Đêm bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 diễn vào 20h ngày 28/11 ở Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), thu hút hơn 1.000 khán giả cùng hàng trăm nghệ sĩ, giới chuyên môn điện ảnh... tham dự.
Em chưa 18 đoạt giải Bông Sen Vàng cho hạng mục phim truyện điện ảnh. Phim hài do Lê Thanh Sơn đạo diễn, Charlie Nguyễn sản xuất, có doanh thu cao nhất lịch sử màn ảnh Việt. Hồi cuối tháng 5, Em chưa 18 thu về 169 tỷ đồng với hơn 2,3 triệu vé. Con số này vượt qua doanh thu 168,9 tỷ đồng của Kong: Skull Island (gần một tháng công chiếu ở Việt Nam). Ngoài hai diễn viên chính là Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, phim còn có sự góp mặt của Will, Châu Bùi và Quang Minh...
Thành công của Em chưa 18 phản ánh tinh thần chung của liên hoan phim năm nay: trẻ trung và giàu tính giải trí. Lần đầu tiên, sự kiện do Cục Điện ảnh tổ chức không có phim nhà nước ở hạng mục phim truyện. Tất cả phim dự thi đều do tư nhân sản xuất, được phát hành rộng rãi với chiến lược quảng bá bài bản. Đạo diễn Đặng Nhật Minh - trưởng ban giám khảo - nhận xét: "Trong 16 phim tranh giải, đa số là phim giải trí dành cho thanh niên hoặc tuổi mới lớn. Bây giờ, phim chủ yếu phản ánh cuộc sống của họ".
Phim là bệ phóng tên tuổi cho hot girl 17 tuổi Kaity Nguyễn - người sinh ra ở Việt Nam và lớn lên tại Mỹ. Cô thể hiện tròn trịa vai diễn đầu tay - một nữ sinh gạ tình tay chơi (Kiều Minh Tuấn) để trả thù bạn trai, nhưng cuối cùng bị anh ta cuốn hút. Việc hot girl đoạt danh hiệu quan trọng ở sự kiện điện ảnh phản ánh tiêu chí chấm giải dựa trên tinh thần tươi trẻ, đậm chất giải trí dành cho các tác phẩm dự thi.
* Quý Bình và Kaity Nguyễn nhận giải "Diễn viên chính xuất sắc"
Chất trẻ trung của liên hoan phim còn được thể hiện qua giải "Nữ diễn viên phụ" của bé Hà Mi - người nhỏ tuổi nhất được vinh danh năm nay. Trong Cô gái đến từ hôm qua, sao nhí chín tuổi có chuyển biến tâm lý nhịp nhàng trong vai Tiểu Li lúc nhỏ. Lối diễn tự nhiên của Hà Mi đã vượt qua màn trình diễn kinh nghiệm của Kim Xuân (Cô hầu gái) và phong cách sắc sảo của Quỳnh Chi (12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy).
Nếu các chiến thắng trên không khó đoán, giải đạo diễn và nam chính lại mang đến bất ngờ. Với Hotboy nổi loạn 2, Vũ Ngọc Đãng được vinh danh ở giải "Đạo diễn xuất sắc", vượt qua nhiều cái tên đáng chú ý như Lê Thanh Sơn (Em chưa 18 - phim đoạt Bông Sen Vàng), Lương Đình Dũng (Cha cõng con - phim đại diện Việt Nam dự Oscar) và Vũ Ngọc Phượng (giải "Đạo diễn xuất sắc" ở Cánh Diều Vàng 2017 với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy).
Tác phẩm của Vũ Ngọc Đãng thậm chí không nằm trong danh sách năm phim được chấm giải cao nhất (một Bông Sen Vàng, hai Bông Sen Bạc và hai giải của Ban giám khảo). Ê-kíp Hotboy nổi loạn 2 không đến đêm bế mạc và người nhận giải thay Vũ Ngọc Đãng là ca sĩ Phương Thanh (diễn viên trong Hot boy nổi loạn nhưng không góp mặt trong phần hai).
Giải nam chính bất ngờ gọi tên Quý Bình của Bao giờ có yêu nhau, dù đây không phải vai diễn nổi bật nhất của anh. Ngay ở tác phẩm này, vai trò của anh cũng mờ nhạt hơn Minh Hằng - người một mình đóng hai vai trong phim. Trong khi đó, màn trình diễn mộc mạc được đánh giá cao của Ngô Thế Quân chỉ giúp anh dừng ở Top 3. Kiều Minh Tuấn - bạn diễn của Kaity Nguyễn trong Em chưa 18 - thậm chí không được đề cử. Dù ban giám khảo có tiêu chí riêng, kết quả này vẫn khó thuyết phục một số khán giả.
Đạo diễn Victor Vũ - thành viên ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh - nhận xét năm nay, thể loại phim dự thi rất đa dạng, sự chỉn chu và chất lượng của mỗi tác phẩm cho thấy tinh thần làm việc của các nhà làm phim. "Tôi tin giải thưởng đã vào tay những nhà làm phim và những bộ phim xứng đáng", đạo diễn nói.
Phát biểu ở lễ bế mạc, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - chia sẻ sự kiện điện ảnh khép lại thành công sau 5 ngày đầy ắp hoạt động với các buổi chiếu phim chật kín rạp, các buổi giao lưu chuyên môn sôi nổi. Nhiều hoạt động bên lề như "Hội thảo con đường đưa điện ảnh Asean ra thế giới", chiếu phim ngoài trời miễn phí... thu hút sự tham gia của đông đảo người trong nghề và khán giả.
Liên hoan phim Việt Nam lần 20 tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 24 đến 28/11 với chủ đề: "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn”. Sự kiện là hoạt động lớn, nhằm biểu dương các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, được sản xuất và phổ biến từ sau Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19 (năm 2015).
Sự kiện tạo môi trường cho các văn nghệ sĩ điện ảnh, các nhà quản lý, nhà sản xuất, phổ biến và phát hành phim trao đổi kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt Nam, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mới của điện ảnh Việt, qua đó tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu điện ảnh của công chúng.
Mùa giải điện ảnh năm nay có nhiều thay đổi như việc "khai tử" hạng mục phim video bởi loại hình này đã lỗi thời, sáng lập giải thưởng Phim ASEAN (ASEAN Film Awards) để tăng cường sự hợp tác và vinh danh các tác phẩm trong khu vực.
Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, giải thưởng Phim ASEAN chưa ghi dấu ấn bởi các phim gửi tới không được nhiều khán giả biết đến. Đại diện của Việt Nam là Dạ cổ hoài lang - tác phẩm kém nổi bật trong năm qua. Ở đêm bế mạc, ban tổ chức thiếu sót vì quên trao giải "Phim xuất sắc" cho phim A Yellow Bird sau khi công bố. Hàng chục phút sau, ban tổ chức lại mời đại diện phim này lên sân khấu để nhận giải. Trước đó, chương trình cũng mắc lỗi khi đoạn phim giới thiệu Hà Mi ở giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" lại là trích đoạn của Kaity Nguyễn.
Thành phố biển Vũng Tàu sẽ là nơi tổ chức kỳ Liên hoan phim lần thứ 21 vào năm 2019. Khoảng thời gian hai năm tiếp theo sẽ là thử thách lớn cho điện ảnh Việt. Khán giả trông chờ bước phát triển tiếp theo của điện ảnh tư nhân, sự góp mặt nhiều hơn các các phim nghệ thuật, phim độc lập, cũng như những chuyển biến tích cực của điện ảnh Nhà nước để đáp ứng các yêu cầu của khán giả trong thời đại mới.
* Các giải thưởng ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 |
Ân Nguyễn