Đã thành thông lệ, cứ khi nào người thân ở quê nhà kể chuyện chuẩn bị Tết, trên nước Anh, vợ chồng ông chủ tiệm nail Vinh Lê lại bê đào, quất vào nhà trang trí rồi đóng cửa tiệm, ra siêu thị người Việt sắm Tết. Trong lúc vợ và hai con dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, anh Vinh ngâm gạo nếp, đãi đỗ xanh chuẩn bị gói bánh chưng, gói giò lụa, giò tai.
Năm nay anh gói 30 cái bánh chưng, 20 cái giò lụa vừa biếu bạn bè người Việt ở Anh, vừa làm cỗ cho gia đình.
Anh Vinh kể, năm 18 tuổi, lần đầu tiên đón Tết xa nhà giữa bốn hàng rào dây thép gai của một trại tị nạn ở Hong Kong. Đúng lúc giao thừa, nghe tiếng pháo nổ vang trời, tiếng người ta chúc tụng mừng năm mới, anh bật khóc như mưa. "Đó là kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi dặn mình khi rời khỏi đây, dù khó khăn cỡ nào, không được bỏ qua cái Tết quê nhà", Vinh Lê, 51 tuổi, nhớ lại.
Khi sang Anh định cư, anh làm đủ nghề kiếm sống, từ may, làm bếp, làm nail, kinh doanh... vì mong có một mùa xuân đủ đầy, một cái Tết đoàn tụ cho gia đình nhỏ của mình. Không để các con mất gốc và bù đắp cho khoảng trống trong tâm hồn, anh giữ nếp sinh hoạt như một gia đình Việt Nam, dù ở nước ngoài.
"Tôi cũng là người Việt tha hương nên rất ủng hộ những việc chồng làm. Không sống ở quê cha, nhưng các con, các cháu tôi đều rành văn hóa Việt Nam, nói và viết tiếng Việt rành rõ", chị Khanh Do, 45 tuổi, vợ anh Vinh nói.
Hồi mới sang Anh, hàng hóa, rau quả Việt rất hiếm. Thèm cơm Việt Nam, anh gọi điện nhờ người gửi hạt giống các loại rau muống, khoai lang, cải cúc... sang hoặc đặt mua trên mạng. Rau ít, anh ngâm cành vào nước cho ra rễ để trồng. Hiện tại, mùa hè, rau trong vườn nhà anh phong phú hơn ngoài chợ Việt truyền thống. Mâm cỗ Tết bây giờ, nhiều món anh chỉ việc ra vườn hái vào chế biến.
Muốn sắm đồ Tết, anh phải mua từ cửa hàng của Trung Quốc. Các món hình thức giống, nhưng thiếu vị quê hương. Về sau, anh Vinh tự lên mạng học làm mứt gừng, mứt dừa, mứt cà rốt và các món ăn cổ truyền. Nhớ cành đào chưng Tết, anh và cộng đồng người Việt phải mua cành nhỏ nhập từ Trung Quốc. Thấy cây mua đắt lại không đẹp, trong khi ở Anh cũng có loài hoa này, anh Vinh mua cây về trồng.
Mùa đông ở Anh, nhiệt độ thường xuống dưới 0 độ, đào thường phải cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới nở. Trong khi Tết Việt thường vào cuối tháng 1 tới giữa tháng 2. Hai năm liên tiếp, tưới kích thích ra hoa sớm, ngắt lá... anh vẫn không được ngắm hoa bung nở như ý.
Năm sau, trước Tết năm tuần, anh bê đào, mơ, mận, mai từ vườn vào nơi có mái che. Sau đó đưa vào nhà có nhiệt độ từ 10 đến15 độ C trở lên. Cây được đặt ở nơi có ánh sáng tự nhiên, thỉnh thoảng anh Vinh tưới bã chè cho đất có độ ẩm. Từ một thân cây như cành củi khô, hoa đua nhau nở đúng dịp Tết. "Tôi chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài biết. Nhờ vậy mà Tết đến, bà con có đào chơi Tết, chẳng cần phải đi mua", anh Vinh kể.
Vinh giữ thói quen cứ cuối năm Âm lịch lại biếu quà Tết cho bạn bè ở Anh như người Việt ở quê vẫn làm. "Ban đầu có người cười tôi vì bảo ở Tây chứ có ở quê đâu mà tặng. Nhưng tôi cứ kiên trì vì muốn anh em nghĩ đến cái Tết quê nhà nhiều hơn", anh Vinh nói.
Anh Đình Phạm, một người bạn của anh Vinh ở Anh cho biết, rất xúc động khi hơn 20 năm qua, năm nào cũng nhận được quà Tết là cặp bánh chưng, chai rượu từ Vinh Lê. "Tôi hơn cậu ấy gần chục tuổi, là một người hoài cổ và luôn hướng về quê hương, nhưng cũng phải bất ngờ vì tình cảm cậu dành cho đồng hương, cho văn hóa Việt", anh nói.
Đêm giao thừa, anh Vinh bật TV kênh Việt, cả gia đình bày cỗ có xôi, gà luộc, bánh chưng... Nén hương thắp lên, anh quỳ gối, hướng về bàn thờ gia tiên khấn vái. Cả nhà thụ lộc, chúc nhau năm mới và trao lì xì. Anh gọi về chúc Tết từng người thân ở quê qua điện thoại hoặc nhắn tin. Khi mạng xã hội ở Việt Nam phát triển, anh gọi nhóm cho cả họ để nhìn mặt, chúc từng người.
Những năm qua, Vinh Lê cùng những người Việt ở Anh tổ chức Lễ hội Tết Nguyên đán vào ngày chủ nhật đầu tiên của năm mới hàng năm để con cháu người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba được ăn Tết quê nhà. Ở đó, trẻ nhỏ được lì xì, tặng quà, xem múa lân, được thi hát, biểu diễn thời trang, ăn các món dân tộc.
Những ngày cận Tết, Vinh Lê sẽ bận rộn hơn khi ngoài công việc kinh doanh, còn lo hướng dẫn mọi người làm cỗ Tết, chuẩn bị lễ hội Tết Nguyên đán cho cộng đồng.
"Tôi chỉ mong năm mới có đủ sức khỏe, bình an để năm nào cũng đón một cái Tết trên đất anh như đang giữa quê nhà", anh xúc động.
Xem thêm những bức ảnh Tết của gia đình anh Vinh: