Tôi không đồng tình với quan điểm cho con học trường quốc tế học phí 800 triệu đồng một năm là vì tâm lý sính ngoại. Con tôi cũng đang theo học trường quốc tế, học phí tuy không đắt như vậy, nhưng cũng không thấp hơn là bao. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không hề có suy nghĩ là vì đua đòi hay tham vọng con tài giỏi, làm ông này bà nọ về sau. Thứ chúng tôi muốn là mai này con có đủ kiến thức và tự tin để phát triển, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài.
Con tôi từ mẫu giáo đến hết cấp một đã học qua cả trường công lẫn trường tư, nhưng thú thực, chỉ gần đây, khi con chuyển qua trường quốc tế, tôi mới thấy con tự tin hẳn lên và kỹ năng giao tiếp cũng được cải thiện rõ rệt. Con cũng được học thêm những lớp ngoại khóa thú vị và những lớp kỹ năng sống, cảm thấy rất hào hứng và vui vẻ sau mỗi buổi học.
Tôi thấy số tiền mà mình bỏ ra cho con là hoàn toàn xứng đáng. Chỉ cần con phát triển, tự tin, học tập thật vui vẻ, thì không có gì là lãng phí cả. Trừ khi con bạn không có khả năng, cũng như điều kiện tài chính không dư dả nhưng cha mẹ vẫn cố cho con học trường quốc tế thì mới là sai lầm. Còn nếu kinh tế và điều kiện gia đình cho phép thì thật sự, tôi không cảm thấy tiếc gì số tiền học phí vài trăm triệu đồng mỗi năm khi cho con học quốc tế cả.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận những công lao và luôn biết ơn những thầy cô dù là trường công hay trường tư trước đây của con. Vì dù sao, họ cũng đã làm hết sức để dạy dỗ các con. Nhưng chúng ta cũng không thể so sánh trường công với trường quốc tế một cách ngang hàng về chất lượng được. Vì trường công sĩ số mỗi lớp lên tới khoảng 40-50 học sinh, nên chúng ta không thể đòi hỏi các thầy cô có thể chú ý quan sát và dạy dỗ tốt cho tất cả các con, ở mọi môn học được. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh trường công phải học thêm sau giờ lên lớp.
Ngược lại, ở trường quốc tế, số lượng học sinh mỗi lớp chỉ khoảng 25 em. Lớp con tôi có 22 học sinh, nhưng có đến 11 thầy cô giảng dạy các môn. Vì vậy mà họ có thể giám sát và dạy dỗ các con một cách chất lượng hơn nhiều.
>> Học trường quốc tế chỉ vì muốn con du học
Con tôi là con một nên từ nhỏ đã được bố mẹ hết mực yêu thương, bao bọc, nên dù rất ngoan nhưng con có nhược điểm là khá nhút nhát và thiếu tự tin. Những năm học trường công, con thật sự rất sợ khi phải nói chuyện với thầy cô, hay những lần phải lên phát biểu trước cả lớp. Những ngày đầu vào trường quốc tế, vì nắm bắt được tâm lý và nhược điểm của con, mà các thầy cô đã hết lòng quan tâm.
Thậm chí, nhiều hôm, họ còn ngồi ăn trưa cùng con, để giúp con giảm áp lực sợ thầy cô. Họ cũng kết nối con với nhiều bạn bè khác lớp, để con cởi mở và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Sau ba năm học ở trường quốc tế, tôi thật sự rất hài lòng về những cải thiện của con. Bản thân con cũng rất thích thú và vui vẻ sau mỗi buổi học dù thời gian học ở đây dài hơn trường công.
Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình được phát triển tốt nhất nếu khả năng cho phép, nên đừng đánh giá họ vì sĩ diện hay sính ngoại mới cho con học trường quốc tế. Quan trọng là chúng ta hãy làm những gì mình thấy tốt cho con và để con hạnh phúc là được.
Tư duy và khái niệm nuôi con của mỗi người khác nhau. Có thể bạn nuôi dạy, tôi luyện con theo hướng mà mình nghĩ là tốt. Nhưng chúng tôi không có khái niệm bắt con phải chịu áp lực hay làm quen với áp lực để trưởng thành, nhất là khi con lại là con gái. Chúng tôi chỉ muốn những ngày tháng trôi qua trong cuộc sống của con thật bình yên và đáng nhớ, dù con có tài giỏi hay không thì chúng tôi cũng sẽ chấp nhận và không có gì phải hối tiếc cả.
Bùi
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.