Theo ước tính của CGV, tổng doanh thu phòng vé năm nay của Việt Nam là 3.250 tỷ, cao nhất lịch sử màn ảnh Việt, tăng 16% so với năm 2016 (2.800 tỷ). Trong đó, phim Việt chiếm 25% doanh thu. Ông Dong Won Kwak - Cựu Tổng giám đốc CGV Việt Nam - khẳng định Việt Nam có đủ tiềm năng lọt vào Top 5 thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế là 92 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm phần đông.
* Doanh thu tính đến ngày 22/12. Số liệu từ nhà phát hành.
Em chưa 18, Kong: Skull Island và Fast & Furious 8 không chỉ dẫn đầu năm 2017, mà còn đứng đầu màn ảnh Việt mọi thời đại. Điều này phản ánh sự phát triển của thị trường phim ảnh năm nay. Nếu cách đây vài năm, việc Để Mai tính 2 hay Em là bà nội của anh vượt mốc 100 tỷ được xem là kỳ tích, thì trong năm nay cột mốc này đã bị ba phim trên phá sâu.
Em chưa 18 xoay quanh chuyện tình giữa cô nàng nữ sinh Linh Đan (Kaity Nguyễn) và gã tay chơi Hoàng (Kiều Minh Tuấn). Em chưa 18 được khen ngợi nhờ câu chuyện hài hước và lãng mạn, nội dung hiện đại hướng về giới trẻ. Thành công của phim gây bất ngờ lớn cho chính đạo diễn Lê Thanh Sơn và ê-kíp, bởi trước đó tác phẩm không phải ứng viên hàng đầu cho vị trí doanh thu cao nhất năm.
"Em chưa 18" là phim có doanh thu cao nhất lịch sử màn ảnh Việt
Theo đạo diễn Lê Thanh Sơn, đây chưa phải phim xuất sắc nhưng thành công nhờ sự chỉn chu so với mặt bằng chung, câu chuyện tươi mới, thổi làn gió lạ vào điện ảnh Việt. Ra mắt vào dịp lễ 30/4 - 1/5, phim gây sốt và trở thành hiện tượng, trụ rạp trong thời gian dài. Sự ăn khách của phim cũng khiến nhiều nhà chuyên môn nhận ra tiềm năng lớn của những tác phẩm trẻ trung, lấy đề tài học đường.
Trong khi đó, thành công của Kong: Skull Island và Fast & Furious 8 được dự đoán từ trước. Trên thế giới, bom tấn của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chỉ xếp thứ 14 về doanh thu năm nay với 566 triệu USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phim nhận được sự quan tâm lớn của khán giả và các bộ ngành bởi có 70% bối cảnh quay tại Việt Nam. Nhiều người ít quan tâm đến phim ảnh cũng đổ xô đến rạp để chứng kiến cảnh đẹp Ninh Bình, Quảng Bình và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trên màn ảnh, cùng sự xuất hiện của một vài người Việt trong vai thổ dân.
* "Kong: Skull Island" gây sốt với bối cảnh Việt
Còn Fast & Furious 8 ăn khách do độ nổi tiếng của series phim đua xe cùng dàn sao Vin Diesel, The Rock, Jason Statham. Phần tám của loạt phim vẫn giữ vững các điểm mạnh về kỹ xảo, hành động, đạt doanh thu nhỉnh hơn phần bảy ở Việt Nam.
Trong Top 10 có đến chín phim có một trong hai yếu tố hành động hoặc hài. Annabelle: Creation là phim kinh dị duy nhất lọt vào danh sách. Tác phẩm kể về những nạn nhân đầu tiên của Annabelle - búp bê ma nổi tiếng trong văn hóa đại chúng. Những pha hù dọa được dàn dựng với kỹ thuật tốt cùng câu chuyện gắn kết với hai phần The Conjuring khiến phim gây sốt ở Việt Nam. Theo nhà phát hành, Annabelle: Creation cũng là phim kinh dị đạt doanh thu cao nhất lịch sử màn ảnh Việt.
