Bắt nguồn từ chia sẻ của một TikToker chuyên về đề tài lịch sử, giới thiệu về Đào, phở và piano, bộ phim điện ảnh được Nhà nước đặt hàng này bỗng trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội và câu chuyện "cháy vé" những ngày qua đã khiến chúng ta cảm thấy vui vì công chúng, trong đó có bộ phận không nhỏ giới trẻ vẫn luôn quan tâm đến lịch sử dân tộc, nếu nó thực sự chạm đến cảm xúc, trái tim của khán giả.
Thậm chí, nhìn các khán giả phía Nam cũng xếp hàng dài tại các cụm rạp để được xem phim, dù đó là tác phẩm đề cập đến lịch sử của Hà Nội, điều đó khiến tôi càng cảm thấy ấm lòng hơn. Tuy nhiên, đối với tôi, vui thì có vui, nhưng buồn và trăn trở còn nhiều hơn bội phần.
Việc xây dựng ngành Công nghiệp văn hóa mà chúng ta hướng tới thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cơ bản là vẫn loay hoay, chưa có hướng đi cụ thể cho từng lĩnh vực. Qua câu chuyện "viral" phim Đào, phở, piano, phải chăng đã có một vài câu trả lời cho những người làm quản lý văn hóa?
Chúng ta cứ hô hào cần sự đổi mới, sáng tạo để có một ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đem lại nhiều giá trị, trong đó có giá trị kinh tế, nhưng buồn nhất là chính các nhà làm văn hóa lại lúng túng, thiếu sáng tạo, thiếu đổi mới về tư duy và cách làm.
20 tỷ đồng ngân sách cho một bộ phim Nhà nước đặt hàng, nhưng đích đến ban đầu là giá trị lưu trữ điện ảnh về lịch sử (tức là làm xong rồi chiếu tượng trưng rồi lưu kho) chứ không phải là giá trị văn hóa được lan tỏa, giá trị hướng tới lợi ích kinh tế như các tác phẩm điện ảnh khác của tư nhân (được truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, có chiến lược, chiến dịch rõ ràng để công chúng biết đến).
Ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... điện ảnh chính là một trong những lĩnh vực rất quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Họ có sự kết hợp rất tốt giữa chính phủ với việc xã hội hóa từ doanh nghiệp và các cá nhân. Họ tạo ra một ngành công nghiệp sáng tạo thực sự và đem lại nguồn lợi từ kinh tế rất lớn. Đồng thời, qua điện ảnh, họ đã quảng bá được văn hóa, lịch sử quốc gia.
Còn ở Việt Nam, thời gian qua, giá trị lan tỏa văn hóa, lịch sử, giá trị kinh tế đóng góp cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo dường như đang do các tác phẩm điện ảnh tư nhân đóng góp là chính. Bằng chứng là phim chiếu rạp với tỷ lệ người xem phim Nhà nước sản xuất rất thấp. Và nếu để ý kỹ các lĩnh vực trong 12 lĩnh vực công nghiệp, văn hóa khác (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang; nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) thì vai trò của các đơn vị Nhà nước làm về văn hóa cũng khá mờ nhạt.
Nói đúng ra, để đạt được mục tiêu công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đóng góp khoảng 3% GDP cả nước thời gian qua, hầu hết đóng góp đấy đến từ lĩnh vực du lịch văn hóa, chứ với các lĩnh vực còn lại, đóng góp rất thấp dù đã rất nỗ lực vì chúng ta chưa có một ngành công nghiệp văn hóa thực sự.
Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa lấy văn hóa, nghệ thuật là nội hàm, bản sắc văn hóa làm nền tảng cho mỗi quốc gia. Song, quá trình tạo thành sản phẩm công nghiệp văn hóa lại không chỉ là câu chuyện đơn thuần của việc phát triển văn hóa, nghệ thuật, mà còn là một tổ hợp công nghệ tạo dựng ngành công nghiệp văn hóa thực thụ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế.
