Tác phẩm Hollywood kinh phí 190 triệu USD đưa non nước Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình rực rỡ, kỳ bí lên màn ảnh rộng thế giới.
Tròn một năm sau thời điểm tới Việt Nam bấm máy, Kong: Skull Island ra mắt trong sự ngóng trông của nhiều khán giả. Phim công chiếu tại Hà Nội và TP HCM tối 9/3.
Sau trường đoạn mở màn giới thiệu nhân vật và bối cảnh, phim khiến nhiều khán giả trong nước sửng sốt với hình ảnh hòn đảo hư cấu được dựng gần như hoàn toàn từ bối cảnh Việt Nam.
Từ khoảng phút thứ 20, khung cảnh non nước hữu tình của Việt Nam dần hiện ra choáng ngợp màn ảnh. Lúc này, nhóm thám hiểm vừa vượt bão biển để vào được vùng lãnh thổ trên không của hòn đảo bằng trực thăng. Từ trên cao, ánh nắng mặt trời rọi chiếu một quần thể núi non hùng vĩ trên mặt nước Hạ Long. Một đàn cò trắng rập rờn bay ngang hòn núi xanh mướt cỏ cây trước ánh nhìn sững sờ cùng ống kính của nhân vật nữ nhiếp ảnh (Brie Larson đóng).
Hàng loạt đúp quay đại cảnh từ trực thăng nối tiếp, vẽ ra không gian thơ mộng, hùng vĩ và tráng lệ của núi non rừng thẳm xen hồ nước. Ở trường đoạn trung tá Packard (tài tử Samuel L. Jackson thể hiện) chất vấn nhân vật quan chức cấp cao tập đoàn Monarch (tài tử John Goodman đóng), hai nhân vật ngồi bên rìa một triền sông uốn khúc. Triền sông nằm ngay trước những dãy núi phía xa khiến không gian trong cảnh có nhiều lớp chồng xếp nhờ đó hậu cảnh có chiều sâu.
Khi đoàn thám hiểm bước vào ngôi làng thổ dân ở Đầm Long Vân bên trong thung lũng Ninh Bình, những hòn núi đứng im lìm giữa dòng sông lớn dưới ánh nắng chiều tạo cảm giác mạnh về xứ sở bình yên, lạ lẫm và kỳ bí.
Những trường đoạn khỉ Kong khổng lồ chiến đấu với quái vật trong khung cảnh núi non ở Ninh Bình gây ấn tượng hơn cả. Kích cỡ những trái núi ở thung lũng Ninh Bình (được phủ màu xanh của cây cỏ) tương đương kích cỡ nhân vật vua khỉ (có lông màu xám đen).
Thủ pháp tương đương về kích cỡ này giúp tôn nhân vật chính và bối cảnh nền. Bằng cách dựng hình có tính toán, phim không chỉ dùng những trái núi Việt Nam (mang màu tự nhiên) để tạo sự ấn tượng mạnh về thị giác mà còn làm tăng sự thân thiện cũng như tính nhân hậu của nhân vật chính là Kong.
Ở tác phẩm Pan hồi 2015, đoàn phim chỉ dùng cảnh Hạ Long và Quảng Bình để điểm xuyết tạo không gian cho câu chuyện giả tưởng. Ngược lại, ở Kong: Skull Island, với bối cảnh vừa lộng lẫy vừa tự nhiên, gần như mọi cảnh có quái thú xuất hiện đều chân thực, không tạo cảm giác giả tạo như một số bom tấn khác. Kỹ xảo Hollywood cộng với sự chân thực của thắng cảnh Việt giúp các phân đoạn trở nên mãn nhãn.
Các bối cảnh Việt Nam, Australia và Hawaii (Mỹ) hợp lại, tạo ra không gian trọn vẹn của một hòn đảo hư cấu với những khu vực rừng cây, đầm nước quy tụ nhiều sinh vật và thực vật lạ kỳ. Trong đó, bối cảnh Việt Nam chiếm 70%.
Những đại cảnh chiến đấu khiến cho câu chuyện mang dáng dấp sử thi và đưa cảnh đẹp Việt Nam lần đầu tiên trở nên rực rỡ trên màn ảnh. Ngoài ra, ở nửa đầu phim, tác phẩm còn đưa người xem vào không gian Sài Gòn thập niên 1970.
So với những tác phẩm từng làm về khỉ Kong, Kong: Skull Island là câu chuyện khác biệt nhất. Lấy bối cảnh năm 1973, phim kể về một nhóm nhà thám hiểm đa quốc tịch được toán binh sĩ Mỹ hỗ trợ khám phá một hòn đảo mới ở Nam Thái Bình Dương.
Sau khi gặp tai nạn trực thăng, họ lạc thành hai nhóm - một thường dân và một nhóm binh sĩ. Với hai tuyến nhân vật đoàn thám hiểm và cuộc chiến rừng sâu của các binh sĩ, chuyện phim là màn kết hợp giữa thể loại phiêu lưu về quái thú và dòng phim giễu nhại chiến tranh.
