Trong hoạt động thể thao, nhất là chạy bộ, nếu bạn cảm thấy khát đồng nghĩa với cơ thể đang mất nước. Tuy nhiên các chuyên gia trên Runner’s World cho rằng việc này không có nghĩa bạn phải bù một lượng nước để giải tỏa cơn khát, vì nếu uống quá nhiều sẽ gây các vấn đề nghiêm trọng như hạ natri, hôn mê... Điều quan trọng là mỗi người phải cân đối mức chất lỏng nạp vào tùy nhu cầu cá nhân, thời tiết và mùa trong thời điểm chạy.
Dù vậy, mất nước vẫn ảnh hưởng lớn đến runner, gây cảm giác mệt mỏi, giảm hiệu suất thi đấu. Chuyên gia sinh lý và thể dục của Đại học Georgia Southern (Mỹ) - ông Greg Grosicki - lưu ý mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong vì giảm 10-15% trọng lượng cơ thể, nhẹ hơn là ngất. Trên thực tế, trong giải vô địch Ironman châu Âu 2019 diễn ra tại Đức, VĐV điền kinh Sarah True đã ngất xỉu ngay trước vạch đích vì nắng nóng, mất nước dẫn đến kiệt sức.
Để tránh lâm vào tình trạng trên, bạn nên chú ý đến những dấu hiệu dưới đây, đặc biệt khi chạy vào trời nắng.
Đau đầu
Chuyên gia Grosicki cho biết mất nước khiến tế bào trong não co lại, gây những cơn đau âm ỷ, nhất là sau khi hoạt động tần suất cao hoặc uống nhiều rượu bia. Runner có thể thử uống một ít nước lọc trước khi dùng thuốc giảm đau đầu. Bạn cũng có thể thêm vào hỗn hợp đồ uống cung cấp chất điện giải để giảm thất thoát mồ hôi vì vận động.
Mất đi sự nhạy bén
Theo nghiên cứu công bố năm 2018, mất nước ảnh hưởng đến sự tập trung, chức năng điều hành và phối hợp vận động cơ thể. Các chuyên gia cũng cho rằng hiện tượng này có thể liên quan đến việc các tế bào não co lại, tương tự nguyên nhân của chứng đau đầu.
Nước tiểu màu sẫm
Khi quá nhiều nước bị thoát ra, thận sẽ cố gắng hấp thụ lại lượng đó vào cơ thể, dẫn đến màu nước tiểu đậm, cô đặc hơn. Dựa vào hiện tượng này, runner có thể kịp thời bổ sung chất lỏng trước khi để tình trạng mất nước quá nặng.
Khó khăn khi chạy ở tốc độ bình thường
Chạy với tốc độ ổn định đột nhiên giống như một "cuộc chiến" cũng là biểu hiện của việc mất nước. Thể tích chất lỏng mất đi làm thay đổi nồng độ thể tích máu, vì vậy tim cần phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy, dinh dưỡng cho cơ bắp. Khi đó nhịp tim sẽ tăng lên để theo kịp tốc độ bình thường, gây ra tình trạng mệt mỏi.
Nên theo dõi bằng thiết bị chuyên dụng, nếu tim tăng 15-20 nhịp khi chạy cùng quãng đường, vận tốc hoặc rơi vào uể oải, buồn ngủ... bạn cần xem lại việc cấp nước cho cơ thể.
Chuột rút
Mất nước làm thay đổi nồng độ chất điện giải trong cơ thể như natri và kali - những chất gây ra các cơn co thắt cơ. Ngoài ra, phá vỡ sự cân bằng điện giải, các cơ cũng phản ứng co lại gây ra chuột rút. Bạn cần nạp đủ chất lỏng trước khi chạy để tránh tình trạng khó chịu, ảnh hưởng đến thành tích chung cuộc.
Runner cần tính toán lượng nước vừa đủ, không quá nhiều, hoặc tham khảo cách bổ sung nước nhằm tìm ra cách thức hiệu quả cho tập luyện và thi đấu.
Tuệ Khương (Theo Runner’s World)
Người mê marathon có thể tham gia VnExpress Marathon Huế 2020 vào ngày 27/12. Các runner có cơ hội sải bước trên các cung đường đẹp, chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng. Đồng hành cùng giải chạy là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Muốn khám phá Thủ đô, bạn có thể tham gia giải chạy đêm quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội - VnExpress Marathon Hanoi Midnight, mang tới nhiều trải nghiệm độc đáo, khám phá nét đẹp, văn hóa khi về đêm của Hà Nội. Ngoài ra, runner có thể thúc đẩy bản thân rèn luyện mỗi ngày khi tham gia giải chạy ảo V-Race. Xem chi tiết tại đây. |