Ba năm nay, mỗi độ sang xuân, khu vườn của chị Trần Thị Quỳnh Diệp, giáo viên Ngữ văn ở huyện Nam Sách (Hải Dương) lại đón khách. Đặc biệt dịp Tết Nguyên Đán năm nay, khi tình hình dịch được kiểm soát, đã có cả trăm người đến vãn cảnh.
Vườn này vốn được người chồng đã khuất của chị Diệp một tay gây dựng để tặng vợ vào năm 2014. Khi đó, anh kỹ sư cầu đường quyết định nghỉ việc, đưa vợ con bỏ phố về quê, tiếp quản mảnh đất gần 7.000 m2 của gia đình. Trên đó anh trồng cây, đào ao, làm tiểu cảnh và dành khoảng 1.000 m2 trồng hoa hồng.
Từ lúc anh mất cách đây ba năm, hai mẹ con chị Diệp được nội ngoại, bạn bè, đồng nghiệp cùng xúm vào làm vườn. "Khi chăm vườn hoa này, tôi chỉ tâm niệm làm nốt những việc dang dở của anh, để làm đẹp khuôn viên nhà tôi, để thỏa đam mê", chị Diệp nói.
Với khí hậu Việt Nam, hoa hồng đặc biệt rực rỡ lúc giao mùa đông - xuân. Trung bình cứ 35 đến 55 ngày sẽ có một lứa hoa. Để chuẩn bị cho lứa hoa Tết, từ giữa tháng 11 âm lịch, chị Diệp lên kế hoạch cắt tỉa 500 gốc hồng do muốn hoa nở đồng loạt phải tỉa đồng loạt. Luôn kín lịch dạy từ sáng tới chiều tối, chị phải thu xếp để hoàn toàn rảnh hai ngày và nhờ một người bạn, một người em phụ giúp.
Một trong bí quyết cắt nhanh là cắt sâu cả cành, nhất là vườn hồng quế cánh đơn bị cắt trụi lủi. Kinh nghiệm này chị học từ chồng. "Nhớ lần đầu anh cắt trụi, tôi khóc bắt đền. Anh bảo khi cây cỗi, bệnh thì nên cắt cả thân to đi, giống như đổi đời cho cây. Không bao lâu sau cây khỏe, xanh tươi và không sâu bệnh nữa. Chồng mất, tôi thử cách của anh thì thấy cây cũng lên tốt y như vậy", chị kể.
Sau khi tỉa xong, chị Diệp phun một số thuốc phòng bệnh. Tiếp đó, dùng phân hữu cơ, thêm cả phân cá cho gốc bật mầm lên mạnh, dày nụ. Từ chỗ mọi việc chăm hoa đều do một tay chồng, nay chị Diệp làm mải mê, không quản cực nhọc. "Có lần tôi làm từ sáng sớm đến 13h30 mà không biết, không thấy đói. Đêm nào tỉa về cũng phải nhờ con trai khều gai trong ngón tay ra", chị chia sẻ.
Với khu trồng hoa cải và cánh bướm, từ cuối tháng 10 chị Diệp bắt đầu làm đất, lên luống. Gieo hạt xong, trong một tháng rưỡi tiếp theo, ngày nào tan dạy chị cũng chạy xe bảy cây số về nhà tưới, sau đó quay về nhà mẹ đẻ gần trường hơn để mai kịp giờ đi dạy. Mùa đông trời tối nhanh, chị phải làm gấp, thậm chí soi đèn để cắt tỉa, tưới tắm, bón phân.
Nhờ bàn tay của chị, hoa mọc nhanh, lên đều, mập mạp. Những vạt cải đã nở từ đầu tháng Chạp, những luống hoa cánh bướm cũng bung nở sau đó một tuần và hiện ở độ đẹp nhất. Vườn cánh bướm có tám luống với diện tích khoảng 150 m2, nhưng cùng với khuôn viên nhà, những rặng mít, bưởi và những xích đu, ghế trắng... nên trông mênh mông và có nhiều góc chụp hình đẹp mắt.
"Tôi hay xuống vườn của Diệp vì mê 'công viên' hoa hồng, giờ có thêm hoa cánh bướm nên càng thích thú. Tôi ngỡ ngàng vì chưa bao giờ thấy hoa cánh bướm nào đẹp đến vậy. Màu hoa tươi thắm, cánh hoa mỡ màng, dập dờn thơ mộng, đã đến đây là chẳng muốn về", chị Đỗ Thị Hồng, một đồng nghiệp của chị Diệp, chia sẻ.
Thế nhưng, một cơn giông hồi giữa tháng khiến cả vườn đổ rạp, cây mềm oặt, nhiều cây bật rễ khỏi nền đất nhão nhoét. Chị Diệp hỏi kinh nghiệm của nhiều người, thậm chí chở bà thím - người chị cho là có kinh nghiệm trồng trọt nhất - lên tận vườn để xin lời khuyên. Hai ngày tiếp theo, Diệp lụi cụi nâng từng gốc cây như người mẹ nâng con đứng dậy.
Sau vài ngày, vườn hồi phục 80% và đến nay lại vươn mình cứng cáp, rực rỡ như chưa từng có trận giông mưa hôm nọ. "Tôi chẳng biết mình làm những việc này vì gì nữa, chỉ biết dù thế nào cũng không đầu hàng, bỏ cuộc. Có những biến cố khủng khiếp trong đời còn vượt qua được thì chuyện cỏn con này có là gì", chị tâm sự.
Riêng vườn hồng hiện tại có 100 gốc hoa quế đỏ đang nở rộ. Các loại khác như tường vy, trắng, bạch xếp, bạch ho, đào cổ, điều cổ, cổ Sapa, cổ Hải Phòng... đang chớm nở. "Từ 28 đến khoảng mùng 5 Tết, vườn sẽ rực rỡ, hứa hẹn mọi người đến thăm sẽ cảm thấy lạc vào miền cổ tích", nữ giáo viên hào hứng nói.
Hiện tại, ngày nào cũng có người đến tham quan, chụp ảnh, hôm đông có đến cả chục nhóm. Ngoài bạn bè, đồng nghiệp và học sinh, cũng có rất nhiều bà con trong vùng, trong tỉnh, thậm chí ở tỉnh ngoài tìm về. Chị Diệp không kinh doanh nên không tính toán lượng người, miễn "mang lại niềm vui cho mọi người và nhà lúc nào cũng đông đúc, ấm áp là mẹ con tôi mãn nguyện".
Đáp lại tình yêu hoa và công sức của chủ nhà, đã có một số người để lại chút tiền tri ân và động viên chị lấy đó mua phân bón, hạt giống, tiếp tục mang vườn hoa đẹp đến mọi người.
Lúc nghe câu chuyện làm vườn cảm động của cô giáo Quỳnh Diệp, chị Trần Ngọc Mỹ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, ở Hải Phòng đã ghé thăm vườn. Từng đi rất nhiều các vườn hoa đẹp, nhưng vườn của Diệp để lại trong chị Mỹ một cảm xúc khác. "Khu vườn gắn với câu chuyện đời, mang tâm tư của người trồng, nên những bông hoa, cành lá đều rất có hồn", nhà thơ này chia sẻ.
Một số hình ảnh du khách ghé thăm vườn của chị Quỳnh Diệp dịp Tết.
Phan Dương