Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời phỏng vấn của VnExpress về các dự án hạ tầng giao thông sẽ triển khai trong năm 2021.
- Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông như thế nào, thưa ông?
- 2020 là năm chúng tôi thực hiện các dự án hạ tầng tốt nhất trong 4-5 năm qua, giải ngân được gần 40.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực lớn vì ảnh hưởng dịch bệnh, việc đi lại của các nhà thầu rất khó khăn.
Năm 2021 mở đầu nhiệm kỳ mới, chúng tôi có 2 dự án ưu tiên: Số một là cao tốc Bắc Nam phía đông, nối từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Đây sẽ là trục xương sống phát triển kinh tế xã hội của đất nước; số hai là đường Hồ Chí Minh trục dọc phía tây, phấn đấu thông tuyến từ Bắc Bó đến Cà Mau. Hiện nay đường Hồ Chí Minh còn 3 đoạn, cao tốc Bắc Nam còn 900 km chưa được đầu tư, chúng tôi sẽ phấn đấu bố trí vốn để xây dựng.
Ngoài ra, mỗi khu vực có một số ưu tiên khác, ví dụ Hà Nội triển khai đầu tư vành đai 4 để không chỉ cho Hà Nội mà còn kết nối các tỉnh xung quanh, phục vụ hàng hóa đến các cảng không phải đi qua Hà Nội. TP HCM cũng được ưu tiên làm vành đai 3 đi qua các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong 5 năm tới đây, với dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án tạo ra "đột phá", thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.
Ngoài các dự án trên, chúng tôi sẽ đầu tư khắc phục các điểm nghẽn, nút thắt về vận tải trên tuyến đường sắt Bắc Nam, trên các hành lang đường thuỷ nội địa chính như kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, nâng tĩnh không cầu Đuống, logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cải tạo một số tuyến luồng hàng hải cấp thiết như luồng sông Hậu, luồng Cái Mép - Thị Vải, luồng Hòn Gai - Cái Lân... Ngành giao thông cũng sẽ nâng cấp sân bay Điện Biên, Côn Đảo, Chu Lai, Nà Sản (Sơn La).
- Tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam trong năm 2021 sẽ như thế nào, thưa ông?
- Theo nghị quyết số 52 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, chia thành 11 dự án thành phần.
Đối với ba dự án đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), đang triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp, với tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, dự án Cao Bồ - Mai Sơn đạt 56% giá trị hợp đồng xây lắp, dự án Cam Lộ - La Sơn đạt 30% giá trị hợp đồng (chậm 5% so với kế hoạch do mưa lũ khu vực miền Trung); dự án cầu Mỹ Thuận 2 đạt 15% giá trị hợp đồng (nhanh 1,4% so với kế hoạch).
Ba dự án chuyển đổi từ đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công là Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, chúng tôi đã hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các gói thầu xây lắp; hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cho 10/13 gói thầu.
Hiện nay các dự án đầu tư công được thực hiện đúng theo nghị quyết của Quốc hội, còn 2 năm nữa sẽ hoàn thành. Chúng tôi đang tập trung để làm nhanh nhất có thể.
Trong 5 dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chuyển đổi sang đầu tư công. Các dự án này sẽ được Bộ Giao thông vận tải triển khai trong thời gian sớm nhất.
Ba dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi lựa chọn, Bộ sẽ đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để có thể khởi công trong năm 2021.
- Đâu là nguyên nhân khiến 2 dự án cao tốc theo hình thức PPP không tìm được nhà đầu tư?
- Kết quả bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho thấy, toàn bộ 5 dự án PPP đều khả thi về mặt tài chính và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các dự án này đều có nhà đầu tư trúng sơ tuyển trước khi đấu thầu.
Tuy nhiên, kết quả sơ tuyển cũng cho thấy một số nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở dự án này cũng đồng thời trúng sơ tuyển ở một số dự án khác. Căn cứ mức độ hấp dẫn, năng lực vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn tín dụng, nhà đầu tư có quyền quyết định lựa chọn dự án để nộp hồ sơ dự thầu.
Theo kết quả đấu thầu, sau khi gia hạn thời điểm đóng thầu, một dự án không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; một dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, tuy nhiên kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư này không đáp ứng yêu cầu. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải không lựa chọn nhà đầu tư này.
- Để thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải đưa ra giải pháp nào?
- Chúng tôi đề xuất cần có chính sách pháp luật ổn định và hoàn chỉnh. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đã được Quốc hội thông qua, là khung pháp lý quan trọng, gồm nhiều cơ chế mới để thu hút các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, để đưa các cơ chế này vào thực tiễn cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật.
Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên để đảm bảo hiệu quả và thu hút được các nhà đầu tư thì rất cần có sự tham gia, hỗ trợ của nguồn vốn nhà nước. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước tại các dự án PPP phải được bố trí trong kế hoạch vốn để đảm bảo tính chủ động, không gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Chúng tôi cũng thấy cần quán triệt việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu minh bạch, bảo đảm lựa chọn được đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng cần thực hiện trước bằng nguồn vốn nhà nước, đảm bảo sau khi lựa chọn được nhà đầu tư có thể bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công.
Chính phủ cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp về cung cấp tín dụng cho các dự án PPP đầu tư kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng là tài sản công, việc huy động vốn đầu tư cần được xem như hình thức tài trợ vốn với mức lãi suất vừa phải, không nên áp dụng theo cơ chế thương mại.
Ngoài các giải pháp nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT trước đây sẽ có tác động tích cực, tạo niềm tin, môi trường thuận lợi để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.