Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Bình Thuận

Bình Thuận nằm cuối vùng duyên hải Nam Trung Bộ, thủ phủ là thành phố Phan Thiết. Bình Thuận nằm cách TP HCM 160 km, phía bắc giáp tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, phía đông và nam giáp biển, phía tây giáp Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh có đường biển dài 190 km từ mũi Đá Chẹt (giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Địa hình Bình Thuận chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nơi đây nhiều nắng, gió và khô hạn, có hai mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, nhiều năm mùa mưa chỉ tập trung từ tháng 8 đến tháng 10.

>> Xem thêm: 48 giờ ở Bình Thuận

Mũi Né nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Di chuyển

Bình Thuận không có sân bay, cách di chuyển thuận tiện nhất là bay tới TP HCM rồi đi đường bộ theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, tốc độ tối đa 120 km/h, thời gian khoảng 2 tiếng rưỡi. Du khách cũng có thể hạ cánh ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó di chuyển bằng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Tuy nhiên, quãng đường dài và lâu hơn từ TP HCM. Xe cá nhân cũng chạy theo hai tuyến đường bộ này.

Xe khách khởi hành từ TP HCM và các tỉnh phía Nam có các hãng Kumho, Phương Trang, Minh Nghĩa, Liên Hưng, Mạnh Hùng, Long Vân hay các nhà xe limousine như Trọng Thủy, Hoàng Vũ, Nam Hải. Giá vé từ 180.000 đồng đến 250.000 đồng một chiều.

Ga Mường Mán, huyện Hàm Thuận Nam, là điểm dừng của các tuyến đường sắt Bắc - Nam. Các đôi tàu SE 1-2, SE 3-4, SE 5-6, SE 7-8 hay SPT, SNT... đều dừng ở ga này. Giá vé tàu dao động từ 145.000 đồng đến 1.500.000 đồng một chiều, tùy loại tàu, loại ghế/giường và điểm xuất phát.

Lưu trú

Khách sạn tại Bình Thuận tập trung chủ yếu tại các trung tâm du lịch như Phan Thiết, Mũi Né, đảo Phú Quý, với đa dạng loại hình lưu trú, từ các homestay, khách sạn bình dân đến các resort cao cấp.

Tại Mũi Né, các khu nghỉ dưỡng ven biển tập trung nhiều ở đường Nguyễn Đình Chiểu như The Anam, Sailing Club Resort, Anantara Mũi Né Resort & Spa, Pandanus Resort, The Cliff Resort and Residences, Centara Mirage Resort. Giá phòng đôi dao động từ khoảng gần 1 triệu đồng tới 10 triệu đồng một đêm. Các nhà nghỉ, khách sạn nhỏ hơn nằm trong ngách, tập trung chủ yếu trên trục đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài về phía Hòn Rơm, giá dưới 1 triệu đồng.

Từ sau Covid-19 năm 2022, đảo Phú Quý được đầu tư xây dựng nhiều điểm lưu trú mới, đa dạng hình thức như nhà nghỉ, khách sạn, homestay và các resort quy mô nhỏ. Nhiều khu nghỉ có thiết kế đẹp, đồng thời tạo nên những góc chụp ảnh ấn tượng cho giới trẻ như Queen Sea Resort, Roman Resort Phu Quy, Coco Villa, Villa Biển Xanh... Giá phòng dao động từ khoảng 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng một đêm.

Chiu Chiu Resort trên đảo Phú Quý. Ảnh: Chiu Chiu

Tham quan

Phan Thiết

Thành phố của tỉnh Bình Thuận,chia thành 4 khu vực chính gồm trung tâm, Mũi Né, Mũi Kê Gà và Hòn Rơm. Từ một trong bốn điểm này, du khách tiếp tục khám phá các địa danh nổi tiếng khác tại Phan Thiết.

Phan Thiết là điểm dừng chân tắm biển kết hợp nghỉ ngơi tại Mũi Né. Vì thế, du khách chỉ cần ở thành phố tối đa 2 ngày, ghé những điểm nổi tiếng như Công viên biển Đồi Dương, tháp nước Phan Thiết, khu di tích trường Dục Thanh nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy học, dinh Vạn Thủy Tú nơi có bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á, lầu Ông Hoàng, tháp Po Sah Inư, bãi đá Ông Địa...

