Sau hàng tuần trời săn vé, cuối cùng tôi cũng đã mua được vé đi xem Đào, phở và piano. Dù chỉ là suất chiếu nửa đêm và vị trí ghế không thật sự như ý, nhưng những trải nghiệm mà tôi nhận lại sau 100 phút xem phim thật sự xứng đáng. Nếu bạn có đọc trước những đánh giá về bộ phim này hay từng đi xem, có lẽ bạn cũng thấy phần kỹ xảo sơ sài và nhịp phim quá nhanh là điểm trừ không nhỏ. Nhưng với tôi, những hạn chế đó chẳng thấm vào đâu so với cách mà bộ phim đã tái hiện lại sự đau thương mà chiến tranh mang tới.
Khi nhìn cảnh bom rơi tàn phá Hà Nội, nhìn cảnh người dân phải sử dụng tất cả những gì còn lại trong nhà để dựng lên chiến lũy, tôi tự hỏi vì sao họ có thể sinh tồn trong một điều kiện sống khắc nghiệt như vậy? Chưa kể chỉ với đúng một y tá, những thương binh làm sao có thể chịu đựng những vết thương kinh khủng như vậy? Bộ phim đã khắc họa lại sự khắc nghiệt của chiến tranh một cách quá chân thực đến nỗi tôi chưa bao giờ tưởng tượng tới.
Về phần xây dựng nhân vật, tất cả nhân vật trong phim đều nổi bật lên tinh thần bất khuất, không đầu hàng trước súng đạn của kẻ thù. Và theo tôi, đó chính là giá trị lớn nhất của tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sản xuất này. Đó chính là điều khiến cho bộ phim này đi sâu vào lòng người như vậy trong suốt thời gian qua.
"Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất nước" - tôi đã học và phân tích bài thơ Đất nước có lẽ từ gần 20 năm trước, nhưng bây giờ mới thật sự hiểu ý nghĩa của hai câu thơ này. Khi toàn bộ đơn vị chuyển lên chiến khu, vẫn có những con người quyết định bám trụ ở lại Hà Nội: anh dân quân bị đồng đội gán cái mác vô dụng, phản bội; nàng tiểu thư đài các dũng cảm; cậu bé đánh giày tràn đầy niềm kiêu hãnh dân tộc; bác họa sĩ; ông bán phở; linh mục...
>> Vui ít, buồn nhiều từ chuyện TikToker 'hồi sinh Đào, phở và piano'
Tất cả những con người ấy dù vô tình hay hữu ý đã chọn bám trụ lại với Hà Nội dù chờ đợi họ vào ngày mai là cái chết được định sẵn. Họ đã ở đó, đã chiến đấu, đã nằm xuống với tinh thần bất khuất. Họ không thể rời bỏ chiến địa khi mà biết bao đồng bào đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù. Lịch sử không ghi danh họ, không ai nhớ tới họ nhưng sự kiên cường, bất khuất của họ đã định hình nên đất nước Việt Nam có thể nhỏ bé nhưng không hề chùn bước trước sức mạnh áp đảo của kẻ thù.
Và dù không rơi nước mắt nhưng tôi vẫn thấy nổi da gà trước pha hành động ở cuối phim. Đó là cái kết thật sự bi tráng cho một bản anh hùng ca về những con người vô danh. Và ở trong màn giới thiệu diễn viên ở cuối phim, đạo diễn đã không để tên nhân vật mà chỉ ghi những cái tên rất chung như "Cô gái, chàng trai". Vì với phần đông, họ chỉ là những con người vô danh nhưng cái chất anh hùng vẫn nằm sâu bên trong tâm hồn của họ.
Bộ phim không khai thác về những người anh hùng được ca tụng mà nói về những con người vô danh đã định hình nên đất nước. Theo tôi, đó là một góc nhìn rất mới, rất sáng tạo của đạo diễn. Chưa từng có một bộ phim Việt do Nhà nước sản xuất nào khiến tôi đọng lại vô vàn cảm xúc như Đào, phở và piano. Nó cũng cho tôi nhiều niềm tin hơn vào dòng phim lịch sử của nước nhà. Và có lẽ tôi cũng cần phải cảm ơn các bạn TikToker đã quảng bá, khiến cho bộ phim này trở nên "viral", để tôi và nhiều người trẻ khác có được trải nghiệm tuyệt vời về quá khứ hào hùng của dân tộc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.