Trong khi các cảnh khám phá hòn đảo của Tom Hiddleston và Brie Larson gợi người xem tới không gian của Jurassic Park (Công viên kỷ Jura), những cảnh săn lùng và diệt quái vật của nhóm chiến binh gợi người xem đến bom tấn Apocalypse Now của nhà làm phim gạo cội Francis Ford Coppola.
Cốt truyện về Kong diễn ra theo tuyến tính thời gian với những nút thắt ít bất ngờ. Không xây dựng câu chuyện quái vật nghẹt thở như King Kong 2005 (phiên bản làm lại trung thành tuyệt đối với phim gốc, đưa câu chuyện về Kong trở thành huyền thoại mới của thời đại kỹ xảo), phim mới dẫn người xem vào chuyến dạo chơi vui vẻ bên trong một công viên giải trí mạo hiểm. Bước vào hòn đảo đầu lâu, khán giả như lần lượt được xem từng loài thú vật trong sở thú lạ kỳ. Thời lượng cốt truyện ngắn gọn, lời thoại và chi tiết, hình ảnh hài hước phần nào tạo không khí sôi nổi.
Nhân vật khỉ Kong trong tác phẩm mới được xây dựng chân thực nhờ kỹ xảo tân tiến hàng đầu Hollywood hiện nay - motion capture (người đóng thế động vật và mọi cử chỉ hay biểu cảm nhỏ nhất đều được thu lại vào máy vi tính). Từng biểu cảm trên mặt hay cử chỉ ở đầu ngón tay, các khớp xương của quái thú cao hơn 33 m trên màn ảnh đều được mô tả sống động và mềm mại. Nhiều đúp quay mô tả cận đôi mắt khỉ Kong ở nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau - khi đỏ ngầu vì giận dữ, khi trong sáng và thân thiện.
Ở đầu phim, Kong hiện lên như một con quái thú giết chóc và ăn thịt con người, là kẻ thù với người da trắng. Khi nửa sau câu chuyện được vén mở, Kong gần gũi, thân thiện và hành xử cao thượng hơn cả con người. Tạo hình, hành vi của nhân vật linh trưởng khổng lồ trong phim mới giống hệt một con người có suy nghĩ, tư duy và tình cảm (thay vì mang tính quái thú như các phim cũ).
Không gian Đảo đầu lâu trong Kong: Skull Island cũng được xây dựng khác hẳn với hình ảnh Đảo đầu lâu của các phim cũ. Không phải là hòn đảo bí ẩn có rừng thiêng nước độc, Đảo đầu lâu trong phim mới mang đậm không gian của vùng rừng rậm xứ nhiệt đới.
Những cảnh lội bùn lầy trong phim mang đến không gian về vùng địa lý tươi sáng, ấm áp, nhiều vẻ nóng ẩm hơn là một khu rừng âm u và chết chóc, đầy rắn rết, bẩn thỉu và chưa ai khai phá như trong King Kong hồi 2005 của đạo diễn Peter Jackson. Tuy vậy, những trường đoạn chiến đấu ở nửa cuối tạo cảm giác mãn nhãn, sôi động và náo động như xem hội chợ quái vật đánh nhau chứ không gây hồi hộp hay sợ hãi như thể mắc kẹt trong rừng.
Dàn diễn viên như Tom Hiddelston, Brie Larson, Samuel L. Jackson diễn xuất đồng đều nhưng không thật sự ấn tượng. Lý do chính là bởi các nhân vật con người trong phim không được xây dựng hoàn hảo. Người có tính cách nhất là vai trung tá Packard - một thủ trưởng của một trung đoàn Mỹ hết lòng vì binh sĩ cấp dưới nhưng nóng giận và luôn tìm cách trả thù cho các nợ máu. Tuy nhiên, nhiều phân cảnh diễn biến tâm lý của nhân vật này bị xây dựng gượng ép và một chiều khiến người xem không thực sự đồng cảm với ông.
Tom Hiddleston thu hút nhờ vẻ điển trai và dễ gần của một nhân vật chính diện an toàn nhưng lại nhạt nhòa tính cách. Còn vai của minh tinh Brie Larson cho thấy diễn xuất của cô kém ấn tượng hơn hẳn vai bà mẹ thương con trong Room - từng giúp cô đoạt giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc" trước đây. Nhân vật phóng viên chiến trường của Brie Larson thiếu chiều sâu bởi những cảnh lột tả tính cách của cô nhiều nhất chỉ là các phân cảnh chụp hình thăm thú hòn đảo. Cô không đưa ra quyết định nào ảnh hưởng tới cốt truyện.
Đây là phim dài thứ hai của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, sau The Kings of Summer hồi 2013. Lối quay và dựng phim của đạo diễn 34 tuổi ở nửa đầu tác phẩm chưa liền mạch khiến nhiều phân đoạn không đẩy được cảm xúc người xem lên cao trào. Điểm mạnh nhất của đạo diễn là những pha hành động được xử lý bằng kỹ xảo. Các cảnh cháy nổ như trò chơi điện tử mãn nhãn. Cảnh Tom Hiddleston cầm kiếm samurai giết quái vật trong không gian ngập khí ga độc khiến người xem thích thú.
Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu lâu) sẽ ra mắt ở Việt Nam từ ngày 10/3 với mức nhãn C13 (không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi).
Việt Vũ