Phim kinh dị "Annabelle: Creation" thu hút khán giả
Trong 10 tác phẩm đứng đầu màn ảnh Việt 2017, nhà phát hành CGV chiếm ưu thế với bảy phim, còn Galaxy có ba phim. Đây cũng là hai đơn vị phát hành nắm đầu mối làm việc với các hãng phim lớn của Hollywood. Disney, Universal, Paramount phát hành ở Việt Nam thông qua CGV. Sony và 21st Century Fox cộng tác với Galaxy. Còn Warner Bros. có lúc phát hành qua CGV, có lúc qua Galaxy.
Điện ảnh Hollywood chiếm đa số với bảy phim, điện ảnh Việt có hai phim, còn một phim đến từ Trung Quốc. Cô gái đến từ hôm qua - chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh - đứng thứ chín với 68 tỷ. Trái với bối cảnh hiện đại của Em chưa 18, câu chuyện trong Cô gái đến từ hôm qua diễn ra vào thập niên 1990. Tác phẩm hút khách nhờ độ nổi tiếng của phiên bản văn học, nội dung lãng mạn. Với thành công doanh thu của phim này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng khẳng định tên tuổi sau Em là bà nội của anh (2015).
"Cô gái đến từ hôm qua" là phim Việt ăn khách thứ hai trong năm.
Ngoài top 10, điện ảnh Việt có hai phim doanh thu cao là Cô Ba Sài Gòn (BHD, gần 60 tỷ) và Mẹ chồng (CGV, hơn 40 tỷ đồng, hiện còn chiếu). Hai phim này có điểm chung là lấy trung tâm là nữ giới, câu chuyện đậm đặc nữ tính. Cô Ba Sài Gòn kể về hành trình du hành thời gian của nhà thiết kế Như Ý (Lan Ngọc), qua đó tôn vinh giá trị truyền thống của chiếc áo dài. Thành công của dự án thể hiện sự ổn định của ê-kíp Ngô Thanh Vân. Năm ngoái, phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đơn vị cô đứng đầu phòng vé Việt với doanh thu 67 tỷ.
Phim Mẹ chồng kể về cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa những người phụ nữ thuộc ba thế hệ của một gia đình thời xưa. Phim trụ rạp gần một tháng và được nhiều khán giả chú ý bởi nội dung gây tò mò, đánh trúng tâm lý nữ giới, dàn diễn viên đẹp gồm Thanh Hằng, Lan Khuê, Ngọc Quyên, Midu và Diễm My.
Sự gia tăng doanh thu phòng vé tỷ lệ thuận với sự phát triển số rạp trong nước năm nay. Đến cuối năm, ở Việt Nam có 760 phòng chiếu, tăng 32% so với năm ngoái. 43% số rạp là của CGV. Trong các doanh nghiệp Việt, Galaxy dẫn đầu trong việc phát triển rạp chiếu. Hiện đơn vị có 13 hệ thống rạp với 80 màn hình.
Năm 2017 chứng kiến sự "hạ nhiệt" doanh thu của trào lưu remake phim nước ngoài. Bốn phim điện ảnh dựa trên kịch bản ngoại trong năm nay - Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi, đừng sợ và Ngày mai Mai cưới - đều không gây sốt phòng vé. Chưa phim remake nào lặp lại được thành công như Em là bà nội của anh cách đây hai năm. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho trào lưu này trong tương lai, với các dự án Tháng năm rực rỡ và Yêu em bất chấp rục rịch ra mắt.
TP HCM chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất nước với khoảng 40%, Hà Nội 30%, các tỉnh còn lại 30%. Bốn thể loại ăn khách nhất ở Việt Nam lần lượt là hành động, siêu anh hùng, phim tình cảm - hài của Việt Nam, hoạt hình và kinh dị.
Dù phim tình cảm - hài đang thắng thế ở phim Việt, đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng trong tương lai thị trường sẽ có biến chuyển lớn. Đạo diễn Em chưa 18 chia sẻ: "Phim tình cảm - hài đã đạt đỉnh năm 2017. Tôi cho rằng làng phim Việt năm sau sẽ chứng kiến sự quay lại của các thể loại hành động, hình sự và kinh dị để có thêm nhiều chất cho khán giả lựa chọn".
Ân Nguyễn