Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ năm, 17/10/2024, 13:45 (GMT+7)

8 món gỏi cá đặc trưng ba miền

Đến Phú Quốc, du khách không thể bỏ qua gỏi cá trích, trong khi gỏi cá hồi là món ăn nên thử tại Sa Pa hay Mộc Châu.

Các món gỏi cá được VnExpress lựa chọn dựa trên tiêu chí phổ biến, đặc trưng ẩm thực địa phương, có thể dễ dàng tìm thưởng thức. Ngoài ra, đây cũng là những món ăn được ngành du lịch các địa phương gợi ý.

Gỏi cá hồi

Cá hồi Sa Pa, Lào Cai hay Mộc Châu, Sơn La nhiều năm nay trở thành thương hiệu của địa phương. Cá hồi được nhập giống từ châu Âu sau đó đưa về Việt Nam nuôi tại chỗ trong môi trường nước lạnh. Khi cá có trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg có thể bắt để chế biến món ăn.

Cá hồi Sa Pa và Mộc Châu được chế biến thành nhiều món như gỏi, nướng, chiên, lẩu, ruốc, hun khói. Trong đó, gỏi cá hồi là phổ biến nhất. Thịt cá thường có màu cam đậm, giòn hơn cá hồi Na Uy. Gỏi cá hồi ăn trực tiếp, hoặc làm chín tái bằng nước cốt chanh, cuốn với rau cải và chấm xì dầu, mù tạt. Ảnh: Linh Hương

Gỏi cá nhệch

Là đặc sản của Nga Sơn, Thanh Hóa, gỏi cá nhệch không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn có cách ăn độc đáo.

Cá nhệch giống lươn, sau khi bắt về được làm sạch nhớt, bỏ ruột, đầu và đuôi, lọc xương và thịt. Phần thịt cá được thái mỏng, bóp bằng chanh tươi, tẩm ướp gia vị và trộn thính. Người ăn sẽ lấy lá sung hay lá ổi làm vỏ cuốn rồi xếp thêm các loại lá mơ, húng quế, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà, cuốn thành hình phễu và nhồi gỏi nhệch ở giữa, rưới sốt chẻo, có thể thêm gừng, hành, ớt, riềng tùy sở thích. Món ăn có vị ngọt mát, béo bùi, thơm mùi chẻo. Ảnh: Linh Hương

Gỏi cá mè

Gỏi cá mè Kiến Xương, Thái Bình được chế biến từ cá mè tươi, nặng khoảng 500-600 gram. Vốn được biết đến là loại cá tanh, nhưng gỏi cá mè trải qua quá trình chế biến công phu trở thành món ăn ngon, hương vị đặc trưng dai, ngọt và mát.

Gỏi cá mè không thể thiếu các loại gia vị như riềng, mẻ, chuối xanh, khế chua, thịt ba chỉ, lạc, vừng, đỗ tương, nước mắm. Các loại lá ăn kèm gồm lá sung, lá mơ, lá vọng cách, diếp cá, tía tô, kinh giới, mùi tàu, lá ổi, lá sắn thuyền, lá đinh lăng. Riềng giã nhỏ, nắm kiệt nước, bã riềng để ủ cá, nước riềng và một phần bã dùng làm nước chấm. Cá thái xong trộn với bột riềng và bột đỗ tương rang xay thành thính và thưởng thức. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Bình

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai phổ biến ở các vùng biển miền Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Cá mai hơi giống cá cơm, thân trong suốt. Thịt cá tươi dai, giòn, ngọt nên thích hợp để chế biến các món gỏi.

