Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/7 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga do Moskva đang tiến hành "cuộc chiến khí đốt" nhắm vào châu lục.
Theo giới quan sát, "cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và EU bắt đầu từ ngày 22/2, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đình chỉ dự án đường ống Nord Stream 2 để đáp trả Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
Dự án Nord Stream 2 từ lâu trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa Đức và các đồng minh là Mỹ và châu Âu. Họ lo ngại Nord Stream 2 sẽ khiến Đức càng thêm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ukraine cũng lo ngại mất nguồn thu từ trung chuyển khí đốt nếu Nord Stream 2, đường ống chạy thẳng từ Nga đến Đức qua biển Baltic, đi vào hoạt động.
Chỉ hai ngày sau, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Thông tin về cuộc chiến lập tức khiến giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng cao do lo ngại nguồn cung có thể bị cắt giảm.
Để đáp trả chiến dịch của Nga, EU ngày 3/3 tung loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, trong đó loại 7 ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Tuy nhiên, EU đã miễn trừ cho hai ngân hàng lớn của Nga có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực năng lượng, cho thấy mức độ phụ thuộc của một số quốc gia EU vào khí đốt Nga.
Moskva tiếp tục hứng thêm đòn giáng năng lượng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 cấm nhập khí đốt và dầu của Nga. Trong khi đó, EU thông báo sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập từ Nga và Anh cho biết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối năm nay.
Đây là thời kỳ đồng ruble của Nga giảm giá kỷ lục, buộc chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga phải có những biện pháp can thiệp quyết liệt. Vài tuần sau, đồng ruble hồi phục về mức trước chiến sự và Nga bắt đầu tung ra các đòn phản công khí đốt.
Ngày 23/3, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga sẽ tiếp tục bán khí đốt cho các quốc gia bị nước này coi là "thiếu thân thiện", song yêu cầu họ thanh toán bằng đồng ruble. Ủy ban châu Âu sau đó cảnh báo các thành viên EU rằng họ sẽ vi phạm lệnh trừng phạt với Nga nếu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 27/4 thông báo cắt khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì "không đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ thanh toán", động thái mà người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ trích là "hành vi tống tiền". Bà von der Leyen khi đó cho biết Bulgaria và Ba Lan đã nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU thay cho nguồn cung từ Nga.
Căng thẳng lên cao khi Nga ngày 21/5 tiếp tục cắt khí đốt sang Phần Lan, nước lúc đó chuẩn bị nộp đơn gia nhập NATO. Lý do Moskva đưa ra là quốc gia Bắc Âu từ chối thanh toán khí đốt bằng ruble. Hà Lan và Đan Mạch sau đó bị Nga cắt khí đốt với lý do tương tự.
Trước các động thái của Nga, EU cho phép các thành viên thanh toán hợp đồng khí đốt theo các điều khoản do phía Nga đưa ra, nhằm ngăn tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Tuy nhiên, Gazprom giữa tháng 6 thông báo giảm nguồn cung khí đốt hàng ngày tới Đức qua đường ống Nord Stream 1, từ 167 triệu m3 xuống 67 triệu m3, do tuabin khí gặp vấn đề kỹ thuật. Đức ngày 23/6 nâng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt khí đốt lên mức hai trong thang ba bậc, tiến gần hơn tới quyết định phân phối khí đốt theo định mức.
Tập đoàn Gazprom ngày 11/7 thông báo triển khai đợt bảo trì đường ống Nord Stream 1 trong 10 ngày, khiến lưu lượng khí đốt tới châu Âu tiếp tục giảm. Sau khi kết thúc đợt bảo dưỡng, Gazprom khôi phục dòng khí đốt, song cắt giảm 60% lượng hàng tới Đức do thiếu tuabin nén khí. Đức bác lý do Gazprom đưa ra và cho rằng Nga đang siết nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tập đoàn khí đốt Nga ngày 25/7 thông báo ngừng hoạt động thêm một tuabin tại trạm nén khí Portovaya thuộc hệ thống Nord Stream 1 theo hướng dẫn của các cơ quan giám sát, sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của thiết bị.
Quyết định sẽ khiến lưu lượng trên Nord Stream 1 từ 27/7 sẽ giảm xuống 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% tổng công suất của đường ống. Đức phản đối, tuyên bố "không có lý do kỹ thuật nào" cho quyết định của Gazprom.
Nhiều nước châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian ngừng cung cấp khí đốt để đáp trả loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, làm xáo trộn kế hoạch tích trữ cho mùa đông và đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt tại khu vực leo thang. Trong khi đó, Nga nói rằng họ là bên cung cấp đáng tin cậy, khẳng định các lệnh trừng phạt phương Tây là yếu tố gây ra vấn đề với nguồn cung đến châu Âu.
Trong bối cảnh "chiến tranh khí đốt" ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế sản phẩm từ Nga. EU và Azerbaijan ngày 18/7 ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt từ quốc gia ven biển Caspi. Ngoài ra, EU cũng tìm nguồn cung bù đắp từ Qatar, Na Uy và Algeria.
Ủy ban châu Âu ngày 20/7 kêu gọi các quốc gia EU giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% trong những tháng tới để đảm bảo dự trữ cho mùa đông. Ngoài ra, Mỹ đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)