Nếu bạn là người hay theo dõi các diễn đàn bóng đá, hoặc sử dụng mạng xã hội, chắc hẳn không còn xa lạ với các cuộc đấu khẩu gay gắt giữa fan "cuồng" của hai ngôi sao bóng đá Messi và Ronaldo. Với tư cách là một người hâm mộ bóng đá, tôi thấy mệt mỏi với các cuộc khẩu chiến kiểu này.
Có một thuật ngữ thường được sử dụng trong tài chính cá nhân là "rat race" hay "cuộc đua chuột", có thể hiểu như sau: đây là một cuộc đua vô tận, tự chuốc lấy thất bại, hoặc theo đuổi vô nghĩa. Nó gợi lên hình ảnh của những con chuột trong phòng thí nghiệm, đua để có được những miếng pho mát – giống như con người trong xã hội, đua với nhau để tìm kiếm tiền bạc, tài chính". Tôi thấy khái niệm này cũng phù hợp để mô tả cuộc chiến bảo vệ thần tượng giữa hai phe này.
Có thể tóm tắt cuộc đua chuột này như sau: khi một trong hai siêu cầu thủ Messi hoặc Ronaldo có kết quả thi đấu không tốt, fan của đối thủ còn lại sẽ ào ra công kích, mỉa mai, hả hê trước thất bại của người kia, đồng thời tranh thủ cơ hội tâng bốc thần tượng của mình. Fan bên thua thường né tránh hoặc ra phản pháo bảo vệ thần tượng, nhưng thường chìm nghỉm trước làn sóng đang dâng cao của phe đối thủ. Họ như cái lò xo bị đè nén xuống và chỉ chực chờ một cú sảy chân từ đối thủ sẽ bung lên và lặp lại chính những hành động của bên vừa mạt sát họ kia. Cứ thế fan cuồng hai bên như hai cái lò xo co giãn theo phong độ của hai siêu sao mà họ hâm mộ.
Cuộc chiến ấy cứ lặp đi lặp lại chu kỳ này mà chẳng thấy lối thoát. Khi theo dõi "cuộc đua chuột" này, bạn sẽ thấy mọi lý lẽ, mọi logic gần như bị bỏ qua mà hai bên chỉ tập trung làm sao để vùi dập đối thủ nặng nề nhất. Là một fan bóng đá trung lập, ai cũng hiểu rằng cầu thủ giỏi đến mấy thì phong độ cũng có lúc cao lúc thấp, cũng có những pha xử lý hay và những pha bóng dở. Nhưng đối với fan "cuồng", họ không khoan nhượng, không cảm thông, mà chỉ đợi đối thủ sơ sẩy là tấn công vùi dập.
Tôi trước đây cũng từng tham gia vào cuộc "khẩu chiến" kiểu này, nhưng sau mỗi cuộc cãi vã vô thưởng vô phạt, tôi thấy mệt mỏi và phiền não. Tôi tự hỏi sau tất cả, mình nhận được gì, hai ngôi sao kia được gì và mất gì? Tôi nhận ra tôi được thỏa mãn nhất thời với thắng lợi nhất thời trước đối thủ, nhưng bản thân cũng phải chịu sự mệt mỏi vì cứ phải nghĩ ra các lý do để phản bác lại những lời công kích của bên kia. Nó ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của tôi, có khi đeo bám tôi cả ngày hay thậm chí là vài ngày.
Còn hai cầu thủ, tất nhiên họ chẳng mất gì cả, họ vẫn kiếm hàng triệu USD, trong khi tâm lý của tôi lại bị ảnh hưởng gây tác động tiêu cực đến công việc. Cuộc sống của tôi vốn quá nhỏ nhoi so với hai đại triệu phú đó. Nhận ra được sự vô nghĩa của việc này, tôi đã từ bỏ các cuộc tranh cãi mà tập trung tận hưởng bóng đá, theo dõi cầu thủ mình yêu thích. Giờ đây, tôi quan niệm rằng: bạn chẳng bao giờ thay đổi được quan điểm của đối phương chỉ bằng các bình luận trên mạng và tại sao phải quan tâm tới quan điểm của họ khi họ vốn đã có sẵn định kiến?
>> 'Ronaldo không xứng đáng mang băng đội trưởng Bồ Đào Nha'
Messi và Ronaldo hiện cũng đã ở chặng cuối trong sự nghiệp đỉnh cao của mình. Duy trì được một đẳng cấp liên tục hơn chục năm qua chắc chắn không đến từ sự ăn bám, ăn may hay do sự PR của truyền thông, càng không phải "cục tạ" cho đồng đội gánh như fan hai bên gán cho người còn lại. Là fan của Ronaldo nhưng tôi luôn thừa nhận Messi là cầu thủ xuất chúng. Tôi thắc mắc liệu những fan "cuồng" kia cũng nghĩ được như mình, cũng thừa nhận đối thủ có tài nhưng không dám công khai, mà chỉ chăm chăm tìm lỗi của đối thủ để trả thù lại những lần thần tượng mình bị sỉ nhục?
Tôi cho rằng bản thân các cầu thủ không đáng bị ghét đến thế, họ cũng chỉ làm nhiệm vụ của mình. Cái khiến họ bị ghét là do chính fan của họ đã đạp đối thủ xuống để nâng thần tượng của mình lên rồi vô tình khiến chính họ bị ghét. Bóng đá suy cho cùng cũng chỉ là một hình thức giải trí, mà mục đích của giải trí là để đầu óc khuây khỏa sau những giờ làm việc mệt mỏi chứ không để khiến chúng ta mệt mỏi thêm.
Chẳng bao lâu nữa hai ngôi sao thế giới này sẽ kết thúc sự nghiệp lừng lẫy của mình. Khi nhìn lại liệu chúng ta có còn thấy sân si hơn thua với đối thủ không hay sẽ thấy tự hào vì sự nghiệp của thần tượng đã rực rỡ hơn rất nhiều vì có một đối thủ truyền kiếp xứng tầm như thế?
Có khi lúc đó chúng ta sẽ nghĩ nếu không có "tên đáng ghét" kia thì thần tượng của chính mình và cả môn bóng đá nữa cũng kém thú vị đi rất nhiều.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.