Gỏi cá mai thường được thưởng thức theo hai cách. Cách thứ nhất, bẻ miếng bánh tráng hoặc dùng bánh phồng tôm xúc miếng gỏi cá, chấm sốt. Cách thứ hai, dùng miếng bánh cuốn gỏi cá cùng xà lách, rau thơm. Phần sốt từ đậu phộng ngọt, mặn, béo là điểm đặc biệt của gỏi cá mai. Ảnh: Linh Hương

Gỏi cá đục

Cá đục sống gần bờ, thân to hơn ngón tay cái, dài khoảng 13-18 cm, giống cá bống nước ngọt, có nhiều ở vùng biển Hà Tĩnh. Ngư dân có thể chế biến nhiều món ngon từ cá đục, nhất là gỏi và nướng vì thịt cá chắc, có vị ngọt và mùa nào cũng có.

Cá làm gỏi được đánh sạch vảy, bỏ đầu, cắt dọc thân lấy phần thịt rồi ướp bằng nước cốt chanh rồi để ráo. Nước ướp cá sẽ giữ lại để làm gia vị nước chấm. Nước chấm làm từ nhiều loại khác nhau như chanh, tỏi băm, cà chua, hành tím, đậu phộng, ớt cay đun sôi thành hỗn hợp chua ngọt. Gỏi ăn cùng bánh đa nem cuốn với rau thơm, lá tía tô, xà lách, dưa chuột thái lát mỏng. Ảnh: Tùy Phong

Gỏi cá ngừ

Bình Định và Phú Yên nơi du khách có thể dễ dàng tìm thấy các món ăn từ cá ngừ đại dương, trong đó gỏi và mắt cá ngừ được yêu thích hơn cả.

Thịt cá ngừ được cắt thành từng lát dày khoảng một cm, sau đó xếp vào khay đem ướp lạnh trước khi ăn. Cá ngừ chấm với nước tương và mù tạt, ăn kèm một số loại rau gia vị như cải xanh, gừng, húng, quế, ngò. Món ăn có thể thưởng thức theo nhiều cách, tùy thuộc sở thích mỗi người. Thịt cá béo, mềm, đậm đà, kết hợp với rau cải hơi đắng chấm với nước tương mù tạt tạo cảm giác cay nồng mà sảng khoái. Ảnh: Linh Hương

Gỏi cá trích Nam Ô

Món ăn được gọi theo tên làng chài Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Cá trích ở Nam Ô có quanh năm và được đánh bắt mỗi ngày. Cá bằng hai ngón tay, được làm sạch, bỏ đầu, phi lê lấy thịt rồi cắt thành từng miếng nhỏ.

Món ăn ban đầu chỉ dành cho người dân biển, nhưng nay phổ biến và trở thành đặc sản, có thể tìm thấy ở hầu hết các quán ăn tại Đà Nẵng. Gỏi cá trích Nam Ô có hai loại khô và ướt. Gỏi khô được làm tái với dấm, chanh sau đó vắt nước trước khi trộn với thính và gia vị. Gỏi ướt không trộn thính mà cho vào nước dùng cay được pha chế từ nước mắm của làng chài Nam Ô, thêm gừng, tỏi, ớt, đường. Thịt cá ngọt, các gia vị cay, vừa ăn vừa xuýt xoa. Ảnh: Thiện Nguyễn

Gỏi cá trích Phú Quốc

Thịt cá trích ngon và lành nên được chế biến thành nhiều món ngon như nướng lá lốt, chiên, nấu canh chua, kho lạt, sốt cà chua, chả nhưng nổi bật nhất vẫn là gỏi. Gỏi cá trích là đặc sản của đảo Phú Quốc, được coi là món phải ăn khi du lịch Đảo Ngọc.

Cá trích sau khi đánh bắt được đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây, đuôi, bỏ xương, chỉ lấy phần thịt hai bên. Thịt cá trích mềm, tươi và ngọt, thường được trộn cùng hành tây, dừa nạo, lạc thành món gỏi đặc trưng. Khi ăn, thực khách cuốn cùng bánh tráng kèm các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt. Gỏi cá trích Phú Quốc còn được đóng thành hộp mang về làm quà. Ảnh: Linh Hương

Tâm Anh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net