Phòng vé Việt bội thu với điểm nhấn Em chưa 18
Theo ước tính của nhà phát hành CGV, tổng doanh thu phòng vé năm nay của Việt Nam là 3.250 tỷ, cao nhất lịch sử màn ảnh Việt, tăng 16% so với năm 2016 (2.800 tỷ). Trong đó, phim Việt chiếm 25% doanh thu. Em chưa 18 - ra mắt hồi tháng 4 - trở thành phim ăn khách nhất lịch sử màn ảnh Việt (171 tỷ). Tác phẩm kể về chuyện tình của một nữ sinh (Kaity Nguyễn đóng) với gã tay chơi (Kiều Minh Tuấn đóng). Kịch bản được khen ngợi với nét hiện đại, mang đậm dấu ấn phương Tây.
* "Em chưa 18" gây sốt năm 2017
Thành tích ở phòng vé của Em chưa 18 chứng tỏ tiềm năng lớn của khán giả Việt, nhất là đối tượng giới trẻ vốn luôn "khát" những phim hay đề tài học đường, tình yêu. Bộ phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng ăn khách mà không cần đến sự góp mặt của ngôi sao nào. Ở thời điểm công chiếu, Kaity Nguyễn là gương mặt ít tiếng tăm, còn Kiều Minh Tuấn dù tham gia làng điện ảnh nhiều năm nhưng chỉ đóng vai phụ.
Doanh thu của phim khiến Lê Thanh Sơn lấy lại niềm tin rằng khán giả Việt sẽ không quay lưng với các tác phẩm chất lượng. Theo anh, đây chưa phải phim xuất sắc nhưng thành công nhờ sự chỉn chu so với mặt bằng chung, câu chuyện tươi mới, thổi làn gió lạ vào điện ảnh Việt. Một số phim Việt khác cũng đạt doanh thu cao trong năm nay như Cô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn và Mẹ chồng. Về thị trường năm 2018, Lê Thanh Sơn cho rằng dòng phim hành động, kinh dị sẽ xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh Việt, bởi phim tình cảm pha hài đã đạt đỉnh trong năm 2017.
Công chiếu Kong: Skull Island - bom tấn quay phần lớn ở Việt Nam
Hồi tháng 3, việc ra mắt tác phẩm của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được xem là sự kiện văn hóa mang tầm vóc quốc gia. Tác phẩm được quay từ năm 2016 có hơn 70% bối cảnh ở Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên một bom tấn có kinh phí hơn 100 triệu USD của Hollywood đến Việt Nam ghi hình.
* Trailer "Kong: Skull Island"
Từ lúc quay phim đến lúc công chiếu, dự án luôn thu hút sự quan tâm lớn của người dân cũng như các bộ ngành. Khi Kong: Skull Island ra mắt, nhiều người Việt Nam ít quan tâm đến phim ảnh cũng đổ xô đến rạp để chứng kiến cảnh đẹp Ninh Bình, Quảng Bình và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trên màn ảnh, cùng sự xuất hiện của một vài người Việt trong vai thổ dân.
Kong: Skull Island còn khai phá hướng đi mới cho ngành du lịch Việt: quảng bá cảnh đẹp qua phim ảnh. Đây là chính sách được Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan theo đuổi từ hàng chục năm nay, nhưng vẫn chưa được chú trọng ở Việt Nam.
Sau Kong: Skull Island, chính phủ có một số động thái tích cực như phục dựng làng thổ dân ở Ninh Bình làm khu du lịch, đề ra chính sách khuyến khích các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam ghi hình. Jordan Vogt-Roberts được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020. Đạo diễn sinh năm 1984 là người yêu quý Việt Nam, nhiều lần ca ngợi cảnh đẹp Việt trên các báo Âu Mỹ.
Sau khi nhận chức, anh có nhiều hoạt động như dẫn các nhà làm phim Hollwyood đến xem bối cảnh Việt, tổ chức học bổng và chấm thi phim ngắn. Tuy nhiên, sau khi bị đánh ở TP HCM ngày 9/9, Jordan Vogt-Roberts đã về nước và hiện vẫn chưa trở lại Việt Nam.
Bông Sen Vàng tôn vinh giá trị mới
Từ ngày 24-28/11, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 diễn ra ở Đà Nẵng. Giải cao nhất - Bông Sen Vàng cho "Phim xuất sắc" - thuộc về Em chưa 18, tác phẩm đồng thời là phim ăn khách nhất năm. Thành công này phản ánh bước chuyển mình của liên hoan phim năm nay: trẻ trung và giàu tính giải trí hơn. Lần đầu tiên, sự kiện do Cục Điện ảnh tổ chức không có phim nhà nước ở hạng mục phim truyện.
* Đạo diễn Lê Thanh Sơn và Kaity Nguyễn nhận giải
Tất cả phim dự thi đều do tư nhân sản xuất, được phát hành rộng rãi với chiến lược quảng bá bài bản. Đạo diễn Đặng Nhật Minh - trưởng ban giám khảo - nhận xét: "Trong 16 phim tranh giải, đa số là phim giải trí dành cho thanh niên hoặc tuổi mới lớn. Bây giờ, phim chủ yếu phản ánh cuộc sống của họ". Chất trẻ trung của liên hoan phim còn được thể hiện qua giải các giải dành cho nữ diễn viên chính và phụ, lần lượt được trao cho hot girl 18 tuổi Kaity Nguyễn và bé 9 tuổi Hà Mi (Cô gái đến từ hôm qua).
Đạo diễn Lê Thanh Sơn nói chiến thắng của Em chưa 18 là tín hiệu đáng mừng, khiến giới làm phim tư nhân quan tâm hơn đến các giải thưởng vốn trước đây nghiêng về phim chính luận của nhà nước. Tuy nhiên, một số khán giả không hài lòng với kết quả của Liên hoan phim Việt Nam. Độc giả Hoàng Lê cho rằng ban giám khảo còn bất cập khi vinh danh phim giải trí, thay vì Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư - hai trong số những phim nghệ thuật chất lượng gần đây.
Cùng ý kiến, độc giả Yến Trần cho rằng các giải thưởng điện ảnh phải là nơi định hướng thẩm mỹ của công chúng, các nhà chuyên môn phải đánh giá đúng mức giá trị của những phim có ý nghĩa xã hội. Giải "Đạo diễn xuất sắc" cho Vũ Ngọc Đãng (Hot boy nổi loạn 2) và "Nam diễn viên chính xuất sắc" cho Quý Bình (Bao giờ có yêu nhau) cũng chưa thuyết phục.
Hãng phim truyện Việt Nam lao đao sau cổ phần hóa
Phản ánh rõ nhất sự xuống dốc của điện ảnh nhà nước trong năm qua là những lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam. Được thành lập năm 1953, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch là lá cờ đầu trong điện ảnh cách mạng, có quá khứ vàng son với nhiều phim gây tiếng vang. Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của Hãng Phim truyện Việt Nam liên tục thua lỗ, khiến hãng phải cổ phần hóa.
Sau khi công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất mua lại đơn vị hồi tháng 6, nội bộ hãng nổ ra nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm phim, khuất tất trong kinh doanh, ứng xử thiếu văn hóa của ban lãnh đạo mới. Trong khi đó, ban lãnh đạo - đại diện là ông Nguyễn Thủy Nguyên - khẳng định có kế hoạch phát triển đơn vị và đổ cho nghệ sĩ khiến hãng phim thua lỗ trầm trọng nhiều năm qua.
Ngày 13/10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố quyết định thanh tra Hãng Phim truyện Việt Nam. Đang trong quá trình thanh tra, nhiều lùm xùm khác tiếp tục diễn ra như chuyện nghệ sĩ phản ứng lắp máy vân tay để chấm công, ban lãnh đạo muốn bán đấu giá tài sản...
* Diễn viên Quốc Tuấn bức xúc khi chủ hãng bảo "không biết gì về phim"
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện của một đơn vị, sự việc của Hãng Phim truyện Việt Nam còn đặt ra nhiều câu hỏi về cách ứng xử với văn hóa, buổi giao thời giữa các giá trị cũ và mới, hướng đi lâu dài của điện ảnh Nhà nước, cũng như vai trò quản lý của cơ quan chính phủ để "giữ lửa" cho dòng phim chính luận.
Năm đầu áp dụng bảng phân loại mới về phổ biến phim theo lứa tuổi
Từ 1/1/2017, Việt Nam áp dụng Bảng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi gồm bốn mức: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ thô tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh. Trước đây, phim Việt chỉ có hai mức là phổ thông và cấm người dưới 16 tuổi.
* "Đảo của dân ngụ cư" mang nhãn 18+ với nhiều hình ảnh nhạy cảm
Trong 37 phim Việt ra mắt năm nay, có ba tác phẩm dán nhãn 18+ là Hot boy nổi loạn 2, Lô tô và Đảo của dân ngụ cư. Hot boy nổi loạn 2 tiếp nối câu chuyện phần trước, xoay quanh một chàng trai hành nghề mại dâm nam, Lô tô kể về một gánh biểu diễn của những người đồng tính, chuyển giới, còn phim do Hồng Ánh đạo diễn có nội dung gai góc về tình dục và bạo lực. Nhiều phim khác có tình tiết nhạy cảm như Mẹ chồng, Lời nguyền gia tộc, S.O.S Sói trắng chỉ dừng ở mức 16+.
Nhãn 18+ được đánh giá là bước tiến mới, giúp phim tránh bị cắt xén khi ra rạp. Trước đây, với mức phân loại cao nhất là 16+, nhiều tác phẩm như Bi, đừng sợ, Huyền thoại bất tử và Lấy chồng người ta bị kiểm duyệt nhiều cảnh, khiến câu chuyện chưa tròn trịa. Theo Lương Mạnh Hải - diễn viên chính kiêm nhà sản xuất Hot boy nổi loạn 2, bảng phân loại mới giúp giới làm phim tự tin hơn trong sáng tạo nghệ thuật. "Tôi cảm ơn Cục Điện ảnh với hệ thống mới, qua đó giúp phim của tôi ra rạp nguyên vẹn. Nếu dùng hệ thống cũ, có thể phim phải bỏ vài cảnh và không diễn đạt trọn vẹn nội dung", anh nói.
Các phim nước ngoài nhập về Việt Nam cũng được xếp theo bảng phân loại mới. Nửa đầu năm, công tác kiểm duyệt gây tranh cãi với việc Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2 có nhiều cảnh bạo lực nhưng được dán nhãn P cho mọi lứa tuổi, còn Fifty Shades Darker và Logan đã dán nhãn C18 nhưng vẫn bị cắt một số cảnh.
Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - giải thích về trường hợp Fifty Shades Darker: "Ở Việt Nam, Hội đồng đã thẩm định kỹ lưỡng và buộc phải yêu cầu nhà phát hành lược bỏ những cảnh phim mang tính khiêu dâm, vì nó vi phạm Luật Điện ảnh. Cái gì mới thực hiện cũng có thể có một vài điểm chuệch choạc". Trong nửa năm sau, việc phân loại diễn ra chặt chẽ hơn và không có sự cố nào gây bàn tán.
* Xem tiếp
Ân Nguyễn