Nó không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, bảo tồn, phát huy như văn hóa, nghệ thuật đơn thuần, mà đó là một chuỗi liên kết rất lớn, rất quy mô, là một quy trình từ sáng tạo sản phẩm, sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.
Hay nói cách khác, sự hình thành công nghiệp văn hóa như là hình thành một chuỗi giá trị trong công nghiệp văn hóa, đó là bắt đầu từ việc sáng tạo tạo ra sản phẩm đầu vào về văn hóa nghệ thuật, cho đến quy trình sản xuất chuyên nghiệp, bán, phân phối và khuếch trương, xúc tiến, quảng bá sản phẩm đó để đến tay người tiêu dùng cuối cùng chính là công chúng hưởng thụ sản phẩm sáng tạo đó và sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm đó.
>> 'Đào, phở và piano' thành công vì dám bước vào cuộc chơi mạng xã hội
Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có 4 yếu tố nhận diện gồm: Tính sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Về bản chất, chính chúng ta đang nói tới một nền công nghiệp văn hóa được gọi tên mà chưa định hình bởi Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp văn hóa thực sự, chưa có một đội ngũ chuyên gia về công nghiệp văn hóa thực sự.
Vì vậy, từ câu chuyện Đào, phở và piano trong một mùa phim Tết mà phim Mai của Trấn Thành ghi dấu ấn đậm nét, nó như một bức tranh tương phản: vui vì các tổ chức, cá nhân tư nhân đã và đang ngày đêm nỗ lực đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, điện ảnh Việt Nam nói riêng; vui vì giới trẻ vẫn luôn quan tâm đến lịch sử, phim Nhà nước sản xuất nếu đó là sản phẩm chất lượng; nhưng cũng trăn trở vì nếu không có một TikToker review, lan tỏa Đào, phở và piano thì đến nay, có thể hầu hết người Việt sẽ không biết tên bộ phim này; buồn vì người ta cứ ra rả cần có ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa thực sự, nhưng dường như vẫn chỉ là câu chuyện sáng tạo của đa phần là các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân là chính.
Tôi cho rằng, những người làm văn hóa nên có một bức thư cảm ơn tới bạn TikToker đã góp phần quan trọng để lan tỏa bộ phim này, và giúp chúng ta nhận ra nhiều điều; giúp giới trẻ, công chúng yêu lịch sử nước nhà hơn. Từ hành động rất thông thường ấy, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng cần nhìn nhận lại để làm tốt hơn.
Giản đơn nhất là khi duyệt kinh phí, một bộ phim đặt hàng nên có cả kinh phí làm trailer (Đào, phở và piano khi trở nên sốt xình xịch thì mới có một trailer được làm vội vã chứ trước đó còn không có hạng mục kinh phí này), để làm truyền thông, quảng bá và cả thống nhất quy định về câu chuyện cơ chế với các phân chia tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành khi đưa phim đến các rạp trên cả nước. Để sau này, mỗi bộ phim Nhà nước phát hành sẽ phải có đích đến là rạp chiếu trên cả nước, chứ không chỉ là lưu kho cất trữ.
Trong du lịch, cũng có những bạn trẻ làm YouTuber, làm TikToker góp phần rất lớn cho nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến du lịch Việt Nam. Chúng ta cũng nên có những động viên, khích lệ kịp thời. Điều này cũng cần nhân rộng trong các ngành, lĩnh vực khác nữa.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói, để có một ngành công nghiệp văn hóa thực thụ thì không dễ, nhưng thực ra công nghiệp văn hóa không cứ phải bắt đầu từ những điều gì to tát. Nó chỉ cần bắt đầu từ những sự đam mê, sáng tạo giản đơn của mỗi chúng ta, của những bạn trẻ, từ cuộc sống hàng ngày, nếu chạm đúng điểm cần chạm thì ắt nó sẽ lan tỏa và phát triển.
PGS.TS Nguyễn Đức Thắng hiện là Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á.