Thứ ba, 26/11/2024
Thứ sáu, 18/6/2021, 05:05 (GMT+7)

Vườn rau di động của người Việt trên đất Anh

Anh Vinh gọi vườn rau 300 m2 của mình là vườn di động, vì được trồng trong thùng, chậu để dễ dàng bê vào nhà khi mưa gió, rét buốt, nắng ấm lại bê ra.

Anh Lê Vinh sang Gloucester, Anh từ 25 năm trước. Lúc này, Việt Nam chưa hội nhập nhiều với thế giới nên hàng hóa, rau quả Việt rất hiếm. Nhớ quê, thèm đồ ăn Việt, người đàn ông học cách trồng các giống rau quen thuộc như ở nhà. "Tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho cộng động người Việt sống xa Tổ quốc tự trồng rau quê mình, ăn trên đất khách", anh nói.

Trong cả vườn, nhà để xe, sân gạch, tổng khoảng 300 m2, anh Vinh xếp hơn 400 chậu rau, quả, cây leo giàn, với hơn 100 loại khác nhau. Mùa hè, rau trong vườn nhà anh phong phú hơn ngoài chợ Việt truyền thống.

Ban đầu, anh ngâm cành vào nước cho ra rễ để trồng, rồi nhờ gửi hạt giống từ trong nước sang hoặc đặt mua trên mạng.

Lợi thế khi trồng cây trong chậu không đục lỗ là cây sạch sẽ, 100% nước tưới và dinh dưỡng cây đều được hưởng. Cái khó là ông chủ vườn phải căn nước tưới cho từng loại rau để đủ độ ẩm chứ không ướt quá.

Một năm ở Anh chỉ có hai tháng mùa hè, nhiệt độ không quá 30 độ C, ngày nóng nhưng đêm có thể lạnh và mưa. Vì vậy, toàn bộ rau Việt, anh phải ươm, gieo trong nhà hoặc nơi có mái che, đợi đủ ấm mới cho ra vườn. "Mình sẽ thay đổi vị trí từng chậu theo ánh sáng và độ ấm từng góc trong vườn. Như vậy thì 95% rau không có sâu bệnh và tươi tốt suốt bốn mùa", người đàn ông 51 tuổi, nói.

Anh Vinh cho biết, ở Việt Nam nắng nóng nên phải vất vả tưới và chăm bón, còn ở Anh khí hậu lạnh nhiều hơn nóng, đỡ công chăm. Tuy nhiên, làm nông nghiệp ở đâu cũng phải căn thời tiết và nhiệt độ để trồng từng loại rau cho phù hợp. Anh thường làm vườn vào các buổi tối và nguyên một ngày Chủ nhật.

Trồng rau trong thùng chậu để bê ra vào thuận tiện, nhưng cũng rất tốn công. Có lần xem dự báo thời tiết thấy báo có mưa đá và gió to, anh vội vàng bê cây vào. Sau khi đưa được cả trăm thùng, chậu vào, mưa đá chỉ vẻn vẹn có hơn một phút.

Anh Vinh bón phân cho từng loại rau, củ theo cách khác nhau. Nếu giống leo giàn và cây gốc to, anh cho phân xuống gốc trước khi trồng vào chậu và thỉnh thoảng tưới cho rau những loại phân bón an toàn cho sức khỏe.

Ông chủ vườn ủ phân bằng cách cho các loại rau, củ, quả vào thùng to để lên men quanh năm. Ít nhất mỗi tháng một lần, anh có thể bón vào gốc cây, pha nước tưới. "Rau trồng đúng mùa, đủ chất dinh dưỡng, đủ ngày tháng nên thơm, ngọt đậm, chuẩn hương vị Việt", anh nói.

Rau người đàn ông gốc Việt trồng chủ yếu phục vụ gia đình và người thân, không đủ bán dù nhiều người hỏi mua. Ông chủ vườn thường chia sẻ cách trồng, đặc biệt là ươm các loại giống cây khó trồng cho bạn bè trên mạng xã hội. Thỉnh thoảng, anh Vinh gửi hạt giống, cây giống tặng họ.

Ngoài rau, cây ăn trái thì đào và quất là hai loại không thể thiếu trong vườn nhà anh Vinh dịp Tết Nguyên đán. Anh trồng các cây này bằng cách ươm hạt hoặc mua cây bán sẵn. Anh Vinh có thể căn thời tiết để đưa cây vào nhà, giúp đào nở, quýt chín vàng đúng dịp Tết Nguyên đán.

Tự tay trồng, gia đình anh Vinh hài lòng và tự tin khi ăn rau. Làm vườn rau Việt, ông bố hai con cũng muốn nhắc mình không quên văn hóa Việt Nam, đặc biệt giúp các con, cháu - dẫu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn hiểu truyền thống và văn hóa của ông cha. "Thỉnh thoảng các con, cháu tôi hỏi sao lại trồng rau này, rau kia. Tôi giải thích với chúng món Việt thì phải kèm rau Việt mới hợp", anh kể.

Phạm Nga
Ảnh: Nhân vật cung cấp