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Phan Thiết

Mũi Né

Mũi Né là dải đất vươn ra biển ở thành phố Phan Thiết, là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận và cả nước. Tên gọi Mũi Né xuất phát từ ngư dân đánh cá, trong đó "mũi" là mũi đất đua ra biển, "né" là nơi tránh bão. Năm 2018, Mũi Né được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Nơi đây nổi tiếng với bãi biển xanh trải dài và những đồi cát đẹp. Bàu Trắng là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Mũi Né, với trải nghiệm ngắm bình minh, trượt cát, đi xe địa hình và tham quan chụp ảnh. Mũi Né có nhiều khu nghỉ dưỡng đẹp nằm dọc đường ven biển Nguyễn Đình Chiểu và các tuyến đường lân cận. Các dịch vụ dành cho khách du lịch ở đây khá đầy đủ. Mũi Né cũng là điểm đến của nhiều khách nước ngoài.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Mũi Né

Đảo Phú Quý

Huyện đảo Phú Quý, còn gọi là cù lao Thu, nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 120 km về phía đông nam. Ngoài đảo chính, quanh Phú Quý còn nhiều hòn đảo nhỏ. Trên đảo lớn có nhiều cảnh đẹp, đa phần còn hoang sơ, để du khách khám phá trong vài ngày. Các điểm tham quan nổi bật: Bãi Nhỏ, Ghành Hang, đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, ngọn hải đăng...

Thời điểm thích hợp để đến đảo Phú Quý là từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Đây là giai đoạn biển êm, gió nhẹ, dễ dàng di chuyển trên biển. Muốn ra đảo Phú Quý phải đi tàu, thời gian khoảng 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng rưỡi, tùy loại tàu. Hiện đảo có đủ các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Lưu ý: Đảo cho phép người nước ngoài ra thăm, nhưng hạn chế số lượng và phải xin giấy phép trước.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch đảo Phú Quý

Bãi biển Cổ Thạch

Còn được gọi là "bãi đá bảy màu", Cổ Thạch thuộc huyện Tuy Phong. Bờ biển này nổi tiếng nhờ các viên đá có màu sắc và hình thù độc đáo trải dài, cùng nước biển xanh màu ngọc bích. Là một trong những cảnh quan đẹp nhất Bình Thuận, bãi đá còn có những tảng to phủ đầy rêu xanh. Thông thường, giữa tháng 3 là lúc rêu phủ nhiều nhất, kết hợp ánh nắng tự nhiên tạo nên phong cảnh đẹp như tranh.

Cánh đồng điện gió

Trụ điện gió trên đảo Phú Quý. Ảnh: Tâm Linh

Bình Thuận có 3 cánh đồng quạt gió là Tuy Phong, Đại Phong và đảo Phú Quý. Trong đó, cánh đồng Tuy Phong thu hút nhiều tín đồ xê dịch nhất vì diện tích khá lớn (tầm 400 ha), dễ di chuyển và khung cảnh đẹp. Đây là điểm check in nổi tiếng của giới trẻ, có khung cảnh đẹp như châu Âu với trời xanh, mây trắng và những bãi cỏ rộng. Tại đây, từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm còn có những đồng hoa atiso nở đỏ rực.

Mũi Kê Gà và hải đăng Kê Gà

Kê Gà tập hợp nhiều phiến đá có hình dáng độc đáo xếp thành hình đầu gà, cách trung tâm Phan Thiết khoảng 30 km. Không chỉ có vườn đá, Kê Gà còn có những bãi biển hoang sơ với làn nước trong xanh và ngọn hải đăng lâu đời nhất Đông Nam Á. Thời điểm lý tưởng nhất để khám phá nơi này là khoảng 17h vì đây là lúc hoàng hôn nên cảnh rất đẹp. Cano đưa đón khách cũng sẽ dừng hoạt động sau khung giờ này. Khách đến mũi Kê Gà chỉ chơi trong ngày, lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ bình dân trong xã Thuận Qúy.

Núi Tà Cú

Núi Tà Cú nhìn từ xa. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Nằm ở độ cao 649 m, núi Tà Cú là địa điểm phù hợp với những người thích leo núi. Núi nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, có nhiều ngôi chùa như Linh Sơn Trường Thọ, Long Đoàn và chùa Tổ. Tà Cú còn là rừng quốc gia thiên nhiên bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ và các loại cây quý. Để lên đỉnh núi này, du khách phải leo bộ gần 2 tiếng hoặc ngồi cáp treo khoảng 10 phút. Khi đi cáp, bạn có thể thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng và những vườn thanh long xanh mát bao quanh.

Cù Lao Câu

Cù Lao Câu. Ảnh: Báo Tổ Quốc

Cù Lao Câu hay hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, nằm cách đất liền khoảng 10 km. Hòn đảo chưa được nhiều người biết đến nên vẫn khá hoang sơ, không có người dân sinh sống và chưa nhiều dịch vụ dành cho du lịch. Du khách tham quan nơi này trong ngày hoặc nghỉ qua đêm nhưng phải đăng ký trước hoặc mua tour. Phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt và nước ngọt tại đây hạn chế. Cù Lao Câu hiện còn là một trong các khu bảo tồn sinh vật biển tự nhiên, cũng là nơi lý tưởng cho các tín đồ đam mê lặn.

Ẩm thực

Lẩu thả

Lẩu thả đặc sản Bình Thuận. Ảnh: Làng Chài Xưa

Nguyên liệu chính của món ăn là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương, cá được trụng qua nước sôi và rửa sạch bằng nước chanh để khử tanh rồi tẩm ướp gia vị, xếp ra đĩa. Ngoài cá tươi, những nguyên liệu khác gồm trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo. Tất cả được cắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có bún và nước lèo nóng.

Lẩu thả có hai cách để thưởng thức. Đầu tiên, thực khách ăn cá mà không cần nhúng qua nước lèo, chỉ chan nước mắm đậu phộng, cho thêm bánh tráng nướng và trộn đều. Cách thứ hai dành cho những người muốn ăn chín. Trụng cá, múc nước lèo sôi vào tô, thêm các nguyên liệu khác rồi thưởng thức.

Cua mặt trăng

Cua mặt trăng trên đảo Phú Quý. Ảnh: Khang Ka

Đây là món ăn nhất định phải thử trên đảo Phú Quý và vùng ven biển thuộc huyện Tuy Phong. Cua mặt trăng ở trên lưng có nhiều hình tròn màu đỏ đậm, pha màu hồng tươi. Trước đây, cua mặt trăng có khá nhiều nhưng cua tự nhiên ngày càng hiếm nên muốn mua phải đặt trước. Thịt cua ngọt, dai và thơm, vỏ cua giòn, mềm, dùng răng cắn được. Cua thơm ngon nhất vào kỳ trăng mọc. Điều này hoàn toàn trái ngược với các loại cua khác, thịt thường xốp trong thời kỳ này.

Ngoài cua mặt trăng, cua huỳnh đế cũng là một đặc sản Tuy Phong, Phú Qúy.

Gỏi hải sản

Mũi Né nổi tiếng với gỏi cá và gỏi ốc giác. Gỏi cá được chế biến từ cá mai, cá suốt hay cá đục tươi ăn kèm rau sống, bún và nước chấm đặc biệt. Gỏi ốc giác có thành phần chính là thịt ốc giác thái lát nhỏ, thịt heo, rau, đậu phộng rang, hành phi trộn đều, chấm cùng nước mắm chua ngọt.

Dông

Là đặc sản của đồi cát Mũi Né, là loài bò sát có hình dáng giống thằn lằn nhưng kích thước lớn hơn. Dông cát sống trong hang, sáng ra đồi cát tìm ăn. Dông cát có khả năng nhịn uống nước lâu ngày, sinh trưởng tốt trong môi trường nắng nóng nên còn được gọi là vua đồi cát. Thịt dông trắng, ngọt, bùi và mềm. Một số món ngon được chế biến từ dông: nướng, hấp, chả, cháo...

Bánh hỏi

Bánh hỏi được làm từ bột gạo, qua nhiều công đoạn chế biến để tạo nên chiếc bánh kết từ những sợi trắng nhỏ, nhìn giống sợi bún. Bánh hỏi Phan Thiết sẽ ăn kèm lòng heo luộc. Khi thưởng thức, lòng heo được cuộn chung cùng bánh hỏi, bánh tráng, chấm nước chấm chua ngọt.

Tâm Anh

Cập nhật 28/5/2024, 08:24 (GMT+7)