Giống như một cử tri đã điền tên Lionel Messi vào lá phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vì cho rằng siêu sao người Argentina sẽ là một nhà lãnh đạo tốt hơn Hillary Clinton hoặc Donald Trump.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.