Nói đến phong tục, tập quán Việt Nam trước tiên phải nói đến tác phẩm "An Nam phong tục sách" của Mai Viên Đoàn Triển. Ông sinh năm Tự Đức thứ 7 (1854) ở làng Hữu Châu, Tả Thanh Oai, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội). Ông thi đỗ Cử nhân năm 33 tuổi, làm quan năm 36 tuổi.
"An Nam phong tục sách" của Đoàn Triển được biên soạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong đó miêu tả cụ thể các lễ tết quan trọng; nhưng trong lễ cúng giao thừa không nhắc đến mâm lễ ngoài trời (ngoài sân hoặc trước cửa). Trong các thư tịch khác liên quan cũng không tìm thấy nguồn gốc của mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời.
Từ năm 2000 trở về trước, việc bày mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời rất hiếm thấy. Ở các vùng nông thôn, đô thị cấp tỉnh cho đến nay cũng không phổ biến việc bày mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời...
Vì vậy việc bày mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời ở một số đô thị lớn hiện nay là một phong tục mới, do đó không có tiêu chuẩn cụ thể về lễ vật trên mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời, tùy theo quan điểm của gia chủ mà bày biện. Các bước cúng giao thừa ngoài trời cũng tương tự.
Theo "An Nam phong tục sách" của Đoàn Triển: Ngày 23 tiễn Táo quân, ngày 30 rước Táo quân. Giao thừa cúng tế thần Hành khiển năm cũ và năm mới, gọi là "tống cựu nghênh tân" (tiễn thần Hành khiển năm cũ về trời, đón thấn Hành khiển năm mới tới).
Lịch pháp và Thần sát cho rằng mỗi năm có một vị Hành khiển cùng với bộ hạ là quan Hành binh và Phán quan được Ngọc hoàng cử xuống quản hạt trần gian. Theo đó, vào thời khắc giao thừa (chuyển giao giữa năm cũ và năm mới), các gia đình bày lễ cúng tế. Hành khiển gồm 12 vị, luân phiên thay nhau quản hạt trần gian mỗi vị một năm, ấn định theo con giáp. Sách Thông thư nêu rõ: tý Chu sửu Triệu, Ngụy vương Dần/ mão Trịnh thìn Sở tỵ Ngô nhân/ ngọ Tần mùi Tống, Tề vương thân/ dậu Lỗ tuất Việt, Lưu vương hợi. Nghĩa là năm tý Chu vương là quan Hành khiển, năm sửu Triệu vương Hành khiển, năm dân Ngụy vương Hành khiển... Các năm khác theo đó mà suy ra.
Lễ cúng giao thừa có thể tiến hành trong khoảng thời gian từ 23 giờ ngày 30 năm cũ đến trước 1 giờ ngày 1 năm mới.
Mâm lễ vật cúng giao thừa không cần cầu kỳ, sử dụng các vật phẩm đã chuẩn bị cho ngày tết. Cũng có thể chuẩn bị sẵn mâm cỗ riêng gồm gà luộc, giò chả, bánh chưng, gạo muối, hoa quả, bánh kẹo, rượu nước, trầu cau, vàng mã... Mâm lễ vật cúng giao thừa ngoài trời (nếu có) cũng chuẩn bị tương tự, không cần phân biệt nhiều hay ít, cốt yếu ở sự chân thành, cung kính.
Lời cúng giao thừa là lời khấn Nôm ngắn gọn, để mọi gia chủ đều có thể tự cúng. Quan trọng nhất là phải mời đúng tên các vị thần năm cũ và năm mới. Cụ thể, năm Tân Sửu 2021 (năm cũ) Triệu vương Hành khiển, Tam thập lục thương Hành binh, Khúc tào Phán quan. Năm Nhâm Dần 2022 (năm mới) Ngụy vương Hành khiển, Mộc tinh Hành binh, Tiêu tào Phán quan.
Tên các vị thần hàng năm có thể thay vào bài văn cúng giao thừa (mẫu) để đọc trong lễ cúng như sau:
Văn khấn Nôm cúng giao thừa năm Nhâm Dần 2022
Sắp lễ, thắp đèn (nến), thắp hương... xong, chắp tay cung kính hướng về mâm lễ, khấn:
- Nam vô A di đà phật! (3 lần)
- Kính lạy mười phương chư Phật, bồ tát. Kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần.
- Kính lạy các ngài: Cựu niên Hành khiển thái tuế chí đức tôn thần Triệu vương, Tam thập lục thương Hành binh chi thần, Khúc tào Phán quan. Tân niên Hành khiển Thái tuế chí đức tôn thần Ngụy vương, Mộc tinh Hành binh chi thần, Tiêu tào Phán quan. Bản cảnh Thành hoàng, Ngũ phương ngũ lộ Long mạch tài thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần. Bản gia Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân. Bản gia Thổ công. Bản gia chấp sự chư tôn thần.
Nhân thời khắc giao thừa năm Nhâm Dần 2022, tiến chủ là:............ Ngụ tại:............ thành tâm sắm sửa hương đăng, lễ vật dâng lên trước án.
Cung kính thỉnh mời chư vị tôn phật, tôn thần giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật, chứng minh công đức.
Giao thừa tống cựu nghênh tân. Năm cũ qua đi, năm mới đã đến, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Ngài Thái tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh, tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về chầu cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới tiếp quản thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc, phù hộ cho chúng con cùng lân lí bốn bên đều được nhân sự hưng long, vật sự tăng tiến, bình an khang thái.
Nguyện chư vị tôn thần tiếp dẫn chân linh gia tiên nội ngoại, thúc bá huynh đệ, cô di tỷ muội gia tộc chúng con được lai đáo gia trung cùng vui xuân đón tết.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám! (Lễ 3 vái)
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải