Chiều 19/9, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (trước là Hãng Phim truyện Việt Nam) tổ chức cuộc họp trả lời bức xúc của các nghệ sĩ về tình hình hãng sau khi cổ phần hóa.
Cuộc họp diễn ra trong không khí căng thẳng ngay từ đầu. Ông Nguyễn Danh Thắng - chủ tịch Hội đồng quản trị - hai lần yêu cầu mọi người ghi câu hỏi ra giấy. Tuy nhiên, các nghệ sĩ phản đối đề nghị này và muốn trực tiếp đối thoại. Họ cũng cho rằng ông Thắng không đủ thẩm quyền trả lời một số câu hỏi và kiên quyết đợi ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch công ty vận tải thủy Vivaso (đơn vị mua lại Hãng Phim truyện Việt Nam). 40 phút sau giờ hẹn, ông Nguyên mới có mặt.
Các nghệ sĩ và ban lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi về định hướng làm phim, nhưng cuối cùng chưa thống nhất được cách làm việc.
Ông Nguyên nói: "Chúng tôi kinh doanh nhiều lĩnh vực, phim ảnh chỉ là một phần. Hôm nay điện ảnh có thể ăn khách và trở thành chiến lược, ngày mai chỉ là ngành phụ. Giờ là thời kỳ khó khăn của điện ảnh Việt Nam. Nhà nước rót kinh phí eo hẹp, các anh mạnh về dòng phim chiến tranh nhưng giờ thể loại này không có khán giả". Ông đưa ra dẫn chứng năm 2015 hãng lỗ hơn 7 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 11 tỷ, nửa năm đầu 2017 lỗ 4,7 tỷ. Phim Sống cùng lịch sử (2014) có kinh phí 21 tỷ nhưng ế ẩm ở phòng vé.
Chủ tịch chia sẻ đơn vị có kế hoạch dài hơi về hạ tầng, xây các rạp chiếu, làm phim thương mại về các chủ đề được khán giả quan tâm và thậm chí mời đạo diễn, diễn viên nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng các nghệ sĩ phải cùng đi tìm việc chứ không chỉ có ban lãnh đạo. Nếu chưa có dự án lớn, các nghệ sĩ có thể đi quay phim ở làng xã, viết kịch bản thuê cho các nơi.
Ông Nguyên thừa nhận Vivaso là công ty đường thủy, không có kinh nghiệm làm phim: "Chúng tôi vẫn chưa có giám đốc, rất cần một lãnh đạo biết nghề, có kiến thức để phát triển. Chúng tôi mới tiếp quản có hai tháng thì chưa có định hướng lẫn lộ trình phát triển rõ ràng". Trước đó, chủ tịch cho rằng các nghệ sĩ qua mặt ông, tự tổ chức hội đồng bàn về kịch bản và quyết định luôn.
Trước bức xúc của đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Xuân Thành rằng đã gửi ba kịch bản nhưng không được hồi âm, ông Nguyên nói lúc đó đang đi nước ngoài và không nghe máy vì "cước phí lên đến 6.000 đồng một phút".
Về việc chậm lương, trả lương thấp, ông Nguyên nêu nguyên tắc của công ty là có làm mới hưởng. "Một số đối tượng cứ xem mình là nghệ sĩ, nhưng nhiều năm qua không có sản phẩm gì mà vẫn được hưởng lương và bảo hiểm xã hội. Nhiều người không làm gì vẫn được đóng bảo hiểm và chính họ là những người góp phần làm hãng phim nợ mấy chục tỷ", ông nói.
Phát biểu này bị đạo diễn Trần Chí Thành phản ứng gay gắt. Ông Thành cho biết đó là do cơ chế cũ, các nghệ sĩ chính vì muốn thay đổi điều đó nên mới cần cổ phần hóa. Sau đó, ông Nguyên đề nghị có hai kiểu trả lương là qua giờ làm và qua sản phẩm. "Nếu chưa có việc, nhân viên chỉ cần đến hãng đủ giờ sẽ được trả lương. Nếu không, họ phải giao thành quả mới có tiền. Ai muốn kiểu nào thì đăng ký cụ thể với chúng tôi", ông nói.
Tuy nhiên, anh Vũ Quốc Tuấn - quay phim lâu năm tại hãng - bức xúc: "Cả tổ tôi có mặt đủ nhưng người thì nhận một triệu, người chưa nhận lương". Ông Nguyên cho biết đây là lương tạm ứng, nhưng không nói rõ mức lương đầy đủ là bao nhiêu mà chỉ bảo sẽ trả theo luật lao động.
Về việc dọn dẹp các phòng ban, gom bốn phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim và thiết kế mỹ thuật vào một phòng, ông Nguyên cho biết đây là việc cần thiết. Theo ông, các phòng ban đều tồn đọng rác rưởi, ẩm mốc, thậm chí có thể bị quản lý môi trường phạt.
* Đạo diễn - diễn viên Quốc Tuấn chất vấn về việc dọn dẹp
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt bức xúc cho rằng ban lãnh đạo mới tắc trách khi dọn dẹp, vứt bỏ những vật có giá trị lịch sử. Anh trưng ra một chiếc mũ sắt và cà mên đựng cơm từ thời chống Mỹ - hai đạo cụ làm phim. Theo anh, những thứ này được vứt chỏng chơ mà nếu anh không thu nhặt lại thì đã rơi vào tay người mua đồng nát.
Ông Nguyên cho biết đây là việc không may, do rơi vãi, một phần vì chỗ để đồ "lung tung như ổ chuột". Ông Nguyễn Danh Thắng thêm vào: "Đạo cụ, phục trang đều có danh mục bàn giao tài sản. Chúng tôi có chỉ đạo cấp dưới xác định những gì mục nát sẽ quay phim, chụp ảnh lại. Kho phục trang vẫn còn ở hãng, chỉ một phần kho đạo cụ được chuyển đi và có biên bản".
Trước đó, trong ngày 16/9, một số nghệ sĩ cho rằng việc định giá hãng phim 19 tỷ là quá thấp, chưa tính đến giá trị thương hiệu cũng như hàng nghìn mét vuông đất của đơn vị. Họ cũng đưa ra nghi ngờ rằng Vivaso mua lại đơn vị với giá rẻ để lấy các mảnh đất có giá trị cao.
Phủ nhận thông tin này, ông Nguyên cho biết các mảnh đất của hãng phim là đất thuê của nhà nước và hãng thậm chí còn nợ 21 tỷ. Ông cũng khẳng định việc định giá hãng phim là của các cơ quan chuyên trách, làm theo luật pháp và có sự giám sát của chính phủ. Trước câu hỏi về lý do lại mua một đơn vị đang nợ và hoạt động bấp bênh như vậy, ông Nguyên trả lời đây là kế hoạch chiến lược của công ty, không thể tiết lộ.
Cuối cuộc họp, hai bên vẫn chưa thống nhất được cách thức làm việc cũng như giải quyết các khúc mắc về cơ chế và lương. Diễn viên Quốc Tuấn ra về sớm, đạo diễn Thanh Vân bỏ ra ngoài.
Ngày 21/9, tập thể nghệ sĩ dự kiến có cuộc gặp Hội Điện ảnh để trình bày vấn đề.
* Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Vivaso và các nghệ sĩ
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười... Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2014, phim chiến tranh Sống cùng lịch sử có kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. |
Ân Nguyễn