Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, "phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc". Bộ Giao thông Vận tải cần làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực đầu tư các dự án liên quan.
Ngành giao thông cũng cần lấy ý kiến các đơn vị liên quan về chủ trương đầu tư tiếp các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2021. Trong 5 năm tới, "tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam cơ bản hoàn thành những nơi thật cần thiết".
Tuyến cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.799 km. Hiện Bộ Giao thông Vận tải triển khai 11 dự án, dài 654 km đi qua 13 tỉnh thành. Sau khi hoàn thành 11 dự án này vào năm 2023, cùng với hơn 300 km cao tốc đã khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ hoàn thành được 1.000 km. Do đó, còn 700 km cao tốc chưa hoàn thành, cần được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ngoài yêu cầu triển khai cao tốc Bắc Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu các tuyến cao tốc khác được địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị thời gian qua như tuyến Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến kết nối Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, vành đai 3, vành đai 4 TP. HCM; vành đai 4, vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội và một số tuyến đường ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Thủ tướng cũng khuyến khích các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn; chủ động giải phóng mặt bằng và cung cấp nguồn vật liệu xây dựng.
"Nguyên tắc là triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, tỉnh thành đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách Trung ương phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần", Thủ tướng chỉ đạo.