Tổng thu nhập của gia đình tôi vào khoảng 150 triệu đồng một tháng, trong đó tiền trả nợ hết khoảng 60 triệu. Tính ra, chúng tôi vẫn còn dư khoảng 90 triệu đồng để chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư. Tuy nhiên, tôi vẫn cho con học trường công và học thêm tiếng Anh ở trung tâm tốt với chi phí khoảng 67 triệu đồng một năm, chưa kể học thêm các môn ngoại khóa khác.
Nhiều người hỏi tôi vì sao kiếm nhiều tiền mà cho con học trường công? Lý do là bởi mức thu nhập 150 triệu đồng đó là tôi tính trong trường hợp lý tưởng nhất (hai vợ chồng đều khỏe mạnh, công việc ổn định, thuận lợi). Nhưng trong cuộc sống thực tế, rất nhiều chuyện bất trắc không thể lường trước được. Thử hỏi, nếu không may một trong hai vợ chồng tôi bị bệnh, mất việc, hoặc gia đình hai bên cần trợ giúp một khoản tiền lớn, tôi sẽ xoay sở thể nào nếu cho con học trường đắt tiền?
Học trường quốc tế trung bình một tháng học phí cũng lên tới 20 triệu đồng, hai bé cũng tốn khoảng 40 triệu. Nếu lỡ có biến cố gì xảy ra, tôi sẽ trở tay không kịp. Đó là tôi còn có nhà để bán vì tiền vay hiện tại là để trả lãi cho căn nhà vừa mua. Trong khi đó, nếu cho con học trường công, tôi vẫn có thể dễ dàng cắt bỏ những lớp học thêm trong khi vẫn đảm bảo cho con học tốt ở trường.
>> Kinh tế ổn định tôi vẫn cho con học trường công
Trong khi đó, nhiều người cứ nói muốn con du học nước này, nước nọ mà không hề có phương án dự phòng. Chẳng lẽ con đang học giữa chừng, không có học bổng, mà gia đình lại gặp sự cố, thì lại bắt chúng khăn gói về nước sao? Nói thật, nếu con đi học ở thành phố lớn trong nước, một tháng cho 10 triệu đồng tiền học phí và sinh hoạt cũng chỉ vừa đủ thôi chứ chưa dư, đừng nói tới sống ở nước ngoài.
Tôi cho rằng, muốn gì, cha mẹ cũng phải có phương án dự phòng. Nhiều người cứ thấy con giành được học bổng là đua đòi cho đi du học, bất chấp gia cảnh khó khăn. Con học giỏi không có nghĩa là có thể chịu đựng các áp lực khác. Ví dụ như được học bổng toàn phần cho bốn năm học đi nữa thì cũng phải có điều kiện đi kèm (ví dụ như năm một học giỏi mới tiếp tục có học bổng cho năm sau). Nếu lỡ vì lý do sức khỏe hay gì đó mà con học dở, không được học bổng tiếp, thì lấy tiền đâu để học? Đừng đếm cua trong lỗ, để trứng vô một rổ mà mất trắng.
Vấn đề ở đây là nhiều cha mẹ chỉ muốn cái tốt nhất, nhưng không hề chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Tôi không đánh giá cao những người hay làm liều mà không hề có sự chuẩn bị phương án hai, ba. Đời đâu phải lúc nào cũng như mơ, đúng không?
Thực tế, chuyện "con nhà lính mà tính nhà quan" bây giờ không hiếm. Nhiều người tiền ít nhưng lúc nào cũng muốn hít khói thơm. Lời khuyên hữu ích tôi là mội bậc cha mẹ nên lựa cơm gắp mắm, bao gồm cả tài chính gia đình và học lực của con. Đừng có cố quá coi chừng "quá cố".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.