11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam với chiều dài 654 km, tổng vốn đầu tư 100.816 tỷ đồng, đang được triển khai. VnExpress phỏng vấn ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), về việc kiểm soát tiến độ và chất lượng các dự án này.
- Hiện nay 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đang thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Trong 11 dự án cao tốc Bắc Nam, có 3 dự án đầu tư công đã được khởi công vào năm 2019. Dự án Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế) đạt 30% khối lượng, dự án Cao Bồ - Mai Sơn (Nam Định đến Ninh Bình) đạt 50%. Hai dự án này đã hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng, dự kiến thi công xong vào năm sau. Dự án cầu Mỹ Thuận đã khởi công các gói thầu đường dẫn và cầu dẫn, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022.
3 dự án đầu tư công khác là Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã được khởi công 3 gói thầu vào ngày 30/9, còn 10 gói thầu đang chấm. Trong tháng 10 dự kiến khởi công toàn bộ gói thầu còn lại. Các dự án này sẽ hoàn thành cuối 2022.
5 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được mở thầu, cuối năm nay sẽ lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư có 6 tháng để thu xếp tín dụng, sau đó ký hợp đồng với cơ quan quản lý nhà nước, dự kiến khởi công vào quý 2 năm sau. Trường hợp dự án nào không có nhà đầu tư tham gia thì Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ, Quốc hội để quyết định hình thức đầu tư khác.
Chúng tôi đánh giá việc triển khai các dự án cao tốc Bắc Nam đang thuận lợi, chưa phát sinh gì ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án. Lợi thế của các dự án này là có sự quan tâm, đôn đốc của Chính phủ, nguồn vốn sẵn sàng, công tác giải phóng đã đạt khoảng 80%. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai dự án theo đúng tiến độ.
- Các dự án cao tốc đều có giá trị lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đấu thầu thế nào để chọn được những nhà thầu tốt nhất?
- Xác định dự án cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia, nên ngay khi triển khai 3 dự án sử dụng vốn đầu tư đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ mời thầu chặt chẽ, bài bản.
Bộ đưa ra các yêu cầu tối thiểu mà nhà thầu phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, máy móc, thiết bị, tài chính..., để đảm bảo chọn được những nhà thầu tốt nhất. Ví dụ, nhà thầu phải có kinh nghiệm xây dựng công trình giao thông ít nhất 5 năm trở lên. Trong 5 năm gần đây, nhà thầu từng thực hiện gói thầu giá trị bằng ít nhất 70% gói dự thầu.
Ngoài ra, còn có một số ràng buộc như số thành viên liên danh nhà thầu không quá 5 đơn vị với gói thầu giá trị trên 2.000 tỷ đồng và 3 nhà thầu với gói thầu dưới 2.000 tỷ đồng. Quy định này nhằm không cho quá nhiều nhà thầu cùng tham gia trong một gói, qua đó sẽ chọn được nhà thầu năng lực tài chính tốt.
Nhà thầu vượt qua vòng xem xét năng lực mới tiếp tục được đánh giá về hồ sơ tài chính, giá chào thầu.
Không chỉ kiểm soát nhà thầu chính, các nhà thầu phụ cũng được đánh giá năng lực. Mỗi gói thầu không được quá 3 nhà thầu phụ và sản lượng nhà thầu phụ chiếm không quá 30% sản lượng, điểm này khác so với Luật đấu thầu vì không quy định số lượng nhà thầu phụ.
Với các đánh giá khắt khe về tài chính, năng lực thi công, kinh nghiệm, chúng tôi sẽ loại bỏ những nhà thầu yếu, chỉ để các doanh nghiệp mạnh, có uy tín tham gia.
- Thủ tướng đã chỉ đạo các nhà thầu không được làm ẩu, không được bán thầu cho nhiều nhà thầu phụ hưởng chênh lệch. Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp gì để thực hiện yêu cầu này?
- Chúng tôi yêu cầu nhà thầu chính không được giao cho nhà thầu phụ các hạng mục công trình chính của dự án, như thảm bê tông nhựa, thi công dầm cầu khẩu độ lớn.
Việc xử phạt cũng được đưa vào hợp đồng ký kết với nhà thầu. Các nhà thầu không đáp ứng tiến độ, chất lượng sẽ bị phạt, phải điều chuyển khối lượng hoặc chấm dứt hợp đồng. Chủ đầu tư có quyền bổ sung nhà thầu phụ thay thế.
Với quy định hiện hành dù hết thời gian bảo hành, nếu công trình hư hỏng và xác định lỗi do nhà thầu thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm sửa chữa. Doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn nếu để xảy ra hư hỏng. Do đó, tôi tin rằng nhà thầu sẽ không dám sai, gian dối để phải sữa chữa đường sau này.
Qua một số dự án cao tốc Bắc Nam đã đấu thầu, chúng tôi đánh giá các nhà thầu đều mạnh, đã có kinh nghiệm thi công dự án lớn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã mời 3 cơ quan Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng giám sát các dự án để phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực có thể phát sinh.
- Một số dự án trước đây như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng do có nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng. Đâu là bài học rút ra cho dự án cao tốc Bắc Nam?
- Cao tốc Bắc Nam là dự án được Quốc hội và Chính phủ quan tâm đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ về chất lượng, tiến độ, đảm bảo là dự án mẫu mực, đồng thời quản lý hiệu quả vốn đầu tư.
Từ kinh nghiệm trước đây, chúng tôi quyết không để xảy ra sai phạm trong các dự án lần này. Ngay từ bước lập dự án đầu tư đến thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi còn ban hành các quy định tăng cường trách nhiệm của chủ thể tham gia dự án, từ ban quản lý, nhà đầu tư đến nhà thầu...
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu đầu vào và các bán thành phẩm, kết cấu xây dựng. Đặc biệt, kiểm tra nguồn cung cấp vật liệu như mỏ đất, đá cát, nhựa đường, sắt thép. Đây là các yếu tố quan trọng liên quan chất lượng công trình.
Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua nghị quyết xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông dài 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh, thành phố gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Tổng mức đầu tư toàn dự án trên 100.816 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư, còn lại huy động ngoài ngân sách; giải phóng mặt bằng đất trên 4.800 ha đất.
Giai đoạn 1 các dự án được thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80 km/h (không phải tốc độ tối đa cho xe lưu thông) và nâng lên 120 km/h với quy mô 6 làn xe cho giai đoạn 2. Các dự án đều được giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn có quy mô 4 làn xe.