Cuộc chiến chống xâm phạm bản quyền phim ở Việt Nam
Phát tán trái phép phim là vấn nạn đau đầu nhiều năm qua của Việt Nam, từng xảy ra với các tác phẩm Bụi đời Chợ Lớn, Siêu nhân X, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... Tính năng livestream trên facebook - xuất hiện rộng rãi trong nước từ năm nay - càng khiến việc phát tán phim dễ dàng hơn. Những hình ảnh được đăng ngay lập tức trên mạng xã hội, chỉ trong vài phút có thể thu hút hàng nghìn người theo dõi. Theo chia sẻ ở một hội thảo bản quyền trong năm nay, có 30-40% phim ở Việt Nam bị phát tán trái phép.
* Trailer "Cô Ba Sài Gòn"
Hồi tháng 3, Kong: Skull Island bị nhiều người phát trực tiếp chỉ sau vài ngày chiếu ở Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) sau đó gửi kiến nghị cho Bộ Thông tin & Truyền thông xử lý việc phát tán phim lậu. Hàng loạt phim Việt bị quay lén rồi livestream trong năm nay như Em chưa 18, Xóm trọ 3D, Cô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn khiến các nghệ sĩ bức xúc.
Trong đó, Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất Cô Ba Sài Gòn - là người phản ứng quyết liệt nhất. Ngày 13/11, chỉ ba ngày sau khi phim khởi chiếu, một thanh niên đã livestream tác phẩm trên mạng xã hội vài phút. Ngô Thanh Vân yêu cầu người này gỡ đoạn video trái phép, sau đó cùng đại diện đơn vị phát hành phim đến làm việc ở văn phòng công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nơi diễn ra vụ quay lén).
Theo ghi nhận từ facebook của những người đăng tải phim, động cơ phát tán khá đa dạng như: để nhiều người cùng xem, để ghi lại khoảnh khắc thú vị hay để tìm kiếm sự nổi tiếng ảo trên mạng, như trường hợp của người quay lén Cô Ba Sài Gòn. Tại buổi làm việc với công an, thanh niên này nói quay lén để câu like, câu comment (bình luận) trên mạng, không biết việc mình làm là sai.
Sự việc làm dấy lên câu hỏi về mức xử phạt của pháp luật dành cho hành vi xâm phạm bản quyền này. Ngày 28/12, công an Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên bố phạt hành chính thanh niên livestream Cô Ba Sài Gòn với mức 15 triệu đồng. Trên VnExpress, nhiều độc giả cho rằng số tiền này vẫn còn quá nhẹ so với hành vi phạm tội, cũng như tổn thất gây ra cho nhà phát hành. Tuy nhiên, việc xử phạt lần này cũng là động thái tích cực, tạo ra tiền lệ để răn đe những người khác trong tương lai.
Cánh Diều Vàng vẫn nhiều lùm xùm khâu tổ chức, kết quả
Sau Liên hoan phim Việt Nam, Cánh Diều là giải thưởng phim ảnh quan trọng thứ hai trong năm 2017. Đây là sự kiện thường niên của Hội điện ảnh Việt Nam, trao giải cho cả phim điện ảnh và truyền hình. Vài năm qua, công tác tổ chức Cánh Diều luôn gặp rắc rối và kỳ gần nhất - diễn ra tối 9/4 - cũng không phải ngoại lệ.
* Đạo diễn Phương Điền, Nguyên Khang đọc nhầm tên phim
MC Nguyên Khang nhiều lần gặp sai sót trong chương trình, đọc nhầm tên phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy thành 12 chòm sao: Vẽ đường cho hươu chạy. Lúc trao giải Cánh Diều Vàng cho Sài Gòn, anh yêu em, anh cũng mời nhầm đạo diễn Vũ Ngọc Phượng (phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy) ra chia sẻ. Ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc cho phim truyền hình”, Lã Thanh Huyền được xướng tên cùng nghệ sĩ Minh Trang. Tuy nhiên, ban tổ chức không chuẩn bị đủ hai chiếc cup, khiến Minh Trang không có cup để ăn mừng.
Giải Cánh Diều Vàng cho "Phim điện ảnh xuất sắc" của Sài Gòn, anh yêu em cũng chưa thuyết phục. Tác phẩm của đạo diễn Lý Minh Thắng dễ chịu nhưng không nổi trội trong mặt bằng chung của các phim tranh tài. Trong khi đó, Cha cõng con - đại diện Việt Nam dự tranh "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" ở Oscar 2018 - chỉ được trao bằng khen. Cảm thấy bất công, đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại phần thưởng ngay trong đêm.
Doanh thu phim remake chững lại trong năm 2017
Sau thành công của Em là bà nội của anh (2015) với doanh thu hơn 100 tỷ, trào lưu remake tác phẩm ngoại nở rộ trên màn ảnh Việt. Năm nay, có bốn phim điện ảnh dựa trên kịch bản nước ngoài là Bạn gái tôi là sếp (làm lại từ ATM: Er Rak Error), Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ 200 Pounds Beauty), Yêu đi, đừng sợ (làm lại từ Spellbound) và Ngày mai Mai cưới (làm lại từ series hài Get Married của Indonesia).
* Trailer "Sắc đẹp ngàn cân"
Cả bốn phim đều không nằm trong top đầu doanh thu phòng vé năm 2017. Ngoài Ngày mai Mai cưới có kinh phí thấp, cả ba tác phẩm còn lại đều là dự án lớn, quy tụ dàn sao đình đám như Miu Lê, Minh Hằng, Ngô Kiến Huy, Nhã Phương. Thất bại của Sắc đẹp ngàn cân được quy cho chất lượng tác phẩm, khi phần âm nhạc nhạt nhòa so với bản Hàn, còn nam chính Rocker Nguyễn diễn đuối sức. Tuy nhiên, Bạn gái tôi là sếp và Yêu đi, đừng sợ! - hai phim được đánh giá có kỹ thuật và diễn xuất tốt - cũng không thể thu hút số lượng lớn khán giả.
Nhìn chung, các phim remake của Việt Nam gần đây đang đi vào lối mòn là làm quá giống bản gốc và không có chi tiết đắt giá để làm bật lên cảm xúc. Khán giả dễ chán nếu xem các phiên bản Việt ít sáng tạo về câu chuyện, đồng thời thua bản gốc về bối cảnh, quy mô sản xuất, diễn xuất. Sự khác biệt văn hóa giữa người Việt và bản xứ cũng làm một số tình tiết khó cảm.
Trào lưu remake kém hiệu quả trong năm nay tạo ra nhiều thách thức cho các tác phẩm sắp ra mắt như Tháng năm rực rỡ hay Yêu em bất chấp. Trong khi đó, một số nhà làm phim đã chuyển hướng, tiêu biểu như Charlie Nguyễn gác lại dự án remake phim Nhật Key of Life để làm phim Chàng vợ của em.
Phim Việt thua trên sân nhà trong Tết Nguyên đán 2017
Vài năm trước, Tết Nguyên đán là "mùa vàng" doanh thu cho các phim nội. Một số tác phẩm có chất lượng không tốt như Mỹ nhân kế, hoặc dễ dãi như Nhà có năm nàng tiên, Tía tui là cao thủ từng đạt doanh thu hơn 50 tỷ. Năm 2017, điện ảnh Việt mùa Tết có các phim Rừng xanh kỳ lạ truyện, Nàng Tiên có năm nhà, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu. Cả ba phim đều không thu về quá 40 tỷ, lép vế so với các bom tấn ngoại ra mắt cùng thời điểm như xXx: Return of Xander Cage (84 tỷ) và Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2 (62 tỷ).
* Trailer phim "Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu"
Các phim Tết năm ngoái có nội dung khá đa dạng, từ kỳ ảo (Rừng xanh kỳ lạ truyện), võ thuật (Lục Vân Tiên) đến tình cảm pha hài (Nàng Tiên có năm nhà), nhưng kịch bản và diễn xuất không gây ấn tượng. Sự xuất hiện của danh hài Hoài Linh trong hai phim Rừng xanh kỳ lạ truyện và Nàng Tiên có năm nhà cũng không thể thu hút người xem.
Giờ đây, những phim nội chiếu Tết ngày càng gặp khó trước sự cạnh tranh của phim ngoại chất lượng. Theo xu thế chung, thị trường ngày càng khắt khe hơn, kể cả trong thời điểm Tết Nguyên đán - lúc tâm lý người xem có phần dễ tính. Năm 2018, thành bại và chất lượng của dàn phim Tết như Đích tôn độc đắc, Siêu sao siêu ngố và 789Mười sẽ tiếp tục phản ánh thị hiếu của khán giả trong nước.
Phim truyền hình Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng gây sốt
Ở mảng truyền hình, đây là hai loạt phim nổi bật nhất, thu hút truyền thông và khán giả trong năm qua. Người phán xử được Việt hóa từ một series Israel, kể về gia đình một ông trùm (Hoàng Dũng đóng) được giới giang hồ kính trọng, nhờ cậy khi phân xử các vụ việc. Còn Sống chung với mẹ chồng xoay quanh những mâu thuẫn giữa một nàng dâu mới (Bảo Thanh đóng) và người mẹ chồng khó tính (Lan Hương đóng).
* Một cảnh trong "Người phán xử"
Dù cả hai phim đều có vài tình tiết phi lý và cái kết gây tranh cãi, nội dung tổng thể khá chỉn chu và đánh trúng thị hiếu người xem. Người phán xử là phim truyền hình hiếm hoi trong vài năm qua mô tả cuộc chiến chống tội phạm từ chính góc nhìn của thế lực xã hội đen. Trong khi đó, Sống chung với mẹ chồng được nhiều phụ nữ quan tâm nhờ tình tiết gần gũi với cuộc sống gia đình. Ngoài ra, đơn vị sản xuất hai phim cũng có chiến lượng truyền thông rầm rộ trên các báo đài và mạng xã hội.
Theo số liệu từ hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Vietnam -Tam, Người phán xử có rating 5,42%, cao nhất trong các phim khung giờ vàng phim truyện Việt Nam trên kênh VTV3. Sự phân hóa rõ rệt giữa thị hiếu hai miền cũng được thể hiện với raring 14.28% ở miền Bắc và 0,94% ở miền Nam. Còn Sống chung với mẹ chồng cũng có rating cao, thể hiện qua bảng giá quảng cáo ngang ngửa với Người phán xử. Hai series này là các phim Việt được nhiều người tìm kiếm nhất trên Google năm qua, cho thấy tiềm năng lớn của mảng phim truyền hình Việt Nam trong tương lai.
Ân Nguyễn