Ngày Tết hầu như mỗi gia đình ở miền Tây sông nước đều đặt một vài chậu mai trước sân nhà, như tín hiệu của mùa xuân đến. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thiện, 65 tuổi, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ trồng tới 50 gốc mai trong khuôn viên 500 m2. Những ngày cận Tết, cả vườn mai đồng loạt bung nở, tạo nên một không gian vàng ruộm, thu hút sự chú ý của người qua lại.
Ông Thiện yêu thích hoa mai và bắt đầu trồng cây đầu tiên 25 năm trước. Từ đó mỗi dịp xuân về ông lại mua vài cây đặt trước nhà. "Khoảng bảy năm trước, tôi mua nhiều mai hơn để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu", ông nói. Ông Thiện công tác tại một đơn vị hành chính của xã, nghỉ hưu ba năm trước.
Để chuẩn bị cho vụ mai, người trồng phải chăm sóc từ tháng Giêng, khi mới kết thúc vụ hoa. Lúc này, ông Thiện và vợ dành ra ba ngày cắt tỉa, bón phân hữu cơ, phun thuốc tự chế trị bệnh cho cây. "Mai đã vào chậu buộc phải tưới nước cách ngày, nếu không một khi chậu khô quá, tưới nước vào sẽ bung đọt non, bung lộc và nở hoa sớm", ông Thiện chia sẻ.
Bí quyết thứ hai là cho cây nở hai lần trong năm. Lần đầu vào mùng 5/5. "Nếu không cho nở lần này hoa rất dễ 'trổ bậy', thường tháng 11 đã nở mất rồi", ông tiết lộ. Sau vụ này, người trồng mai phải tiếp tục cắt tỉa, dưỡng cây.
Tới rằm tháng Chạp, vườn mai của ông Thiện được chuẩn bị cho vụ Tết. Tùy từng cây, nếu nụ còn non, lá non, có thể nhặt lá trước 20 ngày. Nếu lá già, nụ lớn, chỉ cần nhặt trước 12 ngày. Để hoa ra đồng loạt, vợ chồng ông Thiện phải thuê thêm một người, nhặt lá liên tiếp trong hai ngày.
Khác với một số người thích mai trổ hoa đúng mùng 1 Tết, ông Thiện lại thích nhà có không khí sớm nên bắt đầu cho nở từ 23 tháng Chạp. "Những ngày này hoa trên cây, cánh rụng xuống đất, tạo ra một bức tranh óng ả, rất bắt mắt", ông nói.
Vườn hiện có một cây mai 25 tuổi, tán tròn, hoa năm cánh đơn, dạng chùm, đã được thương lái trả 500 triệu đồng. Hơn 40 cây khác đến từ nhiều giống như mai giảo Thủ Đức 10-12 cánh, nở thành chùm dày, sai bông; mai đại lộc, một giống đột biến ở Cần Thơ có từ 24 cánh trở lên và mai cúc bi Bình Định, loại có 50-60 cánh. Cả vườn mai nhà ông ước tính trị giá vài tỷ đồng.
Mặc dù các năm qua thường xuyên có thương lái muốn mua cây, song ông Thiện không bán. Đối với ông, vườn mai là của để dành cho hai vợ chồng tìm niềm vui tuổi già. Trước năm mới, ông thường cho phép con cháu mượn vài chậu về nhà chơi, sau đó trả lại cho ông chăm sóc. "Nhà tôi chỉ cần có vườn mai trước và sau nhà, thêm vài đòn bánh Tét, chả giò là thấy Tết rồi", ông Thiện cười nói.
Anh Nguyễn Thiện Chí, con trai ông Thiện, làm việc ở TP HCM chia sẻ, mỗi lúc cha mẹ gửi hình ảnh vườn mai là trong lòng như có tiếng thúc giục nhanh nhanh trở về. "Vườn mai như hội hoa xuân đối với gia đình mình. Tết đến, cả nhà không cần đi hội hoa, chỉ cần ra sân là có cả mùa xuân rồi", Thiện Chí, một nhiếp ảnh gia, chia sẻ.
Những năm gần đây, vườn mai của gia đình còn là địa điểm chụp hình của bà con hàng xóm, ai đi ngang cũng phải dừng lại ngắm nhìn. Đối với gia đình ngày đầu xuân, chẳng còn niềm vui nào hơn khi thấy khuôn mặt ai cũng rạng rỡ lúc nhìn vào vườn hoa nhà mình.
Xem thêm ảnh:
Phan Dương